Theo truyền thuyết, Kinh Dương Vương lấy Long Nữ sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra Vua Hùng. Do vậy, ngày giỗ Tổ vua Hùng, cũng chính là ngày giỗ Tổ phụ Kinh Dương Vương. Ghi nhận không khí ngày Quốc giỗ tại khu Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương, thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành.
Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3. Đã thành truyền thống, cứ đến ngày này, gác lại mọi lo toan bận rộn, các thành viên trong gia đình ông Ngô Đắc Kiên, thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, Thuận Thành lại sum vầy, cùng nhau chuẩn bị hương hoa, mâm cơm tươm tất, đặt lên vị trí linh, thiêng trang trọng nhất trong nhà để thắp hương bái yết tổ tiên, tưởng nhớ công lao dựng nước của Vua Hùng.
Để bày tỏ tấm lòng thành kính, tri ân, ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân trong việc khai sinh mở nước. Ngày hôm nay, không quản đường xá xa xôi, những con Lạc, cháu Hồng từ khắp nơi đã có mặt tại khu Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương từ khá sớm để dâng hương, bái yết Đức Thủy Tổ. Đồng thời, đây cũng là dịp để giáo dục con cháu hiểu biết thêm về gốc tích dân tộc.
Từ xa xưa, Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương là một trong những Lăng mộ, ngôi đền thiêng cổ nhất Việt Nam được các triều đại phong kiến xếp vào loại miếu thờ Đế Vương. Hàng năm, chính quyền và nhân dân địa phương thường tổ chức Lễ hội Kinh Dương Vương một cách trang nghiêm, thành kính. Bên cạnh đó vào ngày mùng 10/3, tức ngày giỗ Tổ Hùng Vương, chính quyền địa phương và Ban Quản lý di tích cũng tổ chức hoạt động cúng giỗ với những nghi thức mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện niềm tự hào dân tộc.
Những năm gần đây, du khách hành hương về Lăng Kinh Dương Vương nhân ngày giỗ Tổ ngày càng đông, điều này chứng tỏ ngày càng có thêm nhiều người tường tận về lịch sử và cội nguồn dân tộc. Và đối với nhiều người, đây cũng là dịp để sum vầy, nhằm đề cao các giá trị văn hóa của người Việt.
Xuân Trường – Đình Nghĩa