(BTV) - Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, Chương trình đã giúp cho nhiều chị em thực hiện được ý tưởng kinh doanh của mình trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghệ sinh học, thực phẩm với những sản phẩm xanh, sạch, thân thiện với môi trường, đem lại lợi ích cho phụ nữ, gia đình, cộng đồng và khẳng định vai trò của phụ nữ với phát triển kinh tế xã hội.
Thực hiện Đề án 939 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”, Hội phụ nữ huyện Tiên Du xác định đề án 939 là cơ sở pháp lý quan trọng để Hội phụ nữ huyện triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp một cách bài bản. Đây cũng là cơ hội giúp hội viên phụ nữ cơ sở khởi nghiệp, tăng khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ từ chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể. Chính vì vậy, những năm qua Hội phụ nữ huyện Tiên Du đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực, từng bước thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần, tiềm năng, sức sáng tạo, giúp hội viên, phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp thành công.

Hội phụ nữ huyện Tiên Du thăm mô hình VAC của Hội viên.
Để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đạt hiệu quả, Hội phụ nữ huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đồng thời có các giải pháp thiết thực để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra. Sau 6 năm triển khai Hội đã tổ chức 120 buổi tuyên truyền về mục đích ý nghĩa, các hoạt động của Đề án thu hút 23.000 phụ nữ tham gia; 6 lớp tập huấn hướng dẫn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp cho hơn 1.000 lượt cán bộ Hội từ huyện đến cơ sở. Đến nay, các cấp Hội đã hỗ trợ, hướng dẫn và tiếp nhận được trên 300 ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của hội viên, phụ nữ; trong đó có 17 hội viên, phụ nữ xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, được vay 6.294 tỷ đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp của tỉnh; hỗ trợ thành lập được 7 mô hình hợp tác xã, câu lạc bộ, tổ liên kết về sản xuất rau, nuôi trồng nông sản, kinh doanh lương thực, thực phẩm...

Chị Thúy, người được tiếp cận nguồn vốn vay khởi nghiệp thuộc đề án 939.
Chị Nguyễn Thị Thúy thôn Lũng Giang, thị trấn Lim cho biết: Chị bắt đầu phát triển mô hình VAC từ năm 2016 với diện tích hơn 3.600 mét vuông. Ban đầu chị đầu tư nuôi hơn 1500 con baba trơn, và khoảng 2 vạn con cá chuối hoa, có tên gọi khác là cá quả. Thu nhập bình quân trừ chi phí mỗi năm chị thu về khoảng 300 triệu đồng. Tuy nhiên do thị trường có nhiều biến động, hệ thống đầu tư cho sản xuất ban đầu dần xuống cấp, đặc biệt là khó khăn do nguồn vốn cùng dịch bệnh của năm 2021 và 2022.


Mô hình nuôi cá và baba trơn của gia đình chị Thúy.
Năm 2023 này chị Thúy được tiếp cận nguồn vốn vay khởi nghiệp thuộc đề án 939, qua thẩm định gia đình chị sẽ được hỗ trợ vay 900 ttriệu đồng từ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, nguồn vốn sẽ được giải ngân trong tháng 4.2023. Từ nguồn vốn hỗ trợ này gia đình chị tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại, chuyển đổi sang nuôi ba ba gai và cá chuối giống đáp ứng nhu cầu thị trường. Nguồn vốn này được coi là bàn đạp, tạo đà để gia đình chị Thúy nỏi riêng, phụ nữ trên địa bàn thị trấn Lim nói chung thực hiện quá trình khởi nghiệp được thuận lợi hơn, góp phần vào việc nâng cao thu nhập cho gia đình, thúc đẩy phong trào phụ nữ khởi nghiệp làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” là bước đột phá về thay đổi nhận thức, trong nhiệm kỳ Hội. Ngoài ra, Hội còn tham mưu cho UBND huyện xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án và trích ngân sách huyện hỗ trợ 450 triệu đồng cho 7 hội viên phụ nữ tại các xã Minh Đạo, Tân Chi, Việt Đoàn, Lạc Vệ, Cảnh Hưng, Nội Duệ, Phú Lâm vay vốn khởi nghiệp phát triển kinh tế trang trại VAC và kinh doanh thương mại. Phối hợp tổ chức 130 lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho 4.085 lao động nông thôn; tổ chức 85 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật với sự tham gia của 8.930 hội viên, phụ nữ.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiên Du trò chuyện cùng Hội viên.
Chị Nguyễn Thị An, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiên Du cho biết: Khởi nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu ngay với những điều lớn lao mà nhiều khi chỉ là từ những trăn trở, những ý tưởng mới để giải quyết vấn đề mưu sinh, lập nghiệp hoặc cải tiến công nghệ để tăng năng suất, giá trị sản phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Chính vì thế, tinh thần khởi nghiệp không chỉ ở những người mới bắt đầu mà ngay cả những người đang buôn bán nhỏ lẻ, hay những doanh nhân thành đạt, có như vậy, họ mới tiếp tục sáng tạo ra những sản phẩm mới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để tiếp tục thực hiện tốt và có hiệu quả hơn Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, tổ chức Hội các cấp cần quan tâm bồi dưỡng, trang bị kiến thức về khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh cho đội ngũ cán bộ Hội, nhất là cán bộ cơ sở để tuyên truyền lan toả phong trào khởi nghiệp đến hội viên phụ nữ.
Thời gian tới, Hội LHPN huyện Tiên Du sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho hội viên về Đề án 939; tiếp tục tạo điều kiện giúp chị em tiếp cận các nguồn vốn vay đầu tư khởi nghiệp; vận động chị em mạnh dạn, chủ động, tích cực tham gia thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế tại địa phương; duy trì, nhân rộng các mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, các tổ liên kết hoạt động có hiệu quả tại cơ sở; phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của hội viên phụ nữ, vận động chị em tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tiên Du.
Văn Đức