(BTV) Sáng 11/3, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tiếp tục triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Ninh có lãnh đạo Sở GD&ĐT, các ngành Nội vụ, Tài chính và Văn phòng UBND tỉnh.

Hội nghị tại điểm cầu Sở GD&ĐT Bắc Ninh
Đến thời điểm này, cả nước đã triển khai Chương trình GDPT 2018 được gần 2 năm; Thực hiện thay sách giáo khoa đối với lớp 1; lớp 2 và lớp 6, bước đầu đem lại hiệu quả. Các nhà trường chú trọng đổi mới quản trị theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của cơ sở và năng lực tự chủ, sáng tạo của giáo viên, học sinh.
Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 năm học 2022-2023 tới đây, với việc tiếp tục thực hiện thay sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10, nhiều ý kiến đại biểu tại điểm cầu các tỉnh, thành phố đã nêu quan điểm, bày tỏ thực trạng khó khăn một số điều kiện trong triển khai thực hiện Chương trình. Đặc biệt là khó khăn về về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học.
Tại tỉnh Bắc Ninh, để triển khai Chương trình GDPT 2018, ngành GD&ĐT đã chủ động xây dựng kế hoạch, rà soát các điều kiện: Cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên… Tổ chức bồi dưỡng kiến thức môn học mới, mô-đun mới đối với cán bộ quản lý, giáo viên; Tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án đầu tư mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học. Đến nay, Sở GD&ĐT tỉnh cũng đã phối hợp với các nhà xuất bản triển khai Hội thảo giới thiệu sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 để cán bộ, giáo viên các nhà trường nghiên cứu, đề xuất lựa chọn. Đồng thời tổ chức biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương phục vụ Chương trình thay sách.
Để đáp ứng yêu cầu dạy, học, đặc biệt là triển khai Chương trình GDPT 2018 năm học 2022-2023 và những năm tiếp theo, ngành GD&ĐT Bắc Ninh đề xuất: Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ tiếp tục trình Chính phủ xem xét, quyết định giao bổ sung biên chế đối với các cơ sở giáo dục Mầm non, Phổ thông công lập của tỉnh. Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với hệ Giáo dục thường xuyên và quy định kinh phí chi cho hoạt động bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ, giáo viên cốt cán. Qua đó kiên trì, kiên định thực hiện mục tiêu đổi mới GD&ĐT, làm nền tảng tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và cho đất nước.
H.Tâm – L.Khải