Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực

(BTV) Trong những năm qua, tình trạng tham nhũng, lãng phí và tiêu cực ở nước ta diễn biến phức tạp, đã và đang trở thành tệ nạn, len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống với nhiều “mặt nạ”, nhiều vỏ bọc khác nhau. Công tác phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh gian nan, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải kiên trì, có lòng tin, bản lĩnh vững vàng và sự quyết tâm cao của của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đảng, nhà nước, và nhân dân ta luôn coi trọng báo chí, giao cho báo chí trọng trách là người định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đặc biệt là công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đây là vinh dự và cũng là một trọng trách nặng nề đối với những người làm báo trong giai đoạn hiện nay.


1.    Nhà báo và nghĩa vụ công dân của nhà báo
 
Nhà báo là một công dân, một thành viên trong xã hội. Do vậy, nhà báo cũng phải có nghĩa vụ chấp hành các quy định của pháp luật, bảo vệ, đóng góp công sức xây dựng và thúc đẩy xã hội đó tiến lên. Nói cụ thể hơn, là một công dân viết báo, nhà báo phải chấp hành nghiêm túc nghĩa vụ công dân của mình. Nhà báo phải có ý thức sống và làm việc theo khôn khổ của pháp luật, phải biết tuân thủ những quy ước về đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt công việc của mình.  
 
Hoạt động báo chí là hoạt động xã hội. Thông qua tác phẩm của mình, nhà báo có ảnh hưởng to lớn trong định hướng nhận thức, tác động vào tình cảm và hình thành các hành vi đối với công chúng. Một quan điểm, một tư tưởng, thông qua báo chí có thể trở thành quan điểm, tư tưởng của toàn xã hội. Đây cũng là yếu tố luôn đòi hỏi nhà báo có một trọng trách lớn lao với sự phát triển của xã hội.
 
Như vậy, trách nhiệm xã hội của nhà báo chỉ được  phát huy, khi nhà báo là một công dân tốt. Và chỉ khi là một công dân tốt, nhà báo mới thực sự thể hiện được trách nhiệm tích cực với xã hội của mình, hoạt động của nhà báo mới thực sự trở thành động lực thúc đẩy tiến trình phát triển của xã hội. Nói trách nhiệm xã hội  của nhà báo là nói đến hiệu quả xã hội của hoạt động tác nghiệp của nhà báo, còn nói đến nghĩa vụ công dân của nhà báo, chính là nói đến ý thức chấp hành nghiêm chỉnh hiến pháp và pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp của nhà  báo. Hai mặt này luôn có quan hệ mật thiết với nhau, bổ trợ cho nhau trong việc thực hiện nghĩa vụ công dân của nhà báo.
 
 2. Trách nhiệm xã hội của nhà báo
 
Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo trước hết thể hiện ở phẩm chất chính trị của nhà báo. Điều đầu tiên mỗi nhà báo cần phải có đó là lập trường chính trị vững vàng. Lập trường chính trị là yếu tố nền tảng, có tính quyết định khuynh hướng hoạt động của nhà báo. Lăng kính chính trị luôn tác động trực tiếp đến hoạt động lựa chọn sự kiện, nắm bắt tình hình, đến phân tích, mổ sẻ, luận giải các vấn đề xã hội của nhà báo. 
 
Trên thực tế, có được bản lĩnh chính trị, nhà báo mới có điều kiện bắt được mạch sống chủ đạo của xã hội để phát hiện vấn đề, chọn thời điểm cũng như đề ra được cách thông tin phù hợp. Thiếu phẩm chất chính trị, nhà báo sẽ thiếu đi sự nhạy bén và tính cẩn trọng của nghề nghiệp. Thông tin mà nhà báo đem lại sẽ tác động tiêu cực đến tiến trình phát triển của xã hội.
 
Để có được bản lĩnh chính trị, đòi hỏi nhà báo phải tu dưỡng, rèn luyện một cách nghiêm túc và nhận thức một cách sâu sắc về bản lĩnh chính trị cũng như nghề nghiệp, có như vậy, những người làm báo mới thực sự hoàn thành tốt sứ mệnh là người truyền lửa cho toàn xã hội, hoàn thành tốt nghĩa vụ công dân của mình, thực sự xứng tầm ở vị trí là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hoá.
 
Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo thể hiện ở đạo đức nghề nghiệp. Đây là những yếu tố không thể thiếu để tạo nên giá trị của nhà báo chân chính. Đạo đức nghề nghiệp là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận đồng tình ủng hộ. Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo còn thể hiện trong chính năng lực nghề nghiệp của nhà báo. Đây cũng là yếu tố quan trọng để nhà báo làm tốt nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội của mình. Nhưng nhà báo sẽ không thể toả sáng, để dẫn dắt dư luận nếu như thiếu sự tinh thông kỹ năng nghề nghiệp.
 
3. Trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của nhà báo với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực
 
Nhà báo tr¬ước hết là một công dân trong mối quan hệ với Nhà nước và là một thành viên bình đẳng trong xã hội. Khác với các nghề trong xã hội, nghề báo tạo ra dư luận xã hội và đưa sự kiện, con người ra trước sự phán xét của xã hội. Vì thế, người làm báo có trách nhiệm rất nặng nề đối với xã hội và con người. Trong bối cảnh hiện nay, những người làm báo cần phải có tinh thần dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí  vì lợi ích của nhân dân.
 
Sự nhạy bén sẽ giúp cho người phóng viên phát hiện và kịp thời lên tiếng chỉ mặt vạch tên những cái xấu, bênh vực lẽ phải. Lòng trung thực, tinh thần dũng cảm, vững vàng trước mọi cám dỗ, thử thách trở thành điểm tựa chắc chắn cho người phóng viên khi đối mặt với những mặt trái của xã hội. Trên thực tế, trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cuộc chiến giữa lý tưởng, với cuộc sống thực tại, giữa trách nhiệm xã hội với lợi ích cá nhân, giữa cái chung và cái riêng trở nên vô cùng nghiệt ngã. Và trong cuộc chiến ấy, không phải lúc nào, lý tưởng và trách nhiệm xã hội cũng chiến thắng. Trước sự tấn công của lối sống thực dụng, lợi ích, đồng tiền và sự toan tính của cá nhân càng đòi hỏi bản lĩnh của nhà báo trong giai đoạn hiện nay.
 
Nghề nào cũng khó, làm báo là nghề tạo ra sản phẩm tinh thần xã hội cho nên lại càng khó hơn. Chính vì vậy, nhà báo luôn luôn phải nhận thức và rèn luyện cho mình phẩm chất nghề nghiệp toàn diện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Việc học tập và tu dưỡng đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp suốt đời luôn là mục tiêu phấn đấu của những người làm báo chân chính. Ba yếu tố nhanh nhẹn, chính xác và tỉnh táo là yêu cầu không thể thiếu của nhà báo hoạt động trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực hiện nay.                                                              
 
Nguyễn Tiến Vụ Phó Giám đốc Đài PT-TH Bắc Ninh

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại