Đình Đại Bái: Truyền thuyết Lăng mộ tổ nghề gò đồng Nguyễn Công Truyền

(BTV) Câu ca truyền rằng: "Muốn ăn cơm trắng cá trôi/ Thì về Đại Bái đánh nồi với anh", nghề đúc đồng nức tiếng bao đời nay, được truyền từ đời này sang đời khác tại thôn Đại Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình. Nơi đây còn được biết đến trong niềm tự hào của người dân địa phương với cụm di tích đình Đại Bái với truyền thuyết kỳ tích về Lăng mộ tổ nghề gò đồng Nguyễn Công Truyền.

Đình Đại Bái trong đời sống của nhân dân địa phương.
    
Xưa kia, Đại Bái nổi tiếng với nghề đúc đồng truyền thống. Ngày nay, nghề đúc đồng được lưu truyền, góp phần thay đổi diện mạo quê hương, cuộc sống no ấm, đủ đầy cho nhân dân địa phương. Chứng kiến sự đổi thay trải qua thăng trầm của thời gian, đình Đại Bái vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt với khu Lăng mộ tổ nghề gò đồng Nguyễn Công Truyền được nhân dân tôn thờ thành kính.
    
Cụm di tích đình Đại Bái và khu Lăng mộ tổ nghề đúc đồng Nguyễn Công Truyền là nơi lưu niệm, thờ phụng những người có công lao đối với đất nước, quê hương, đặc biệt là công lao với sự ra đời và phát triển của nghề gò đồng - nghề thủ công độc đáo giữ vị trí quan trọng trong hoạt động kinh tế ở nước ta. Tại đây lưu giữ nhiều tượng Phật, tượng chân dung quý hiếm như một bảo tàng sống những sản phẩm đặc sắc và tiêu biểu của nghề luyện đúc và gò dát đồng mang thương hiệu Đại Bái. Vì vậy, đình Đại Bái, khu Lăng mộ tổ sư nghề gò đồng Nguyễn Công Truyền và chùa Diên Phúc thuộc loại hình Di tích lưu niệm danh nhân. 
    
Đình Đại Bái hay có tên khác là đình Diên Lộc. Theo các cụ cao nhân trong làng kể lại, xưa kia, làng Đại Bái có 2 đình gồm: Đình trong có tên "Văn Lãng" thờ Thành Hoàng làng và đình ngoài có tên "Diên Lộc" thờ Tổ nghề đồng. Cả 2 đình đều dựng vào thời Lê với quy mô rất lớn. Đình Văn Lãng dựng trên khu đất nay đặt đình thờ tổ, nơi thờ Lạc Long Quân - Thành Hoàng của làng và Á thần Nguyễn Công Hiệp. Đình thờ tổ, tức đình Diên Lộc dựng liền kề phía Đông đình Văn Lãng - nơi thờ Tổ sư dạy nghề Nguyễn Công Truyền và các vị hậu tiên sư. Tháng 6/1947, đình Diên Lộc bị thực dân Pháp đốt phá. Sau đó, tháng 8/1948, đình Văn Lãng cũng bị chúng đốt phá nốt. Hòa bình lập lại, năm 1954, dân làng đã tận dụng những phế liệu của 2 ngôi đình cũ, dồn lại để dựng nên tòa đình hiện nay. Dân làng đã chọn tên đình Diên Lộc đặt tên cho ngôi đình này và làm nơi thờ Tổ sư dạy nghề cùng các hậu tiên sư là chính. Ngoài ra, đình còn sử dụng làm nơi thờ Thành Hoàng làng là Lạc Long Quần và Á thần - đại vương Nguyễn Công Hiệp. 
 
Trong đình gồm những sản phẩm đồ thờ do chính người thợ khéo léo 
của làng nghề truyền thống Đại Bái làm ra.
    
Đình Diên Lộc nằm giữa 2 xóm: Xóm Xôn và xóm Tây của làng, ngay sát chợ Đại Bái. Đình nhìn hướng Bắc. Các công trình kiến trúc, tính từ phía trước vào, gồm có: Cổng tam môn, sân đình, nhà tiền tế, đại đình. Nhà tiền tế gồm 5 gian, kiến trúc theo kiểu quá giang kèo kìm. Tòa tiền tế dài 11,6 m, rộng 6,8 m. Đại Đình - thực ra đây là tòa nhà nhỏ, gồm 3 gian, kiến trúc theo kiểu quá giang kèo kìm, 4 mái, để làm nơi thờ cúng. Tòa này có kích thước: dài 7,7 m, rộng 6 m. Toàn bộ khu đình được giới hạn bởi tường vây - chiều dài 23,5 m, rộng 17 m.
    
Pho tượng Tổ sư nghề gò đồng Nguyễn Công Truyền được làm bằng đồng do chính những người thợ Đại Bái đúc vào thời Nguyễn. Tượng đặt trong khám thờ, giáp tường sau, gian giữa của đình (trên ban thờ) Tổ sư Nguyễn Công Truyền được đúc ở tư thế ngồi, 2 tay đặt trên 2 đầu gối: bàn tay phải ngửa lên, bàn tay trái xuôi xuống; đầu đội mũ, chân đi hài, mình mặc áo cẩm bào, trên áo có đúc nổi hình rồng, phượng và một số nét mây. Tai tượng chảy dài, mắt nhìn thẳng. Toàn bộ tượng cao 106 cm, vai rộng 41cm. Tượng Tổ sư Nguyễn Công Truyền là tượng chân dung, toát lên dáng vẻ một người tầm thước, khỏe mạnh, có tâm hồn trong sáng. Đúc pho tượng này, những người thợ Đại Bái đã thể hiện sinh động tài năng đúc đồng của mình - một tài năng mà ít người và ít khi được nhắc tới.
    
Ngoài ra, trong khu đình còn lưu giữ rất nhiều đồ thờ cúng có giá trị, đặc biệt đó là những đồ thờ được làm từ chính những người thợ đúc đồng khéo léo, giỏi nhất của làng qua các thế hệ như: Bức đại tự, hương án, đôi hạc đồng, câu đối đồng....
    
Nằm trong vùng đất cổ Luy Lâu - trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước cách đây hơn 2.000 năm, làng cổ Đại Bái với cụm di tích lưu niệm những danh nhân trên lĩnh vực kinh tế, lưu niệm về một làng nghề thủ công truyền thống, là tiếng nói đích thực, góp phần minh chứng cho một trung tâm Luy Lâu sớm sầm uất, cho một truyền thống luyện đúc và gò dát đồng trong tiến trình lịch sử kinh tế nước nhà. Với những giá trị quý báu của cụm di tích, đình Đại Bái, chùa Diên Lộc và khu Lăng mộ Tổ sư nghề gò đồng đã được Nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia, nơi thờ phụng tôn nghiêm, niềm tự hào của người dân Đại Bái.
    
Hàng năm, tất cả những người đàn ông của làng ở tuổi 49 đều được giao trực tiếp trông nom, bảo vệ di tích rất nghiêm ngặt. Đã thành truyền thống, tất cả dân làng, dù ở xa hay gần, mỗi khi sáng tạo được những sản phẩm mới, phù hợp với việc bài trí trong di tích, đều tự nguyện đóng góp vào di tích. Họ coi đó là hành động biểu hiện sâu sắc tinh thần "uống nước nhớ nguồn". Do vậy, cụm di tích không những được gìn giữ chu đáo, mà còn ngày càng thêm phong phú về nội dung, ý nghĩa.
    
Thế hệ trước đã viết nên những trang sử vàng chói lọi, tự hào để truyền lại cho thế hệ con cháu mai sau tiếp nối và noi theo. Phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập hiện nay, người Đại Bái đang từng ngày nỗ lực vươn lên trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, đã phát triển nghề thủ công truyền thống gò đúc đồng thành một ngành mỹ nghệ nổi tiếng và viết tiếp những trang sử vẻ vang cho quê hương, đất nước. 
Mai Quế

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại