(BTV) Thời gian gần đây, phim “Đào, Phở và Piano” đã trở thành một bộ phim tạo nên tình trạng “cháy vé” cho các rạp phim. Với sự kỳ công đặt vào việc tái hiện lại giai đoạn lịch sử quan trọng, bộ phim này không chỉ là một tác phẩm lịch sử mà còn là một bước tiến mới trong sự phát triển của ngành điện ảnh Việt Nam.
“Học sinh cá biệt” của nền điện ảnh Việt Nam
“Đào, Phở và Piano” là một bộ phim do đạo diễn Phi Tiến Sơn thực hiện, với sự tham gia của các diễn viên Doãn Quốc Đam, Thùy Linh, NSND Trung Hiếu, NSƯT Trần Lực, ca sĩ Tuấn Hưng… Phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng, Công ty cổ phần Phim truyện 1 thực hiện với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng. kể về một đôi tình nhân trẻ vượt qua muôn vàn gian khó, hiểm nguy để tìm lại nhau vào ngày cuối cùng của cuộc chiến, ngày 17/2/1947, khi quân ta di tản lên chiến khu, bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Với chủ đề lãng mạn nhưng vẫn hào hùng, phim đã làm nổi bật lên cốt cách người Hà Nội, đẹp và sẵn sàng hy sinh mặc dù trước mặt là cuộc chiến đầy khốc liệt.

Poster của phim (Ảnh:Tư liệu internet)
Phim đã được công chiếu từ ngày 10/02/2024 (mùng 1 tết Giáp Thìn) nhưng chỉ chiếu tại 1 rạp duy nhất với 3 suất chiếu một ngày. Sau mùng 7 Tết, với những video tích cực trên mạng xã hội về bộ phim, lượng khán giả kéo đến rạp tăng đột biến. Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đã liên tục tăng suất chiếu, từ 3 suất lên 5 suất, rồi 11 suất vào ngày 18/2, 15 suất vào ngày 19/2 và 18 suất vào ngày 20/2, gấp 6 lần thời điểm phim mới công chiếu nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của công chúng, vì đây là cụm rạp duy nhất chiếu “Đào, phở và piano”. Do số lượng khách truy cập đặt mua vé quá đông, hệ thống bán vé online (trực tuyến) gặp sự cố, bộ phim này chỉ được bán vé trực tiếp tại quầy. Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đã phải giảm 50% suất chiếu phim “Mai” để chuyển sang chiếu “Đào, phở và piano”.

Hàng dài người xếp hàng mua vé tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Ảnh: Thu Huyền)
Một khán giả đã chia sẻ với phóng viên: “Dù đã đi xem rất nhiều phim trước đây, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy tình trạng cháy vé như thế này. Tôi đã phải xếp hàng 2 tiếng mới có thể mua được vé, nhưng chỉ có thể mua được vé trước cho ngày mai vì toàn bộ suất ngày hôm nay đã được bán hết.
Chưa dừng lại tại đó, trước sự ủng hộ của người dân, hai doanh nghiệp điện ảnh tư nhân là Beta Media và Cinestar Vietnam chủ động liên hệ để được chiếu phim “Đào, phở và piano” tại các cụm rạp của hai đơn vị này, đồng thời khẳng định, sẽ nộp toàn bộ doanh thu bán vé của bộ phim về cho Nhà nước. Tuy nhiên, dù đã được bổ sung suất chiếu, nhưng tình trạng “cháy vé” vẫn diễn ra tại các rạp của hai doanh nghiệp này. Những hàng dài công chúng vẫn tiếp tục xếp hàng trong nhiều tiếng chỉ để mua vé, nhiều rạp phim còn bị hỏng máy in vé vì phải hoạt động quá nhiều, buộc nhân viên phải viết vé giấy cho khách.

Một vài rạp đã phải viết tay vé cho khách vì máy in bị hỏng
(Ảnh: Khán giả cung cấp)
Có thể nói, “Đào, Phở và Piano” là một hiện tượng vô tiền khoáng hậu của điện ảnh Việt. Phim vốn là tác phẩm do nhà nước đặt hàng, không nhằm mục đích thương mại. Không giống với những tác phẩm điện ảnh khác, phim không truyền thông rộng rãi, thậm chí lần đầu tiên trong lịch sử, một bộ phim có trailer sau khi đã công chiếu được 5 ngày.
Khán giả tự quảng bá cho phim
Có điểm đặc biệt, khiến cho “Đào, Phở và Piano” trở nên đặc biệt hơn, chính là việc người đã xem tự động giới thiệu phim cho người chưa xem. Bên cạnh đó, với sự phát triển của TikTok, những đoạn clip ngắn về các phân cảnh trong phim được lan truyền với tốc độ chóng mặt, có những clip đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của người xem. Điều này làm cho khán giả lại càng tò mò hơn về nội dung phim và muốn được xem trọn vẹn cả phim. Nhiều bạn trẻ sau khi xem xong, đã quyết định đưa ông bà, bố mẹ mình đi xem cùng.

Các clip ngắn về phim trên nền tảng Tik Tok nhận về nhiều lượt tương tác
(Ảnh: Tư liệu internet)
Bạn Nguyễn Anh Tuấn, học sinh lớp 12A7, trường THPT Lý Thái Tổ cho biết: “Sau khi xem lần đầu tiên, em đã rất xúc động trước những gì mà thế hệ trước đã hy sinh để mình có được hòa bình như ngày hôm nay. Em ấn tượng nhất với phân cảnh nữ chính đâm bom ba càng vào xe tăng thay cho chồng. Đặc biệt là bố mẹ em cũng rất muốn được xem phim này, nên em đã mua vé cho họ cùng xem.”
Trên các trang mạng xã hội, cũng có rất nhiều những bài viết review (đánh giá) về phim do các bạn trẻ, nhà phê bình phim viết. Khen có, chê có, nhưng đều rất công tâm, chỉ ra những điều còn thiếu sót của phim và những thế mạnh mà những phim sau này cần tiếp tục phát huy
Nhìn nhận khách quan rằng “Đào, phở và piano”, vốn là một bộ phim lịch sử có chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo khán giả. Sự kết hợp giữa chất “xúc tác” bất ngờ từ mạng xã hội với sự đầu tư tâm huyết cho phim lịch sử đã cho ra “trái ngọt” xứng đáng.Trước đó, đã có không ít phim lịch sử ra mắt nhưng chất lượng chuyên môn chưa bảo đảm, nên nhanh chóng bị chìm vào quên lãng, hoặc vấp phải những ý kiến trái chiều, thậm chí tệ hơn là sự phản đối gay gắt từ khán giả

Những bài đánh giá phim công tâm, khen chê đúng chỗ
(Ảnh: Tư liệu internet)
Việc Đào, phở và piano gây cơn sốt phòng vé cũng là minh chứng rõ ràng cho việc người trẻ không lãng quên lịch sử. Họ vẫn miệt mài tìm kiếm những mảnh ghép để hoàn thiện bức tranh đầy bi tráng và hào hùng mà lớp lớp những con người thế hệ trước ngã xuống đã tạo dựng.
Câu chuyện thành công của “Đào, Phở và Piano” cũng đã tạo ra nhiều ý kiến xung quanh hướng phát triển của điện ảnh Việt Nam. Không ít khán giả đã có sự so sánh giữa “Đào, Phở và Piano” với phim “Mai” đang đạt doanh thu trăm tỷ của đạo diễn Trấn Thành. Thực tế, hai dòng phim nghệ thuật và dòng phim giải trí vẫn thường tồn tại song hành và nếu đặt lên bàn cân so sánh dù theo hệ quy chiếu nào cũng sẽ luôn khập khiễng. Điện ảnh vốn là để phục vụ nhu cầu của công chúng, vốn đã rất đa dạng vì mỗi người một sở thích khác nhau, bởi vậy sự phát triển của hai dòng phim đều là đang đóng góp chung cho điện ảnh nước nhà. Có chăng câu chuyện cần bàn ở đây là mong sớm có cơ chế thông thoáng hơn, tạo điều kiện hợp tác giữa Nhà nước với tư nhân, ít nhất là trong việc phát hành để đem những bộ phim lịch sử hay tới tay khán giả, thay vì làm xong lại chìm vào quên lãng.
Thu Huyền