(BTV) Tối 16/3, tại đền thờ Lý Thường Kiệt (thôn Như Nguyệt, xã Tam Giang), huyện Yên Phong khai mạc Lễ hội Chiến thắng Như Nguyệt xuân Ất Tỵ, kỷ niệm 948 năm chiến thắng Như Nguyệt (1077 - 2025). Dự khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Hà Sỹ Tiếp, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Trước khi khai mạc lễ hội, Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương
đã dâng hương tại đền thờ Lý Thường Kiệt
Lễ hội truyền thống thôn Như Nguyệt gắn liền với chiến thắng oai hùng của quân dân nhà Lý đánh thắng quân Tống xâm lược năm 1077 trên phòng tuyến Như Nguyệt (sông Cầu). Cũng như Bạch Đằng, Chi Lăng, Xương Giang, Ngọc Hồi Đống Đa, chiến thắng Như Nguyệt mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Truyền rằng, bài thơ bất hủ "Nam Quốc Sơn Hà" đã vang lên trong khí thế chiến đấu sôi sục, động viên, cổ vũ tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân dân ta. Bài thơ đi vào lịch sử như một bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Các đại biểu dự Khai mạc Lễ hội
Bắt đầu từ năm 2025, lễ hội Chiến thắng Như Nguyệt được tổ chức quy mô cấp huyện là dịp tri ân công lao các bậc tiền nhân có công trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước; khơi dậy tinh thần tôn kính tổ tiên, đạo lý uống nước nhớ nguồn, ý thức cộng đồng, phát huy sức mạnh đoàn kết; cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, muôn người, muôn nhà được mạnh khỏe, bình an, yên vui, hạnh phúc. Năm nay, lễ hội Chiến thắng Như Nguyệt diễn ra trong 3 ngày từ 15 đến 17-3 (tức 16, 17, 18 tháng 2 âm lịch) với nhiều nghi lễ trang trọng và các hoạt động đặc sắc, phong phú như: Lễ rước sắc; dâng hương; trống hội; hát Quan họ trên thuyền; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, các sản phẩm làng nghề truyền thống, quảng bá du lịch, giới thiệu về lịch sử, văn hóa vùng đất Yên Phong; hội thi bơi chải trên sông Cầu; đấu vật truyền thống cùng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ; trò chơi dân gian... Các hoạt động lễ hội diễn ra tại không gian quần thể di tích đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt.

Các tiết mục văn nghệ, biểu diễn tại lễ khai mạc Lễ hội Chiến thắng Như Nguyệt
Lễ hội Chiến thắng Như Nguyệt là nét đẹp truyền thống, thể hiện tinh thần thượng võ, ý chí kiên cường và khát vọng hòa bình của nhân dân ta; giáo dục các thế hệ về truyền thống lịch sử, văn hóa ngàn đời của dân tộc; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị phòng tuyến Như Nguyệt, đồng thời quảng bá văn hóa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới sự phát triển bền vững, thịnh vượng của địa phương, đất nước.
Phạm Qúy