Làng cổ Tiểu Than: Mảnh đất gắn liền với truyền thuyết nỏ thần

(BNTV) Cách thành phố Bắc Ninh 25 km phía bên bờ Nam sông Đuống, làng Tiểu Than thuộc xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình- ngôi làng Việt cổ tiêu biểu còn lưu giữ được tại Bắc Ninh. Không chỉ đặc trưng về kiến trúc, không gian của làng Việt cổ vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng mà Tiểu Than còn là điểm nhấn du lịch của Bắc Ninh khiến mỗi du khách ai cũng một lần đặt chân tới!

Một góc làng cổ Tiểu Than.
 
Làng Tiểu Than thuộc xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình nằm ngay bên bờ đê giáp với cầu Bình Than nối từ Gia Bình sang Quế Võ. Tiểu Than còn có tên là Sĩ Lộ Thôn, tên nôm là làng Dựng. Trước cách mạng tháng Tám, Tiểu Than là một xã thuộc tổng Vạn Ty, huyện Gia Bình. Khi đó, tổng Vạn Ty gồm các xã: Bà Dương, Bà Sở, Vạn Tải, Vạn Ty và Văn Than. Sau cách mạng tháng Tám, đơn vị hành chính cấp tổng bị bãi bỏ, cơ cấu tổ chức làng, xã được tổ chức lại, Tiểu Than thuộc xã Đại Than, huyện Gia Bình. Lúc đó, xã Đại Than gồm các làng: Tiểu Than, Đại Trung (làng Lớ), Văn Than (làng Lái) và Bình Than. Đầu năm 1948, 2 xã Bình Dương và Song Cao hợp nhất thành xã Vạn Ninh, lúc này, làng Tiểu Than là một đơn vị của xã Vạn Ninh và ổn định cho tới ngày nay. 

Giống như nhiều làng xã trong vùng, Tiểu Than là một làng Việt cổ giữa vùng quê có lịch sử lâu đời. Phía Đông giáp với những làng xóm nằm bên bờ Lục Đầu Giang, nay là các làng thuộc xã Cao Đức, Trung Kênh, An Thịnh. Tại những địa danh này, ngoài các di tích đền, đình thờ Cao Lỗ, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy di tích mộ cũi gỗ, mộ gạch cổ, những vũ khí bằng đồng bên cạnh những hài cốt của những chiến binh - đó là những di tích thuộc thời Hán đầu Công nguyên. Nhiều tài liệu như văn bia còn  cho thấy, vùng Lục Đầu Giang còn là vị trí chiến lược, nơi họp hội nghị Bình Than của vua quan, quý tộc nhà Trần bàn kế sách diệt giặc Nguyên Mông thế kỷ XIII.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, vẫn còn đó một làng Tiểu Than cổ kính và văn hiến. Nét cổ kính, văn hiến ấy còn để lại ở tên đất, tên làng, ở các công trình văn hóa tín ngưỡng với những phong tục tập quán mang tính thuần phong mỹ tục. Sinh sống ở Tiểu Than có những dòng họ lớn như: Hà Thê, Nguyễn Đình, Trần Tiến, Nguyễn Thiết, Hoàng Văn, Nguyễn Xuân, Nguyễn Đức, Nguyễn Văn. Người Tiểu Than từ ngàn xưa vốn thuần phác, cần cù lao động, hăng say trong học hàng, mưu trí dũng cảm trong chiến đấu. Các thế hệ con cháu của Tiểu Than luôn đoàn kết, sát cánh bên nhau để xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp, gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của các bậc tiền nhân. Vào thời Nguyễn, đình làng Tiểu Than là nơi tổ chức khao quân của Nguyễn Văn Thịnh - người Vạn Ninh đã dũng cảm khởi nghĩa chống lại triều đình phong kiến nhà Nguyễn dưới triều Vua Tự Đức.
 
Đình làng Tiểu Than được bao trọn trong đời sống sinh hoạt 
của người dân nơi đây.

Điểm nhấn của làng Tiểu Than là ngôi đình cổ được xây dựng từ thế kỷ XVIII dưới thời Vua Tự Đức. Đình nằm ở phía Đông Bắc của làng, mặt quay hướng Bắc, nhìn ra sông Đuống, thờ Cao Lỗ Vương - danh tướng của Vua An Dương Vương có công kiến thiết thành Cổ Loa đã chế tạo ra nỏ thần Liên Châu. Truyền rằng, đình nằm trên mình con phượng đang xòe cánh bay, đầu thò xuống uống nước ở giếng phía trước đình. Đình kết cấu theo kiểu hình chữ Đinh, đường nét kiến trúc, trạm khắc mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn gồm tòa Tiền đình và Hậu cung, 2 bên là 2 dãy nhà tả vu và hữu vu. Đường nét và nghệ thuật chạm khắc ở đình Tiểu Than mang đậm phong cách thời Nguyễn, đúng như dòng niên đại được ghi bằng chữ Hán trên câu đầu gian giữa "Tự Đức nhị thập tứ niên" cho biết đình Tiểu Than được xây dựng vào năm 1871. Bên cạnh giá trị về kiến trúc, hiện đình còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật phong phú như: đồ thờ tự, tế khí, hoành phi, câu đối... và là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của làng. Đình Tiểu Than được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1990.

Cách đình làng không xa là lăng mộ Cao Lỗ Vương. Tương truyền rằng, trong cuộc chiến đấu đánh đuổi giặc Triệu Đà bảo vệ nhà nước Âu Lạc, ông đã anh dũng hy sinh ở chân thành Cổ Loa, thi hài được mãnh thú đưa về quê hương. Dân làng xây lăng mộ, lấy ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm làm ngày giỗ của ông, dân làng mở hội để tưởng nhớ công đức vị danh tướng - Anh hùng dân tộc. Đến nay, khu lăng mộ vẫn được nhân dân địa phương kính cẩn gìn giữ nguyên vẹn, bao phủ bởi nhiều huyền tích và truyền thuyết linh thiêng, huyền bí.

Bên cạnh những ồn ào, vội vã của cuộc sống xô bồ, chen lấn ngoài kia, không gian tĩnh mịch còn sót lại nơi làng cổ Tiểu Than như vỗ về trong tâm hồn mỗi con người, hoài niệm về một phần ký ức để rồi thầm biết ơn những con người nơi đây đã, đang và sẽ giữ gìn vẻ đẹp mộc mạc, giản dị và bình yên của hồn quê làng Việt. 
Mai Quế

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại