(BTV) Giảm thuế giá trị gia tăng, ngoài doanh nghiệp thì người dân, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi khi được mua hàng hoá với một mức giá hợp lý hơn.

Người dân được hưởng lợi hơn khi đi mua hàng hóa
Sau khi Nghị định 15/2022/NĐ-CP chính thức được áp dụng từ 1/2/2022, đến nay, hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ lớn đã hoàn tất điều chỉnh các mặt hàng theo mức giá mới nhờ giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) xuống 8%. Người tiêu dùng khi mua sắm tại hệ thống siêu thị đều có thể kiểm tra thông tin thuế GTGT mới trên hóa đơn với mức thuế đã giảm từ 10% xuống còn 8%. Thuế GTGT là sắc thuế được áp dụng rộng rãi ở gần như tất cả hàng hóa, dịch vụ và có tầm ảnh hưởng rộng nhất trong đời sống người dân. Việc giảm thuế này không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân mà cả doanh nghiệp cũng được hưởng lợi.
Sau khi được ngành Thuế triển khai, từ ngày 1/2/2022, hộ kinh doanh sản gạch ốp lát của ông Bùi Văn Vượng bắt đầu áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 8% đối với toàn bộ sản phẩm bán ra tại cửa hàng. Ông Vượng cho biết, sản phẩm gạch ốp lát vốn giá cả ổn định thời gian qua. Từ đầu tháng 2 này, việc giảm mức thuế giá trị gia tăng xuống còn 8% đã kéo giá thành sản phẩm các mặt hàng giảm xuống đáng kể, không chỉ người tiêu dùng được lợi mà doanh số bán ra của cửa hàng cũng tăng hơn so với trước, ông Vượng chia sẻ.

Chị Dung chia sẻ, chị cũng không để ý nhiều tới chính sách mới được ban hành, nhưng khi đi mua sắm đồ cho gia đình, chị mới biết là nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8%. Nếu trước đây tôi mua 1 đơn hàng trị giá 1 triệu đồng thì sẽ phải chịu thêm 100.000 thuế GTGT, nhưng hiện chỉ phải chịu thêm 80.000 đồng tiền thuế GTGT, giảm được 20.000 đồng là số tiền không nhỏ. Theo chị, việc Nhà nước quyết định giảm thuế hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra là hết sức đáng quý, thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với người dân. Nếu mua mỗi mặt hàng thì mức giảm không lớn, nhưng nếu cộng dồn theo tổng hóa đơn thì cũng là một khoản đáng kể.
Về phía các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa cũng bày tỏ phấn khởi vì chính sách giảm thuế không chỉ kịp thời chia sẻ với doanh nghiệp, người tiêu dùng, mà còn được kỳ vọng sẽ kích thích tiêu dùng, giúp doanh nghiệp hưởng lợi. Hơn nữa, thuế giảm sẽ khiến giá đầu vào của nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất và dịch vụ cũng giảm, khiến giá thành sản phẩm bán ra thấp hơn trước.
Nghị định 15 của Chính phủ quy định giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% xuống 8%, áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh không phân biệt phương pháp tính thuế khấu trừ hay tính tỉ lệ phần trăm trên doanh thu. Thuế GTGT được xem là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng cuối cùng. Tuy vậy, khi thuế giảm, không chỉ người tiêu dùng hưởng lợi mà người bán cũng gián tiếp được hưởng lợi từ chính sách, vì sức mua sẽ tăng lên. Từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; giúp phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Ngay sau khi chính sách thuế được ban hành, Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu các đơn vị trong ngành tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị định 15 cho người dân, người nộp thuế trên địa bàn được biết. Bám sát địa bàn để hướng dẫn, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện việc giảm thuế GTGT, trong đó tập trung hướng dẫn việc lập hóa đơn đối với nhóm hàng hóa dịch vụ thuộc diện giảm thuế GTGT.
Việc giảm mức thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% được đánh giá sẽ mang lại những kết quả tích cực, không chỉ người dân được hưởng lợi vì mua được nhiều hàng hóa hơn với cùng một lượng tiền mà doanh nghiệp cũng sẽ có điều kiện duy trì và gia tăng sản xuất, qua đó vực dậy nền kinh tế, tạo công ăn việc làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, đồng thời góp phần giảm tỷ lệ lạm phát trong thời gian tới.
“Với nền kinh tế, các chính sách giảm thuế sẽ giúp thu hút nhà đầu tư nước ngoài đang có nhu cầu đầu tư, thu hút thêm được các tiềm lực kinh tế mới cho thị trường Việt Nam. Nhờ đó, giúp vực dậy mạnh hơn nữa nền kinh tế giai đoạn bình thường mới”
Văn Đức