Sáng 10/5, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (TP. Bắc Ninh), Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong toàn ngành nông nghiệp và môi trường.
Dự, chủ trì hội nghị có các đồng chí: Đỗ Đức Duy, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Nguyễn Anh Tuấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Vương Quốc Tuấn; Uỷ viên Dự khuyết Trung ương Đảng; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.
.jpg)
.jpg)
.jpg)
Toàn cảnh hộ nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy nhấn mạnh Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh ngành NN&MT đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu gay gắt, tài nguyên suy giảm và áp lực tăng trưởng xanh, các mô hình sản xuất truyền thống không còn phù hợp. Bộ trưởng Bộ NN&MT cho rằng, để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm và bảo vệ môi trường sống, toàn ngành cần đổi mới tư duy và lấy khoa học công nghệ, chuyển đổi số làm nền tảng phát triển. Đồng chí, đề xuất 5 nhóm giải pháp then chốt để tạo sự đột phá của ngành gồm: hoàn thiện thể chế để tháo gỡ các rào cản, cải cách tổ chức nghiên cứu theo hướng tinh gọn và tự chủ, thay đổi cách thức đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất, phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn sâu và đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh, hội nghị là cơ hội quý để Bắc Ninh và ngành NN&MT Bắc Ninh được tiếp cận những tâm huyết chuyên sâu từ các nhà khoa học, chuyên gia và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các địa phương, doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết thành các chương trình, đề án, mô hình triển khai hiệu quả tại địa phương. Đồng chí cho biết, thực hiện Nghị quyết 57, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung vào chuyển đổi mô hình từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hướng tới nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường. Tỉnh đang hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận các công nghệ mới như: cảm biến giám sát độ ẩm, hệ thống tưới tự động, ứng dụng AI trong phân tích sâu bệnh, sử dụng dữ liệu vệ tinh và bản đồ số để dự báo sản lượng cây trồng, cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR. Bắc Ninh cũng khuyến khích các mô hình hợp tác công - tư trong nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhất là trong lai tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh. Thời gian tới, tỉnh chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo chiều sâu, bền vững; trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm, nông nghiệp đô thị; thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa ngành nông nghiệp và các ngành thương mại, dịch vụ - du lịch… xây dựng và phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực chất lượng, có thương hiệu gắn với quy trình chế biến, bảo quản và xuất khẩu giá trị cao… Chủ tịch UBND tỉnh cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các sáng kiến, kết quả nghiên cứu, giải pháp đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đưa vào ứng dụng thực tiễn, góp phần nâng cao năng lực nội sinh, sức cạnh tranh, đưa nông nghiệp Bắc Ninh phát triển hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường.
Hội nghị diễn ra trong một ngày với 2 phần chính. Phiên toàn thể vào buổi sáng và các phiên chuyên đề buổi chiều. Tại phiên toàn thể, đại biểu được nghe trình bày về thực trạng và giải pháp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; định hướng của Quốc hội và Chính phủ đối với lĩnh vực này; cùng các tham luận từ doanh nghiệp, địa phương và đơn vị ngành dọc về các nội dung như: Công nghệ nhân bản động vật bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào Soma, định hướng nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam; Công nghệ chỉnh sửa gen và ứng dụng trong chọn tạo giống cây trồng; Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong kiểm soát ô nhiễm nước thải công nghiệp; Hiện trạng và giải pháp chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp và môi trường…
Phiên chuyên đề buổi chiều chia thành 4 nhóm trọng tâm, gồm: Trồng trọt - Bảo vệ thực vật - Lâm nghiệp; Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản; Môi trường - Tài nguyên nước; Thủy lợi - Phòng, chống thiên tai - Biến đổi khí hậu. Ở nội dung này, các đại biểu tập trung thảo luận về các định hướng nghiên cứu, cơ chế chính sách, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm khoa học phục vụ phát triển ngành.
Nhân dịp này, Bộ NN&MT đã ký kết văn bản hợp tác phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với Liên hiệp các Hội Khoa khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam; Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ NN&MT cũng ký kết văn bản hợp tác với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.
Trong khuôn khổ chương trình hội nghị, các đại biểu cũng tham quan khu trưng bày thành tựu khoa học công nghệ tiêu biểu trong nông nghiệp và môi trường, qua đó, góp phần tăng cường kết nối, lan tỏa tri thức, thúc đẩy hợp tác giữa các bên.
Chu Oánh, Thu Hằng