Lễ cúng ông Công, ông Táo “Phong tục tín ngưỡng đẹp của người Việt”

(BTV) Không ai biết chính xác tục cúng ông Công, ông Táo có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó tồn tại từ rất lâu, đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam qua nhiều thế hệ.


Theo phong tục cổ truyền của người dân Việt Nam, hàng năm cứ đến ngày 23 tháng chạp mọi người dân lại tất bật để chuẩn bị cho dịp lễ cúng ông Công ông Táo với mong muốn gia đình gặp nhiều may mắn.

Cũng như bao gia đình khác, gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, thôn Lũng Giang, Thị trấn Lim, huyện Tiên Du dậy từ rất sớm để chuẩn bị đồ lễ, mâm cơm để cúng ông Công ông Táo.
 
 Mọi người trong gia đình tất bật chuẩn bị đồ lễ

Theo như các thế hệ đi trước kể lại, cúng ông Công, ông Táo là một phong tục có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núp.

Ông Công, ông Táo được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện-Ác của con người. Và hàng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội.

Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị Thần Táo (hay vua Bếp) là những vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình. Tất nhiên, phước đức này đến từ việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà.

Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người ta lại làm lễ tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời.

Đồ lễ để cúng ông Công, ông Táo thường có một bộ mã ông Công và ba bộ mã ông Táo. Ngoài ra còn có hương, hoa, oản, cau, trầu; cùng một mâm cỗ được chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ với xôi, gà, giò, nem, canh măng miến... Tuy nhiên, thực tế tùy theo khả năng của từng gia đình, các gia đình có thể cúng mâm cỗ chay.

Mâm cơm cúng gia đình nhà ông Nguyễn Văn Sơn có 6 món, tuy chưa được tinh tươm về các món, nhưng vẫn đầy đủ và được sắp xếp ngay ngắn, đẹp đẽ.

Mâm lễ cúng ông Công ông Táo của gia đình nhà Ông Nguyễn Văn Sơn, Thôn Lũng Giang, TT.Lim, huyện Tiên Du

Lễ cúng ông Táo thường được tiến hành trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp Âm lịch (có thể cúng vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng 23 tháng Chạp) bởi dân gian quan niệm sau 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp là ông Táo lên chầu trời nên sẽ không nhận được đồ cúng.
 

Gia đình nhà ông Nguyễn Văn Sơn hành lễ, báo cáo kết quả của một năm qua


Theo quan niệm dân gian, cá chép nên thả trước giờ Ngọ (12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp) để Táo quân có đủ thời gian lên chầu trời. Tuy nhiên tùy vào thời gian của mọi người dân mà có thể thay đổi giờ giấc cúng sao cho phù hợp, nhưng ko lên quá (12 giờ trưa ngày 23). Theo truyền thuyết, việc phóng sinh cá chép là phương tiện duy nhất để đưa ông Táo về trời, theo ý nghĩa tâm linh thì mọi người dân đều hướng về điều thiện, tốt đẹp nhất.
 

Người dân phóng sinh cá chép sau khi hoàn tất lễ

Nhiều người dân dẫn theo con em mình để đi phóng sinh cá, nhằm truyền lại những nét đẹp truyền thống trong văn hóa, phong tục mà người đời xưa để lại cho đến ngày nay. Nhằm giáo dục con em của mình phải biết giữ gìn, bảo vệ những nét đẹp nguồn cội.
 

Người dân vừa phóng sinh cá chép, vừa ý thức bảo vệ môi trường

Với những ý nghĩa kể trên nét đẹp tín ngưỡng thờ cúng ông Công ông Táo vào dịp 23 tháng Chạp hàng năm, được người dân duy trì trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp, mang tính nhân văn-hướng đến chân, thiện, mỹ. Gìn giữ và bảo vệ môi trường cho cuộc sống tốt đẹp hơn
Văn Đức – Bá Viện

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại