1. Di sản văn hóa Quan họ Bắc Ninh - nguồn tài nguyên du lịch văn hóa quan trọng
Quan họ Bắc Ninh là một hiện tượng văn hóa dân gian sống động tồn tại ngay trong cuộc sống của người dân Kinh Bắc, nó phục vụ cho chính đời sống tinh thần và tâm linh của họ hàng ngày, hàng giờ, góp phần vào sự phát triển của mỗi cá nhân và cộng đồng. Đó là một loại hình dân ca dân gian đặc trưng của vùng Kinh Bắc, có từ lâu đời. Quan họ có nguồn gốc sâu xa từ sinh hoạt giao duyên, hát đối đáp nam nữ từ thủa xa xưa mà hầu hết các dân tộc anh em với người Việt đều có. Nó tồn tại thường nhật nhưng tập trung nhất và thăng hoa trong sinh hoạt lễ hội của nhân dân.
Di sản văn hóa Quan họ tồn tại và lan tỏa ở cả một vùng rộng lớn. Tuy nhiên, sinh hoạt văn hóa Quan họ thực chất chỉ tồn tại ở một địa vực nhất định, đó là 49 làng Quan họ gốc, trong đó tại Bắc Ninh có 44 làng. Các làng Quan họ ở Bắc Ninh phân bố ở huyện Tiên Du (11 làng), huyện Yên Phong (17 làng), huyện Từ Sơn (2 làng), thành phố Bắc Ninh (14 làng). Không gian văn hóa Quan họ tập trung trong khoảng 250km2 , tập trung và xoay quanh thành phố Bắc Ninh .
Những làng Quan họ chủ yếu phân bố xung quanh các con sông: sông Cầu, sông Ngũ Huyện Khê, sông Tiêu Tương. Những con sông này uốn lượn quanh chân đồi, chảy len lỏi giữa những cánh đồng bằng phẳng góp phần làm cho cuộc sống nông nghiệp của người dân Bắc Ninh được thuận lợi hơn, họ có thời gian rảnh rỗi trong những lúc nông nhàn.
Các làng Quan họ Bắc Ninh còn đồng thời là những làng nghề hoặc nằm ở vị trí gần sát các làng nghề khác.Bên cạnh việc hình thành những làng nghề, các làng buôn cũng dần xuất hiện và phát triển. Đó là điều kiện cho việc giao lưu buôn bán giữa các vùng quê được mở rộng và sôi động. Những chợ quê trở thành trung tâm giao lưu kinh tế, đó cũng là môi trường tạo cơ hội giao lưu văn hóa, trong đó có văn hóa Quan họ. Như vậy, có thể nói văn hóa Quan họ là sản phẩm của một vùng kinh tế phát triển.
Một nét đặc biệt trong dân ca Quan họ là mặc dù câu ca rất giàu chất thơ và chất nhạc khi ca lên, nhưng người ta không thấy việc sử dụng nhạc cụ đệm. Cái chính trong sinh hoạt của hát Quan họ chủ yếu là để trao đổi tâm tình với nhau nên nó không nhất thiết phải có phần đệm hay nhạc cụ đệm. Việc sử dụng nhiều từ đệm, từ láy chính là cách nâng cấp tính nhạc cho câu hát. Ngoài ra, ca từ Quan họ cũng được thể hiện dưới hình thức thơ lục bát biến thể, song thất lục bát, bốn từ năm từ (theo dạng vè), bảy từ tám từ, hát nói, ca dao. Và ca dao luôn giữ vai trò chủ đạo trong ca từ Quan họ.
Quan họ là sản phẩm sáng tạo của chính những người dân bản địa, những người lao động. Vì thế, lời ca Quan họ phản ánh cuộc sống, tinh thần, tình cảm của người dân. Nó chính là thể loại mang đặc trưng của một loại hình nghệ thuật dân gian. Bên cạnh đó, thể loại này đã bắt đầu tiến tới chuyên môn hóa trong sáng tạo và sinh hoạt nghệ thuật. Điều này thể hiện không chỉ ở kỹ thuật hát Quan họ mà còn là ở sự phân công sáng tác. Mặt khác, văn hóa ứng xử của người Quan họ cũng có những nét rất riêng, đó là cách nói ý nhị, mộc mạc, chân thành nhưng rất “bác học” thể hiện qua cách ví von, dùng từ ngữ bóng bẩy để diễn tả tâm tư tình cảm của mình.
Như vậy, xét về mặt nghệ thuật trong câu hát Quan họ, ta thấy nó “không thuần túy là nghệ thuật dân gian, cũng không hoàn toàn là nghệ thuật bác học mà là vạch nối giữa nghệ thuật dân gian và nghệ thuật bác học.
Ngày 30/9/2009, tại Kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28/9 tới ngày 2/10/2009), Quan họ đã được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, sau “Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc”, “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” và cùng đợt với Ca trù. Việc được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại càng minh chứng những giá trị văn hóa quan trọng của Quan họ.
2. Vai trò của di sản văn hóa Quan họ trong du lịch
- Du lịch văn hóa
Du lịch văn hóa đang ngày một phổ biến trên thế giới và được chú trọng phát triển ở Việt Nam. Theo Luật Du lịch, du lịch văn hóa là “loại hình du lịch dựa vào việc khai thác các giá trị di sản văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của nền văn hóa dân tộc, có sự tham gia của đông đảo cộng đồng”. Như vậy, di sản văn hóa là nhân tố cơ bản trong phát triển du lịch văn hóa.
Di sản văn hóa góp phần hình thành xu hướng phát triển du lịch trên thế giới. Ngày nay, trong xã hội công nghiệp hiện đại, khi chất lượng cuộc sống được nâng cao, con người có điều kiện và nhu cầu muốn được hưởng thụ văn hóa nhiều hơn, được đi tới những miền đất mới tìm hiểu khám phá những nền văn hóa khác. Nếu di sản chỉ được giấu kín trong lòng đất, trong các bảo tàng mà không được nghiên cứu, trưng bày giới thiệu cho công chúng biết thì di sản đó cũng không có giá trị tồn tại.
Khi di sản được khách du lịch quan tâm, tìm hiểu thì đó đã tạo cơ hội, môi trường cho di sản được “sống”. Ngược lại, đến lượt mình, di sản văn hóa càng phong phú, đa dạng và giữ được tính xác thực bao nhiêu thì nó lại càng có sức hấp dẫn khách du lịch bấy nhiêu. Do vậy, nơi nào có nhiều di sản văn hóa thì nơi đó sẽ có cơ hội thu hút được nhiều khách du lịch. Từ đó hình thành luồng khách di chuyển từ khu vực này đến khu vực khác, từ nơi này đến nơi khác để tìm hiểu, chiêm ngưỡng di sản văn hóa. Đó chính là du lịch văn hóa.
Di sản văn hóa chính là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa. Nói như vậy không có nghĩa tất cả di sản văn hóa đều trở thành tài nguyên du lịch văn hóa. Mà thực tế là, chỉ có những di sản văn hóa nào có sức hấp dẫn nhất định, có thể khai thác cho hoạt động du lịch thì mới được gọi là tài nguyên du lịch văn hóa. Nếu như di sản văn hóa được phân loại thành di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, thì tài nguyên du lịch văn hóa cũng được phân chia thành tài nguyên du lịch văn hóa vật thể và tài nguyên du lịch văn hóa phi vật thể.
Việc hình thành các sản phẩm du lịch văn hóa như thế nào là phụ thuộc rất lớn vào đặc điểm, tính chất, thể loại di sản văn hóa đó; hay nói cách khác, sản phẩm du lịch có hấp dẫn khách du lịch hay không thì chính di sản văn hóa đóng vai trò quyết định. Di sản văn hóa tạo nên sự phong phú, đa dạng của sản phẩm du lịch.
Ở nhiều quốc gia, du lịch văn hóa được xem là loại hình du lịch chính, thậm chí còn trở thành thương hiệu của một quốc gia, một vùng đất. Chính bởi vì bản thân di sản văn hóa đã mang tính lịch sử, tính truyền thống, tính biểu trưng…cho nên sản phẩm du lịch văn hóa có giá trị hấp dẫn đặc biệt. Nếu biết khai thác hợp lý di sản văn hóa phục vụ du lịch thì sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa giàu sức hút, có ý nghĩa.
Muốn du lịch văn hóa phát triển, không thể không dựa vào việc khai thác giá trị các di sản văn hóa. Để du lịch văn hóa thực sự hấp dẫn thì trước hết phải xác định giá trị của mỗi di sản văn hóa (di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể) đối với hoạt động du lịch, tiếp theo là phải có sự đầu tư đúng mức để di sản văn hóa trở thành sản phẩm du lịch văn hóa. Ngược lại, một phần lợi nhuận từ du lịch đem lại cần phải được đầu tư trở lại cho di sản văn hóa (nhằm phục vụ công tác bảo tồn di sản…). Đó là sự phát triển du lịch bền vững.
-Di sản văn hóa Quan họ là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng đối với hoạt động phát triển du lịch của Bắc Ninh và của cả nước
Du lịch gắn với các giá trị di sản văn hóa Quan họ chính là điểm khác biệt, là thế mạnh nổi bật của Bắc Ninh. Nếu được quan tâm đúng mức và đầu tư bài bản cho hoạt động du lịch, chắc chắn hình ảnh du lịch gắn với Quan họ sẽ là thương hiệu hấp dẫn của điểm đến Bắc Ninh nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Thành phố Bắc Ninh tiếp giáp, cách thủ đô Hà Nội 30km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 45km, cách cảng biển Hải Phòng 110km. Bắc Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm – tam giác tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Đường quốc lộ 18 nối Bắc Ninh với cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh. Quốc lộ số 38 nối Bắc Ninh với Hải Dương.
Hệ thống đường giao thông nội tỉnh cũng tương đối phát triển với trục đường quốc lộ chạy qua 1A, 1B, 18, đường sắt xuyên Việt đi Trung Quốc. Đường sông cũng được xem là một lợi thế trong phát triển du lịch của tỉnh, với 3 con sông chính là sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình chảy qua tạo mạng lưới đường thủy dài 127km. Với vị trí như vậy, Bắc Ninh có điều kiện giao lưu kinh tế, buôn bán nội vùng và với các tỉnh bạn, đặc biệt là với thủ đô Hà Nội. Hoạt động giao thông, giao lưu kinh tế phát triển tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch của tỉnh Bắc Ninh và đặc biệt là vùng văn hóa Quan họ.
Với những giá trị đã được thế giới công nhận, di sản văn hóa Quan họ Bắc Ninh thực sự là nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Dựa vào di sản văn hóa Quan họ, Bắc Ninh có thể tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, kết hợp hình thành các tour, tuyến du lịch phong phú.
Có thể kết hợp du lịch Quan họ với du lịch thăm quan di tích, tham dự lễ hội. Trong dân gian ta có câu: “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài” để ca ngợi những di sản văn hóa cộng đồng nổi tiếng của các miền trong nước. Xứ Bắc hay vùng Kinh Bắc là một trong những xứ sở của đình chùa và lễ hội.
Ở đây có những ngôi chùa cổ kính có ý nghĩa lớn về lịch sử và kiến trúc như: chùa Dâu, chùa Cổ Pháp, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp, chùa Dạm, chùa Lim, chùa Xuân Ổ, chùa Viêm Xá (Diềm), chùa Châm Khê...trong đó, có những ngôi chùa nổi tiếng có lễ hội gắn liền với Quan họ cả phần lễ và phần hội như: chùa Lim, chùa Châm Khê, chùa Dương Ổ, chùa Hòa Đình. Ngoài ra, vùng Kinh Bắc cũng nổi tiếng với những ngôi đình “Thứ nhất là đình Đông Khang, thứ nhì đình Bảng, vẻ vang đình Diềm” (câu ca dân gian) và những ngôi đền thờ Mẫu, hầu hết tập trung ở những làng Quan họ gốc. Những ngôi đình, ngôi đền này là không gian văn hóa để Quan họ tồn tại và phát triển.
Cũng có thể kết hợp du lịch Quan họ với du lịch làng nghề. Di sản văn hóa Quan họ Bắc Ninh được hình thành từ những làng Quan họ nhỏ bé, để rồi phát triển thành vùng văn hóa Quan họ. Mặt khác, làng Quan họ đó đồng thời cũng là những làng nghề, hoặc nằm gần với những làng nghề mà cho đến ngày nay, những sản phẩm của những làng nghề truyền thống này vẫn được thị trường ưa chuộng, cả nước biết đến. Việc khai thác cho khách du lịch tìm hiểu các làng nghề truyền thống gắn liền với du lịch Quan họ sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng riêng có của tỉnh Bắc Ninh.
Trên thực tế, Quan họ Bắc Ninh không còn gói gọn trong một vùng văn hóa Quan họ hay trong địa vực hành chính của một tỉnh Bắc Ninh. Đã từ lâu, Quan họ được giới thiệu với bạn bè thế giới qua các chương trình giao lưu biểu diễn văn hóa nghệ thuật ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Vì vậy, nhiều người nước ngoài biết đến Việt Nam qua làn điệu dân ca Quan họ. Họ có thể nghe hát Quan họ ở bất kỳ đâu, song chắc chắn không nơi nào ấn tượng bằng nghe hát Quan họ ở chính nơi nó được sinh ra.
Phát triển du lịch Quan họ sẽ góp phần hình thành xu hướng tìm hiểu văn hóa Quan họ, cũng chính là tìm hiểu lịch sử truyền thống, phong tục tập quán của ông cha ta, bản sắc dân tộc ta. Đối với bạn bè quốc tế thì dân ca Quan họ đã trở thành hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam. Vì vậy, phát triển du lịch di sản văn hóa Quan họ góp phần quảng bá, đưa hình ảnh đất nước Việt Nam ra với thế giới.
3. Báo chí Bắc Ninh tham gia tuyên truyền, quảng bá di sản quan họ phục vụ sự phát triển của địa phương
Những năm gần đây, Bắc Ninh có nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, giao thông và đô thị có bước phát triển, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Dân ca quan họ Bắc Ninh vừa được UNESCO công nhận là “ Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” và Hát ca trù được công nhận là “ Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Du lịch bước đầu có chuyển biến tiến bộ, bước đầu phát huy tiềm năng du lịch văn hoá, kết nối các tuyến điểm Du lịch với Thủ đô Hà Nội.
Đạt được thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí tỉnh Bắc Ninh trong việc định hướng, tuyên truyền, quảng bá cho các hoạt động thuộc lĩnh vực này, từ đó làm thay đổi nhận thức về phát triển ngành công nghiệp không khói tới mọi tầng lớp nhân dân, góp phần huy động mọi thành phần kinh tế tham gia vào khai thác, phát triển tiềm năng du lịch của địa phương.
Hiện nay, Bắc Ninh có 2 cơ quan báo chí lớn: Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh; Tạp chí Người Kinh Bắc và gần 20 loại bản tin, cuốn thông tin nội bộ, cổng giao dịch điện tử, WEBSITE của các cơ quan, ban ngành , đoàn thể. Tính đến thời điểm hiện nay, Đài Phát thanh & Truyền hình Bắc Ninh đang phát sóng chương trình Phát thanh với thời lượng 4 giờ 30 phút/ngày; phát sóng chương trình Truyền hình với thời lượng 18,5 giờ/ngày; Báo Bắc Ninh hiện đang xuất bản 1 tuần 5 số báo với số lượng trung bình 7000 tờ/kỳ báo ngày, 7000 cuốn Báo Bắc Ninh hàng tháng/kỳ; Báo Bắc Ninh điện tử với nhiều chuyên trang, chuyên mục hấp dẫn. Ngoài ra, còn có hệ thống Đài Truyền thanh ở 8 huyện, thành phố và 126 Đài Truyền thanh cơ sở xã, phường, thị trấn hoạt động có hiệu quả.
Qua khảo sát các ấn phẩm đã in ấn, đăng tải trên báo và phát sóng phát thanh, truyền hình của Đài tỉnh Bắc Ninh có khoảng 20% tin bài, tác phẩm báo chí có nội dung kiên quan đến du lịch. Đó là các chuyên mục: Làng Quan họ quê tôi, Trên quê hương Quan họ… (của Báo Bắc Ninh) và Văn hóa Quan họ, Ký sự 49 làng Quan họ… (của Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Ninh).
Với hơn 500 lễ hội diễn ra trong năm, chủ yếu là vào mùa xuân, Bắc Ninh được mệnh danh là “Vương quốc của lễ hội”. Báo chí Bắc Ninh đã đưa ra những định hướng du lịch nhân văn cùng với dịch vụ, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương. Các sản phẩm làng nghề, gắn với các tour du lịch làng nghề và lễ hội đã đem lại cho Bắc Ninh một nguồn thu đáng kể từ sản phẩm làng nghề và các dịch vụ du lịch, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn của tỉnh.
Bám sát định hướng của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bắc Ninh về phát triển du lịch: Để du lịch thực sự là một ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển hài hoà và bền vững cần tăng cường xây dựng và giải quyết tốt vấn đề môi trường du lịch, nhất là môi trường sinh thái và môi trường văn hoá xã hội, thời gian qua đã có hàng loạt tác phẩm báo chí chuyển tải nội dung này, góp phần tích cực vào việc tạo ra một môi trường phát triển du lịch bền vững trên địa bàn của tỉnh. Nhiều bài báo đã lên tiếng cảnh báo, phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường ở các điểm du lịch, như tình trạng trộm cắp, chụp giật, tranh giành khách của một số phần tử xấu làm ảnh hưởng đến môi trường văn hoá du lịch của địa phương…qua đó đã làm thay đổi nhận thức của chính quyền và người dân địa phương về vấn đề du lịch.
Tuy nhiên, nếu nghiêm khắc nhìn nhận thì có thể thấy trong công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch, báo chí Bắc ninh vẫn còn có những điểm hạn chế như: Chưa xây dựng được một kế hoạch truyền thông tổng thể, mang tính chiến lược, lâu dài; Công tác tuyên truyền còn mang tính “thời vụ”, khi có những sự kiện, vấn đề nổi cộm thì tập trung tuyên truyền một cách rầm rộ, khi thì vắng bóng, thưa thớt dẫn đến việc tuyên truyền thiếu tập trung, chạy theo số lượng, chất lượng và hiệu quả thông tin chưa đạt yêu cầu, thiếu tính bền vững; Hiện tượng trùng lắp về nội dung thông tin trên sóng Phát thanh và Truyền hình vẫn còn xảy ra, các chương trình, chuyên mục được phát đi phát lại nhiều lần có thể khiến cho khán, thính giả nhàm chán. Số lượng thông tin về phát triển du lịch tuy có tần số xuất hiện khá lớn, nhưng phân bố không đều giữa các địa phương trong tỉnh, chủ yếu chỉ tập trung ở khu vực thành phố, thị xã, còn những địa phương khác thì có lúc dường như bị lãng quên...
Từ một góc độ khác, có thể thấy công tác tuyên truyền chỉ mới dừng lại ở mức độ phản ánh, chưa kiến giải được những nguyên nhân thành công và thất bại, chưa đề ra giải pháp khắc phục và đưa ra những bài học kinh nghiệm. Nội dung của một số chuyên trang, chương trình, chuyên mục chưa phong phú, đơn điệu, chưa thật sự hấp dẫn và lôi cuốn công chúng bạn đọc. Kiến thức về du lịch của một số phóng viên còn chưa sâu; Chất lượng sóng các chương trình phát thanh, truyền hình còn nhiều hạn chế; kênh phát hành báo in chưa được mở rộng...
Tất cả những hạn chế, yếu kém đó đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch của báo chí Bắc Ninh. Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận một điều: với tất cả những cố gắng của mình, trong những năm qua, báo chí Bắc Ninh đã góp phần tích cực vào việc giới thiệu, quảng bá, kêu gọi đầu tư, mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước, tạo môi trường hoạt động du lịch thuận lợi, nhằm thu hút các dự án đầu tư vào phát triển du lịch tại địa phương.
Hiện nay, tốc độ phát triển du lịch trên thế giới đã có ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động du lịch ở Việt Nam. Việc khai thác tài nguyên du lịch vốn khá phong phú và đa dạng ngày càng trở nên cấp thiết hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong thời gian tới, để hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình trong lộ trình phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của quê hương, công tác tuyên truyền về phát triển du lịch của báo chí Bắc Ninh cần tập trung vào những giải pháp phát triển như sau:
Cần chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền mang tính chiến lược, có sự phân bổ hợp lý về địa điểm, thời gian, thời lượng tuyên truyền; xây dựng đội ngũ nhà báo chuyên trách tuyên truyền, quảng bá du lịch của địa phương. Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về phát triển du lịch cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên. Tăng cường các chuyên trang, chuyên mục về phát triển du lịch có chất lượng cao, tiếp tục đổi mới cách trình bày, hình thức thể hiện, kết cấu và chất lượng in ấn của các sản phẩm báo chí để tăng sức hấp dẫn đối với công chúng bạn đọc.
Biểu dương những nhân tố tích cực, những điển hình tiên tiến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh du lịch; đồng thời mạnh dạn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong quá trình chỉ đạo, điều hành chương trình phát triển du lịch, góp phần giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đề ra các giải pháp thúc đẩy quá trình phát triển du lịch trên địa bàn của tỉnh.
Bản thân mỗi nhà báo cần phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, thông tin trung thực, chính xác, tăng cường bám sát cơ sở, đời sống thực tiễn, nâng cao tính năng động, sáng tạo trong hoạt động nghiệp vụ báo chí. Bên cạnh việc xây dựng và tổ chức đội ngũ cộng tác viên rộng khắp để thu hút trí tuệ của toàn xã hội, nhằm nâng cao chất lượng thông tin, tăng cường tính phong phú và đa dạng của thông tin báo chí, Báo chí Bắc Ninh cần liên kết với các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước, mở rộng và khai thác tốt các trang website hiện có để quảng bá và tuyên truyền để tuyên truyền, quảng bá du lịch cho tỉnh Bắc Ninh.
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, báo chí có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tuyên truyền, định hướng thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Thực hiện tốt những giải pháp trên đây sẽ là điều kiện tiên quyết để báo chí Bắc Ninh làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tuyên truyền phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của địa phương.