Khi nghiên cứu về học tập đạo đức nghề nghiệp, theo tôi chúng ta thảo luận về mấy nội dung sau:
Thứ nhất: Chữ tâm: Cụ thể hóa về việc hiểu và thực hiện đạo đức nghề báo như thế nào? Nghĩa là phẩm chất nghề nghiệp của người làm báo, phải phản ánh trung thực, thẳng thắn, chính xác và khách quan. Đòi hỏi cao nhất của người làm báo phải biết lắng nghe nhiều chiều (kể cả ý kiến trái chiều) để tìm ra bản chất của vấn đề. Người làm báo cũng cần phải tìm ra lối thoát của vấn đề, tránh mọi sự ràng buộc và áp lực tác động đến vấn đề.
Thứ hai : Chữ tầm: Nghĩa là người làm báo phải có tầm nhìn, tầm bao quát từ đó định hướng thông tin mang tầm tương ứng với lập trường xã hội một cách chung phổ quát nhất không phiến diện mà phải thừa nhận cái “dân chủ, nhân đạo” một cách rõ rệt.
Chỉ với 2 yếu tố trên thì Nhà báo trước hết phải là một con người và phải vì con người. Cái tâm sẽ làm nên cái tầm và ngược lại, cái tầm chỉ có thể có ở người có tâm. Đạo đức nghề nghiệp trong báo chí là ở đây.
Thứ ba: Là sự mẫn cán: Các nội dung trên là việc mà mỗi người đều phải phấn đấu để ngày càng hoàn thiện và hiệu quả hơn. Tuy vậy, nếu không có sự tận tụy và mẫn cán thì cơ hội để bảo đảm sự sâu sắc của chữ tâm và chữ tầm sẽ bị hạn chế.
Chính vì lẽ đó, ngoài yếu tố luật pháp quy định cho nghề báo, những người làm báo sinh hoạt trong Hội Nhà báo Việt Nam tự nhận thức được tính chất quan trọng của đạo đức nghề nghiệp nên thường xuyên được trau dồi nhắc nhở, thường xuyên được kiểm tra, góp ý, phê bình để hoạt động báo chí luôn lành mạnh. Hội Nhà báo Việt Nam có 9 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo để làm tài liệu học tập chung trong toàn Hội. Đó là cẩm nang quan trọng mà mỗi nhà báo cần thấm nhuần và thực hiện trong quá trình tác nghiệp của mình../.