(BTV) Chiều 28/12, Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức hội nghị trực tiếp, kết hợp trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (giai đoạn 2009-2023). Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Bắc Ninh có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, một số sở, ngành của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Ninh
Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn được Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, các Bộ, ban, ngành T.Ư, các địa phương triển khai thực hiện từ năm 2009. 15 năm thực hiện, Đề án đã cung cấp cho cơ sở gần 600 đầu sách với tổng số hơn 14 triệu bản in. Nội dung sách tập trung vào công tác xây dựng Đảng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kỹ năng điều hành của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở; Hoạt động của trưởng thôn, tổ dân phố; Phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, kinh nghiệm làm giàu, những tấm gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi; Xây dựng nông thôn mới… Cùng với đó, Đề án cũng quan tâm xuất bản sách điện tử, sách CD Audio, xây dựng thành các chương trình truyền thanh dùng cho đài truyền thanh ở cơ sở; Số hóa trên 500 đầu sách; Xây dựng Thư viện điện tử sách xã, phường, thị trấn.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện Đề án, như: Một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, yêu cầu của Đề án, còn lúng túng trong việc tiếp nhận, triển khai sách; Nội dung, hình thức sách chưa phong phú, đa dạng; Số lượng sách gửi cho xã, phường, thị trấn còn ít, người dân khó tiếp cận…
Tại Bắc Ninh, toàn tỉnh hiện có 01 Thư viện cấp tỉnh, 06 Thư viện cấp huyện, 214 Thư viện cấp xã và 159 Thư viện cấp thôn, khu phố phục vụ học tập, tra cứu thông tin cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Từ năm 2009 đến nay, Bắc Ninh đã tiếp nhận hơn 455 đầu sách và đĩa CD Audio thuộc Đề án; Triển khai trang bị cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Thường trực các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy; Thư viện tỉnh; Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện; Thư viện cấp huyện; Các xã, phường, thị trấn.
Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng triển khai thực hiện Đề án, nhằm cung cấp thông tin chính thống, bảo đảm khách quan, khoa học, góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu tự nghiên cứu, học tập của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nâng cao dân trí cho Nhân dân ở cơ sở. Đồng thời đề nghị, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện Đề án; Xuất bản sách cho xã, phường, thị trấn kết hợp làm tốt công tác quản lý sách của Đề án; Nêu cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong tổ chức nghiên cứu, học tập sách của Đề án.
Tại điểm cầu Bắc Ninh, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Tiếp tục triển khai Đề án gắn với thực hiện Nghị quyết 71 của Tỉnh ủy về phát triển văn hóa. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu để bảo quản và sử dụng sách hiệu quả; Tăng cường phát triển mạng lưới thư viện cơ sở. Ban Tuyên giáo cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện việc quản lý, khai thác, sử dụng sách của Đề án.
Hoa Tâm, Lê Khải