Chợ quê – Nơi gìn giữ nét văn hóa người xưa

(BTV)Chợ quê từ lâu đã trở thành hình ảnh rất đỗi bình dị và quen thuộc trong cuộc sống thường ngày của người dân ở các vùng nông thôn. Ngày nay, hình ảnh phiên chợ quê gắn liền với những nét đẹp văn hoá, điều kiện kinh tế của từng vùng, vẫn tiếp tục được gìn giữ và phát huy.

 

Chợ quê thường họp rất sớm và tan cũng nhanh như khi nó bắt đầu. Phần vì không có nhiều hàng hóa; phần vì chợ họp sớm, tan nhanh để người dân còn kịp về lo công việc đồng áng, công việc gia đình.

1

Chợ làng Á, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành nằm tại ven sườn đê, nơi giao thương mua bán hàng ngày của người dân trong làng

Nét đặc trưng của chợ quê là tính tự cung, tự cấp. Hầu hết những món hàng được bày bán ở chợ đều do người dân tự tay trồng hoặc làm ra. Tại khu chợ cũng có các tiểu thương buôn bán chuyên nghiệp hơn với những sạp hàng cố định nhưng số đó không nhiều. Đôi khi chỉ là buồng cau, chục trứng, con gà, mớ rau của nhà trồng được…, người dân cũng mang ra chợ bán và họ phải đi từ rất sớm. Bán thứ mình có và mua những thứ mình cần, cứ như thế, người dân đi chợ đôi khi đóng vai cả người bán và người mua. Điều này, ở chợ thành thị ít khi có, vì vậy nó tạo nên một nét đặc trưng riêng biệt cho mỗi phiên chợ quê truyền thống.

2

Những sạp hàng đơn giản, tạm bợ của dân trong khu chợ

33

3

4

Không cần những gian hàng đẹp đẽ, trải một lớp bao tải cùng những món hàng đơn giản là những nải chuối, vài loại hoa quả cùng dăm ba chục trứng đã thành một địa điểm mua bán cho người dân trong làng

Kẻ mua người bán, người mua dù đã ưng món hàng nhưng vẫn cứ cố mặc cả, cầm lên, đặt xuống và do dự làm sao cho giá thành về mức tốt nhất. Mặc cả dường như đã trở thành một việc không thể thiếu khi người dân đi chợ. Dù vậy, không khí của cuộc mua bán ở chợ vẫn rất vui vẻ, ai cũng cởi mở dù bán được hàng hay không. Nơi đó, hầu như mọi người quen biết nhau, thuận mua, vừa bán, không thì lần sau quay lại. Ở chợ quê, mọi người vẫn tỉ tê, nhắc khéo nhau và hỏi han rất nhiều như: “Bác mua con gà kia bao nhiêu đấy, buồng cau nhà nào mà đẹp thế, mua bao nhiêu tiền”.

5

6

Người dân tỉ mỉ, chọn lựa kĩ càng thứ mình muốn mua

7

8

Tờ mờ sáng, khu chợ đã tấp nập kẻ mua người bán, khiến cho một góc làng trở lên nhộn nhịp

9

10

Bên những gian hàng tạm bợ, phảng phất đâu đó bóng dáng người phụ nữ tần tảo, sớm hôm, lo toan cho cuộc sống gia đình.

Cuộc sống ngày càng đi lên, tại các đô thị, trung tâm thương mại, siêu thị dần thay thế chợ truyền thống. Con người ta vội vã, tất bật hơn với cuộc sống nên không còn dành nhiều thời gian cho việc đi chợ. Đi chợ không còn là thú vui, không để gặp gỡ, trao đổi giữa các bà mẹ, cô chú, mà đi chợ chỉ để phục vụ nhu cầu mua sắm những thứ thiết yếu trong hàng ngày và nét đặc trưng văn hóa dần cũng không còn được thể hiện ở những khu chợ hiện đại.

Có lẽ, đối với những người thôn quê, chợ phiên vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống thường ngày. Nó đã trở thành một cái gì đó gần gũi, đã đi vào tiềm thức, tâm hồn bằng những hình ảnh mộc mạc, thân quen. Ngày nay, trong bộn bề, hối hả của cuộc sống, nhiều người vẫn tìm về với những phiên chợ truyền thống, không phải để mua, để bán mà như một cách trở về với ký ức. Bởi chợ quê vẫn luôn là nơi lưu nét văn hóa, là nơi lưu giữ hồn quê, là nơi ta tìm về cái gọi là nguồn cội.

Văn Đức

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại