Từ đầu vụ xuân đến nay trên các trà lúa xuân của tỉnh bắt đầu xuất hiện các đối tượng sinh vật gây hại trên lúa như: ốc bươu vàng, chuột, bệnh đạo ôn lá… với tổng diện tích nhiễm sinh vật hại khoảng 8.500 ha cao hơn 3.600 ha so với cùng kỳ năm trước.

Cán bộ chuyên môn kiểm tra, phân loại, hỗ trợ
nông dân quản lý dịch hại các trà lúa xuân
Hiện nay, các trà lúa xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh, sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, trên đồng ruộng đã bắt đầu xuất hiện Bệnh đạo ôn lá gây hại tăng trên các giống lúa nếp BM9603, nếp PD2, TBR225, Q5, BC15,... Bên cạnh đó, sâu cuốn lá nhỏ cần quan tâm nhất là lứa 2, trưởng thành vũ hóa rộ vào cuối tháng 4, sâu non gây hại từ đầu đến giữa tháng 5, giai đoạn lúa làm đòng đến trỗ. Ngoài ra, rầy nâu và rầy lưng trắng phát sinh 3 lứa trong vụ, mật độ và diện tích nhiễm khả năng tương đương vụ xuân 2024. Rầy cám nở tập trung giữa tháng 3 đến cuối tháng 3, phân bố chủ yếu trên các giống Nếp các loại, Tẻ thơm, BC15,... mật độ thấp, đa số là rầy lưng trắng. Sâu đục thân 2 chấm: Lứa 2 là lứa sâu cần quan tâm nhất.
Dự báo thời tiết vụ xuân tiếp tục diễn biến phức tạp, để sản xuất vụ xuân đạt kế hoạch đề ra, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương cần đôn đốc bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân loại cụ thể các trà, giống lúa để chỉ đạo, hướng dẫn nông dân có biện pháp chăm sóc kịp thời, phù hợp, bón cân đối NPK nhất là bón đủ lượng Kali giai đoạn lúa phân hóa đòng, đẩy mạnh hướng dẫn chăm sóc lúa theo Chương trình Quản lý dịch hại cây trồng tổng hợp (IPM), Chương trình Quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (IPHM) tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi, tăng số bông hữu hiệu, tăng năng suất. Tiếp tục chỉ đạo gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sinh vật hại cây rau vụ xuân đảm bảo hoàn thành diện tích kế hoạch, đồng thời đạt năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao.
Phương Hoa, Quốc Hưng