Hệ quả này là công chúng được “sống” trong một môi trường truyền thông rộng mở, đa dạng loại hình, phong phú nội dung. Trước những thay đổi ấy, ngày nay công chúng xã hội cũng đã nhìn nhận ngày càng nghiêm túc hơn trước những gì báo chí đã và đang thông tin, từ đó công chúng lựa chọn sản phẩm báo chí và gửi gắm niềm tin. Thực tế, sự ra đời, tồn tại và phát triển của mỗi cơ quan báo chí, cũng như từng chương trình, chuyên mục, đều phụ thuộc vào hiệu quả tác động của nó tới công chúng và sự đón nhận từ phía công chúng.
1. Những tác động của báo chí đối với công chúng trong đời sống xã hội
Công chúng báo chí là quần thể dân cư hay nhóm đối tượng mà báo chí hướng tác động của mình vào để cung cấp, trao đổi và chia sẻ thông tin, thuyết phục gây ảnh hưởng để có thể làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của họ theo mục đích thông tin nhất định . Về khía cạnh kinh tế, công chúng báo chí là khách hàng của cơ quan báo chí; trên khía cạnh xã hội, là lực lượng quan trọng, quyết định vai trò, vị thế xã hội của cơ quan báo chí.
Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các phương tiện truyền thông hiện đại đang là công cụ tốt nhất để giúp cho báo chí truyền tải một lượng thông tin khổng lồ đến với công chúng. Chính vì vậy, báo chí cũng có ảnh hưởng ngày càng to lớn trong việc thúc đẩy tiến trình các sự kiện. Nói cách khác, báo chí không chỉ đơn thuần là người đưa tin, phản ánh thụ động các sự kiện; nó còn đóng vai trò ngày càng tích cực, tham gia trực tiếp vào các sự kiện như một trong những yếu tố, những điều kiện thúc đẩy và quy định chiều hướng vận động của các sự kiện. Bản chất của vai trò đó chính là áp lực của dư luận xã hội do báo chí tạo ra.
Nhìn ở một góc độ khác, báo chí cũng đã tạo ra ảnh hưởng to lớn về văn hóa, lối sống xã hội. Nhiều hình ảnh, kiểu mốt, ngôn từ và cách hành xử thể hiện trong các chương trình truyền hình, các trang báo đã nhanh chóng xâm nhập vào cuộc sống. Trong thực tế hiện nay, người ta có thể dễ dàng nhận thấy ở tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên những kiểu tóc, màu tóc, mốt quần áo của các cầu thủ bóng đá, các ca sĩ, diễn viên điện ảnh nổi tiếng, các nhân vật trong các chương trình phim truyền hình nước ngoài. Đó chính là minh chứng tác động của báo chí đối với công chúng trong đời sống xã hội.
2. Vai trò của công chúng đối với sự phát triển của cơ quan báo chí
Công chúng quyết định vai trò, vị thế và sức mạnh xã hội của báo chí và nhà báo. Đây là mối quan hệ biện chứng có tác động mạnh mẽ với nhau, bổ trợ cho nhau trong quá trình đưa thông tin, kiểm chứng, sàng lọc thông tin; là sự trao đổi hàng hóa, là nguồn lực vô tận, nguồn lực sáng tạo để báo chí tồn tại và phát triển. Nếu không có công chúng thì sản phẩm báo chí coi như không có tác dụng, bởi vì sản xuất ra không có người đọc, chương trình phát sóng không có người nghe, người xem. Nhà báo mà không có công chúng thì có thể coi như không hành nghề. Duy trì tốt mối quan hệ này, sẽ đem lại cho cơ quan báo chí những lợi nhuận sau:
- Thực hiện được lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội, bởi trên cơ sở số lượng, chất lượng và đặc điểm nhóm công chúng mà sản phẩm báo chí gây ảnh hưởng, cơ quan báo chí sẽ có cơ hội phát triển quảng cáo, kinh doanh dịch vụ và gây ảnh hưởng chính trị - xã hội. Đây là điều rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định vị thế xã hội và bản chất của hoạt động của cơ quan báo chí.
- Tăng nguồn thu để bù đắp chi phí sản xuất. Trên thực tế nếu không bán được sản phẩm, hoặc tăng doanh thu quảng cáo, không mở rộng được khách hàng báo chí thì khó có điều kiện phát triển sự nghiệp báo chí. Phát triển theo cơ chế thị trường, bắt buộc các cơ quan báo chí phải tự cân đối tài chính, vì vậy mối quan hệ với công chúng với tư cách là khách hàng sẽ phổ biến trong giai đoạn hiện nay của các cơ quan báo chí.
- Công chúng báo chí là đối tác của cơ quan báo chí, là nguồn cung cấp dữ liệu và nguồn nuôi dưỡng báo chí. Công chúng không chỉ là đối tượng tác động, đối tượng thuyết phục và lôi kéo mà còn là chủ thể tham gia tích cực trong các quá trình ấy; mặt khác, họ còn là lực lượng đánh giá, giám sát và cổ vũ động viên mọi hoạt động của báo chí. Thực tế cho thấy, sản phẩm báo chí (báo in, PTTH, báo mạng điện tử...) công chúng, nhóm đối tượng tham gia càng nhiều thì uy tín, năng lực và hiệu quả truyền thông càng cao.
3. Nghiên cứu công chúng báo chí – hướng phát triển của cơ quan báo chí
Cùng với tốc độ phát triển của khoa học, công nghệ đã tạo cho công chúng nhiều cơ hội để tiếp cận với báo chí. Tiện ích của các phương tiện truyền thông mới đã góp phần tạo ra những nhóm công chúng mới với những nhu cầu ngày càng cao hơn. Cùng với việc các cơ quan báo chí đang phải tự làm mới mình để phục vụ công chúng, việc nghiên cứu công chúng và vai trò của công chúng đang là một vấn đề rất cần thiết, làm căn cứ để hoạch định hoạt động của các cơ quan báo chí trên các nguyên tắc cơ bản sau:
Một là, mỗi cơ quan báo chí cần xác định rõ công chúng của mình là ai, họ mong muốn gì, hy vọng gì và chờ đợi điều gì từ phía cơ quan báo chí ấy để từ đó có phương án, kế hoạch, phục vụ công chúng của mình một cách hữu hiệu nhất. Tuân thủ tôn chỉ, mục đích và phục vụ đối tượng công chúng sẽ góp phần quan trọng làm nên bản sắc, khẳng định đặc thù của mỗi cơ quan báo chí.
Hai là, trên cơ sở tôn chỉ, mục đích, chức năng nhiệm vụ của mình, mỗi cơ quan báo chí cần xây dựng chuẩn mực hoạt động cũng như những yêu cầu đối với biên tập viên, phóng viên trong việc bảo vệ uy tín, “thương hiệu” của mình. Việc quy chuẩn hoá các hoạt động, thao tác nghiệp vụ vừa góp phần làm tăng tính chuyên nghiệp của báo chí, vừa củng cố niềm tin của công chúng đối với cơ quan báo chí.
Ba là, thường xuyên thăm dò (thông qua các đợt khảo sát, điều tra xã hội học) nhằm đánh giá thái độ của công chúng với những sản phẩm của cơ quan báo chí. Đây là một công việc hết sức quan trọng và cần được tiến hành một cách khoa học, định kỳ, có sự đối chiếu so sánh qua mỗi giai đoạn, đặc biệt sau mỗi sự thay đổi, cải tiến của cơ quan báo chí, từ đó có sự điều chỉnh một cách phù hợp và hiệu quả.
Bốn là, cần xác định rõ phương hướng phát triển của tờ báo, những định hướng nội dung lớn cần tập trung đề cập. Việc xây dựng kế hoạch nội dung và kế hoạch là yếu tố quan trọng để giữ vững sự chủ động, cũng như nâng cao chất lượng tin, bài và kỷ luật làm việc của phóng viên, biên tập viên.
Hệ quả của bước tiến trong công nghệ truyền thông và sự thay đổi đặc tính của công chúng khi đạt tới một trình độ phát triển nhất định, rất có thể là sự hình thành những loại hình truyền thông đại chúng mới, có tính thích ứng cao với nhu cầu của công chúng, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội hiện đại. Chính hiện tượng đó sẽ là tác nhân quan trọng thúc đẩy sự chuyển hướng nhằm đưa ra các quyết định có tính chiến lược của các cơ quan báo chí.