Rối nước làng Đồng Ngư - Từ dòng sông ký ức đến không gian văn hóa sống

Kỳ 1: Phường rối độc nhất vô nhị - Huyền thoại giữa lòng Kinh Bắc Làng Đồng Ngư, mảnh đất cổ kính bên sông Dâu, từ lâu đã nổi tiếng với nghệ thuật rối nước độc đáo. Những con rối uyển chuyển, những câu chuyện dân gian hài hước đã làm say đắm biết bao thế hệ khán giả.

Lưu truyền ngàn năm

Phường Rối nước Đồng Ngư, thuộc làng Đồng Ngư, một ngôi làng cổ của trấn Kinh Bắc xưa, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. 

Không ai biết chính xác múa rối nước Đồng Ngư xuất hiện từ khi nào, chỉ biết rằng loại hình nghệ thuật này chính thức trở thành phường rối nước Đồng Ngư vào khoảng thế kỉ X - XI, cuối thời Lý tính đến nay. Trong làng hiện còn lưu giữ bức tượng phủ sơn nâu, cao 20cm làm bằng gỗ mít là tượng Tổ trò của làng, người đã có công truyền dạy và phát triển nghệ thuật rối nước Đồng Ngư. Trải qua bao thăng trầm, đến nay nghệ thuật rối nước của làng Đồng Ngư vẫn là một trong 14 phường rối trong cả nước còn hoạt động với nghệ thuật đặc sắc và phong phú. Qua đó, khẳng định sức sống lâu bền và niềm tự hào của các thế hệ nghệ sĩ rối nước Đồng Ngư.

496226703_1225296036271485_5430724076883107856_n(1)

Sân khấu chính rối nước Đồng Ngư

Theo tục lệ xưa, trước khi bước vào biểu diễn, phường rối phải làm lễ xin phép Tổ nghề và Thành hoàng làng. Nghi lễ diễn ra hết sức trang nghiêm do một người uy tín của phường rối đảm nhiệm. Nơi biểu diễn múa rối nước thường được tổ chức tại thủy đình của làng. Chủ đề biểu diễn múa rối nước làng Đồng Ngư thường là các cảnh sinh hoạt đời thường của người nông dân hay chủ đề về lễ hội… Sau màn Tễu dạo đầu là các tiết mục chăn trâu thổi sáo, cấy cày, múa rồng, chọi trâu, câu ếch, cày bừa cấy hái, đánh cá úp nơm, rước kiệu, đánh đu mời trầu, hát Quan họ…

Thế rồi chiến tranh, loạn lạc, cuộc sống khó khăn, phường múa rối của làng giải tán. Nghệ nhân trở lại với đồng ruộng, chân lấm, tay bùn cuốc cày sinh nhai. Trải qua hàng chục năm, nghề múa rối nước Đồng Ngư chìm dần vào quên lãng, chỉ còn đọng lại trong ký ức của những bậc cao tuổi trong làng.

Mãi đến cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi cuộc sống đã bớt vất vả, người dân Đồng Ngư mới bắt đầu cùng nhau khôi phục lại nghề rối tổ truyền. Thời bấy giờ, chỉ sau một thời gian ngắn tập hợp, đã có khoảng 60 người, già có, trẻ có, tập trung lại, tổ chức thành đoàn để khôi phục nghề cổ.

Để biểu diễn, đầu tiên phải có con rối. Rất may, một số người làng từng học nghề mộc, họ tìm lại những con rối cổ, bắt chước người xưa để chế tạo theo. Mất không ít thời gian, những con rối đầu tiên mới ra đời. Mọi người lại góp sức, góp công, vận động từng nhà, xin tre, nứa, vật liệu để làm sân khấu, buồng trò… Các nghệ nhân cũng mày mò đi “tầm sư” khắp nơi để học biên đạo, dựng vở, nhạc lý… rồi dần dần dựng lại được phường rối Đồng Ngư như ngày nay.

unnamed

Những con rối của làng Đồng Ngư

Độc nhất vô nhị

So với các phường múa rối nước khác, phường rối nước Đồng Ngư có những điểm khác biệt nổi bật. Vì người dân ở Đồng Ngư nổi tiếng với nghề sơn mài và chạm khắc tượng gỗ cho đình chùa, nên các nghệ nhân ở đây sử dụng tay nghề tinh tế của mình để tạo ra những con rối vô cùng đa dạng và tỉ mỉ. Gỗ làm rối được lựa chọn kỹ càng, thường là những loại gỗ nhẹ, thớ mịn, không có vết nứt như gỗ xoan, gỗ duối, hoặc gỗ sung. Qua nhiều thế hệ, các nghệ nhân đã sáng tạo và chế tác được hơn 200 loại rối khác nhau để biểu diễn.

Nghệ nhân Nguyễn Thành Lai cho biết, ngoài cách biểu diễn và các câu chuyện được kể, các phường rối nước cũng khác nhau ở hình dáng của những con rối. Ví dụ, phường rối nước Đồng Ngư không chỉ có những con rối thông thường như chú tễu, tứ linh, con trâu... mà còn có những con rối đặc trưng cho văn hóa của vùng Quan họ, như: liền anh, liền chị, chiếc thuyền rồng chở liền anh, liền chị, hoặc đám cưới chuột... Điều này khiến cho việc chế tác và sáng tạo mỗi con rối trở nên rất quan trọng và cẩn thận đối với anh.

Rối thuyền rồng chở liền chị là một trong những tích trò mới của Đồng Ngư

Các phường múa rối nước khác thường sử dụng gậy hoặc sào để điều khiển con rối, nhưng phường Đồng Ngư kết hợp cả sào và dây. Việc kết hợp này cho phép con rối di chuyển xa hơn khỏi không gian biểu diễn chính, thực hiện nhiều động tác phong phú hơn, và gần gũi hơn với khán giả. Các con rối Đồng Ngư được chế tác tỉ mỉ hơn, với các bộ phận máy móc phức tạp hơn, giúp chúng di chuyển linh hoạt, uyển chuyển, thậm chí có thể leo trèo bằng cả tay và chân. Việc vận hành này đòi hỏi người biểu diễn phải có sự luyện tập chăm chỉ và kỹ năng cao, bàn tay phải rất khéo léo và linh hoạt. Kết quả là, người điều khiển có thể đưa con rối ra xa sân khấu, gần hơn với khán giả, thực hiện những động tác uyển chuyển, sinh động, và đầy cảm xúc, giúp thu hút sự chú ý của người xem.

Phường rối nước Đồng Ngư đã lưu diễn khắp nơi, mang theo những giá trị văn hóa đặc trưng của quê hương, quảng bá và lan tỏa làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh. Sự kết hợp tinh tế giữa âm nhạc, ca từ Quan họ và nghệ thuật tạo hình con rối đã thể hiện được những tâm tư, nguyện vọng của người dân lao động nói riêng, và người dân vùng Kinh Bắc nói chung. Để tạo ra một con rối, phải hiểu rõ nhân vật đó là ai, Tễu hay nhân vật khác, để có thể thiết kế kích thước và biểu cảm phù hợp. Ví dụ, nhân vật Tễu thì cần được thể hiện tươi tắn, đáng yêu, còn những nhân vật trong các bài hát Quan họ thì cần chú trọng đến trang phục, màu sắc, sao cho khớp với hình ảnh của người hát. Hơn nữa, người nghệ nhân cần kiên trì, bền bỉ và khéo léo trong quá trình tạo hình con rối.

Những sân khấu lưu động cũng thường xuyên được sử dụng trong các chuyến  “lưu diễn”

Hiện nay, tại làng Đồng Ngư có hai phường múa rối nước dân gian là Đồng Ngư và Luy Lâu. Qua nhiều năm, trải qua những thăng trầm, với sự tận tâm và đam mê của các nghệ nhân, nghề múa rối nước Đồng Ngư đã dần đi vào khuôn khổ chuyên nghiệp, được tổ chức bài bản, thành lập thành đoàn, thành phường, và mang nét văn hóa truyền thống của vùng Kinh Bắc đến với nhiều vùng miền khác trên cả nước.

Tuấn Tú - Thu Huyền

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại