(BTV) Trong tiết xuân tràn ngập trên khắp nẻo đường, ngõ phố, chúng tôi lại có dịp về thăm làng nghề truyền thống đúc đồng Đại Bái. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của thời gian, đến hôm nay nghề đúc đồng không những được người dân địa phương lưu giữ, bảo tồn như những kỷ vật của ông cha để lại mà còn phát triển ngày càng khởi sắc, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế của địa phương.

Nghề làm đồ đồng ở Đại bái vốn có từ lâu đời. Ban đầu chỉ chuyên sản xuất những sản phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân như: Nồi, mâm, ấm, chậu…mãi đến thế kỷ 11 nghề đúc đồng ở đây mới phát triển mạnh theo vùng sản xuất như: Phường làm mâm, làm nồi, phường làm âu, làm chậu…và một phường chuyên cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Chuyển sang kinh tế thị trường, nghề đúc đồng Đại Bái trải qua nhiều thăng trầm đã không dừng lại với trình độ thủ công ban đầu mà phát triển sang các loại hàng hóa khác đòi hỏi người thợ phải có trình độ cao như trạm khắc tam khí đồ thờ, tranh đồng, chữ đồng, bình hoa. Những sản phẩm này không những đảm bảo về số lượng mà còn có tính thẩm mỹ cao, đáp ứng được thị hiếu của khách hàng. Sự phát triển này đã đem lại cho Đại Bái nói chung và nghề đúc đồng truyền thống nói riêng một chỗ đứng mới trong nền kinh tế thị trường.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày càng mở rộng, tính đến nay làng nghề đã có gần 70 doanh nghiệp với hơn 700 hộ làm nghề với khoảng 1.700 lao động chuyên làm các mặt hàng gò đúc đồng, các sản phẩm đồng mỹ nghệ. Làng nghề hiện nay có nhiều nghệ nhân giỏi, đạt trình độ tay nghề quốc tế. Theo thống kê toàn xã Đại Bái hiện có khoảng 600 hộ làm nghề đúc đồng truyền thống và các loại hình dịch vụ phụ trợ góp phần giải quyết cho 2.000 lao động địa phương và những vùng phụ cận với mức thu nhập trung bình từ 600- 800 nghìn đồng/người/tháng.
Để gìn giữ và phát triển làng nghề. Những năm gần đây, được sự quan tâm của tỉnh, huyện; xã Đại Bái đã xây dựng và đưa vào hoạt động Khu công nghiệp làng nghề Đại Bái. Trên cơ sở khuyến khích các nghệ nhân, các doanh nghiệp đầu tư, lập nghiệp, mở mang phát triển nghề đồng truyền thống sao cho bắt kịp với xu thế phát triển của các làng nghề trong cả nước. Và điều đặc biệt hơn cả là sản phẩm của Đại Bái giờ đây không còn bó hẹp quanh làng nghề mà đã được du khác trong nước và quốc tế biết đến thông qua Website quảng bá sản phẩm làng nghề.
Năm Mậu Tuất qua đi, một mùa xuân mới lại về mang theo bao khát vọng, hoài bão của mỗi cán bộ và nhân dân nơi đây, ai ai cũng phấn khởi tin rằng dưới ánh sang soi đường của Đảng, cộng thêm nội lực từ chính đôi bàn tay khéo léo, đức tính cần cù, sang tạo của người thợ sẽ góp phần tạo dựng cho nghề truyền thống của quê hương mình ngày càng khởi sắc, đóng góp tích cực vào công cuộc dựng xây đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh.
BTV