(BTV) - Sừng sững cùng thời gian gần 1000 năm qua, cột đá Chùa Dạm - một tuyệt tác điêu khắc thời Lý vẫn còn đó với những bí ẩn kỳ diệu đang cần được giải mã.
Chùa Dạm được vua Lý Nhân Tông cho xây dựng vào năm 1086 trên sườn núi Đại Lãm, còn gọi là núi Dạm, nhìn về phía sông Đuống, nay thuộc phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Chùa Dạm được biết đến như một đại danh lam thời Lý, một ngôi chùa có 99 gian bề thế với tổng diện tích khoảng 8.400m2.

Chùa Dạm - ngôi cổ tự nghìn năm tuổi
Qua nhiều biến cố thời gian, hầu hết mọi công trình kiến trúc cổ xưa của chùa Dạm đã không còn nhưng những vết tích còn lại vẫn đủ để gợi nhắc về vẻ đẹp hoành tráng của ngôi đại tự cổ. Nguyên vẹn nhất phải kể đến cây cột đá ngàn năm sừng sững nằm ở ngoài khuôn viên của chùa.
Theo các nhà nghiên cứu, cột đá chùa Dạm được tạc vào thế kỷ XI có tên chữ là Lãm Sơn Tự. Cây cột đá giờ không còn nguyên vẹn như trước nhưng vẫn mang một giá trị nghệ thuật đặc sắc của điêu khắc thời Lý - một nền điêu khắc đặc sắc bậc nhất trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam.
Cột đá được đặt trên một khu đất rộng ngoài khuôn viên nhà chùa, một mặt tựa lưng vào núi Đại Lãm, một mặt hướng về phía Đông bao quát được cả một khoảng không rộng lớn. Cột cao khoảng 5m, phía dưới có hình trụ tròn chạm nổi đôi rồng uốn lượn: đầu vươn cao chầu về viên ngọc tỏa sáng, thân quấn quanh cột, đuôi ngoắc vào nhau.

Cột đá cổ chùa Dạm
Như ước lượng của các nhà nghiên cứu, cột rồng đá ngự trên núi Dạm nặng trên 50 tấn. Khối hộp vuông phía dưới cột có tiết diện 1,4m và 1,6 m. Phần tròn phía trên thu nhỏ hơn một chút và có đường kính gần 1,3m. Chất liệu cột trụ đỡ được làm từ chất liệu đá sa thạch - một loại vật liệu chỉ phổ biến trong điêu khắc Chăm.
Điều đặc biệt là đôi rồng này được khắc tạc nổi bật giữa các hoa văn phụ hình hoa dây móc được chạm trổ một cách tinh xảo. Có lẽ vì thế mà khi chiêm ngưỡng công trình điêu khắc này, không ít người đã cảm nhận được sự kì bí và linh thiêng của nó. Lãm Sơn Tự mang trong mình chất hoành tráng và sự bí ẩn đến lạ lùng.

Chi tiết Rồng thời nhà Lý nổi bật được khắc lên thân cột
Do không còn nguyên bản nên cây cột đá linh thiêng này còn là điều bí ẩn, hấp dẫn khiến rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cố gắng làm sáng tỏ về ý nghĩa thực sự của nó. Có rất nhiều giả thuyết được các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu đưa ra khi tìm hiểu về cây cột đá này. Có giả thuyết cho rằng, cột đá chùa Dạm là một cột cờ, cũng có giả thuyết cho đó là cột đỡ của ngôi chùa một cột xưa kia.
Căn cứ là hình dạng, cấu trúc tương đồng, có giả thuyết lại cho rằng cột đá chùa Dạm là chiếc Linga. Nếu dựa vào chi tiết những rãnh dầm, lỗ đá còn nguyên vẹn ở phần trên cùng của cây cột, nhiều người cho đó hẳn phải là lỗ kỹ thuật và trụ đá chắc là phần trụ đỡ cho một kiến trúc là toà sen hay một ngôi chùa nhỏ ở phía trên.

Hình ảnh mô phỏng lại cột đá (Ảnh: 3DART)
Ngay cả đôi rồng chạm trên đá cũng là đề tài tranh luận sôi nổi của nhiều người. Phần lớn cho rằng đấy là đôi rồng quyền uy đang chầu ngọc nhưng có người lại căn cứ vào những chiếc vảy rồng được chạm ngược trên thân một con rồng để nói đôi rồng là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở và hình tròn trên đó là quả trứng …
Cũng có rất nhiều giả thuyết, nhận định cột đá mang đậm dấu ấn của thợ thủ công người Chăm. Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng thợ đá của người Việt cũng có tay nghề điêu luyện và cũng có thể họ chính là tác giả của cột đá này. Những tranh luận, giả thuyết sẽ vẫn còn tiếp tục và cần một lời giải đáp thực thụ cho câu chuyện về cột đá chùa Dạm.

Vẫn còn nhiều bí ẩn xung quanh chứng nhân lịch sử này
Bên cạnh căn cứ lịch sử và lí giải nguồn gốc của cột đá chùa Dạm, vẫn còn rất nhiều câu hỏi đang bị bỏ ngỏ và cần được giải đáp. Nhưng một điều chắc chắn rằng với những giá trị lịch sử của cột đá chùa Dạm - một kiệt tác mà cha ông đã để lại cho chúng ta, cột đá chùa Dạm xứng đáng được công nhận là bảo vật quốc gia.
Văn Đức - Thu Huyền