Làm thế nào để báo điện tử phát triển vững chắc, thể hiện được bản sắc và uy tín của mình trong môi trường truyền thông số? Hoạt động của nhà báo cần có sự thay đổi như thế nào để thích nghi với xu hướng phát triển của truyền thông đa phương tiện hiện nay? tác giả viết chỉ mong muốn đưa ra một vài đánh giá và ý kiến nhỏ về vấn đề vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí tại các cơ quan báo mạng điện tử, một vấn đề đang hết sức bức xúc hiện nay.
1. Từ những tác động của công nghệ truyền thông
Theo thống kê mới nhất của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Việt Nam nằm trong top 10 nước châu Á có tốc độ tăng trưởng người dùng Internet nhanh nhất, xếp thứ 3 Đông Nam Á, thứ 7 châu Á và thứ 18 thế giới về số người dùng Internet. Với khoảng gần 40 triệu người truy cập Internet, và không ít hơn số đó là độc giả của các tờ báo điện tử như VietNamNet, VnExpress, TuoitreOnline, Lao động điện tử...Nắm bắt được nhu cầu đó, trong những năm gần đây, hầu hết những toà soạn báo in truyền thống đã chuyển hướng phát triển thêm phiên bản báo điện tử như: Tuổi trẻ o¬nline, Thanh Niên o¬nline, Hà Nội Mới o¬nline...Các báo khác cũng không nằm ngoài chiến lược phát triển đó. Và hiện tượng copy-paste từ các phiên bản gốc là báo in sang tờ báo điện tử khá phổ biến khi được các cơ quan báo chí coi đó là “chiến lược” phát triển hiện nay.
Năm 2001, VnExpress ra đời đánh dấu một bước chuyển lớn trong làng báo điện tử Việt Nam. Copy-paste là định hướng của trang tin này và ban đầu tuyệt đại nội dung của nó được "copy-paste" từ các báo, tạp chí in khác. Nếu tin tức đưa lên vào buổi sáng, song song với thời gian các báo phát hành đến độc giả nếu nó được lựa chọn (biên tập) tốt từ tất cả những báo hay nhất thì nó không những đảm bảo cập nhật thông tin của các báo mà còn đầy đủ hơn so với mỗi tờ báo riêng lẻ.
Với sự phát triển của công nghệ, phần lớn các tờ báo ngày đã có website và kiểu "copy-paste" cũng thay đổi một cách đáng kể. Các lập trình viên đã thành công trong việc tạo ra cỗ máy giúp "hút tin" từ các website khác. Và nội dung tin tức được đăng lại chỉ sau vài phút tin gốc được phát đi. VnExpress.net là một ví dụ, từ con số 0 tròn trĩnh, chỉ sau một thời gian ngắn, Tintucvietnam.com đã vươn lên vị trí cạnh tranh với những trang tin có lượng truy cập lớn như VnExpress hay Vietnamnet.
2. Nguyên nhân của tình trạng vi phạm bản quyền trên báo điện tử
2.1. Do thiếu đội ngũ những người làm báo mạng điện tử chuyên nghiệp
Đây là vấn đề cốt lõi của nạn "copy-paste" của các tờ báo. Khi phong trào “lên mạng” đã trở thành hướng phát triển mới, là thương hiệu của các cơ quan truyền thông, hầu hết các cơ quan báo chí này không có sự chuẩn bị về lực lượng, các phóng viên, biên tập viên chủ yếu là ngoại đạo, họ được đào tạo từ nghiệp vụ báo hình, báo in nên khi chuyển sang làm báo điện tử thường lúng túng và vẫn mang phong cách của các loại hình mình được đào tạo.
Để đáp ứng nhu cầu của lượng độc giả rất lớn hiện nay, các tờ báo đều phải “phiên ngang” các phóng viên từ báo in, báo nói, báo hình để làm nghiệp vụ của một tờ báo điện tử. Theo một thống kê gần đây có tới 75% phóng viên đang hoạt động trong các tòa soạn báo điện tử hầu hết đều từ báo in chuyển sang, 23% từ các ngành nghề khác và con số ít ỏi còn lại mới được đào tạo đúng chuyên ngành từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Công việc của các BTV Báo điện tử rất đơn giản, hầu hết họ chỉ cần đăng lại những thông tin trên báo in của mình, rồi đưa lên Internett; những tin tự sản xuất, hay tin từ các hãng thông tấn chỉ chiếm một phần nhỏ…một mặt khác, do điều kiện phóng viên hạn chế, phong cách tác nghiệp còn thiếu tính chuyên nghiệp nên các báo điện tử hầu hết mới chỉ dừng lại ở mức đưa nội dung tờ báo in lên mạng.
2.2. Do sự cạnh tranh thông tin ngày càng mạnh mẽ
Truyền thông số đa đã và đang tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực báo chí, truyền thông. Trong lĩnh vực báo chí truyền thông, truyền thông số cũng tạo ra một môi trường truyền thông mới, vừa có những ảnh hưởng tích cực, đồng thời cũng tạo ra sức ép đối với báo chí truyền thông truyền thống.
Xuất phát từ sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là về công nghệ thông tin, đã làm cho các loại hình áo chí phát triển nhanh và hiện đại. Từ đó tạo nên sự cạnh tranh thông tin giữa các loại hình báo chí, giữa các cơ quan báo chí ngày càng mạnh mẽ. Tất cả các thông tin trên thế giới đang được cạnh tranh từng giây, từng phút, tờ báo nào có thông tin nhanh nhất sẽ chiếm được bạn đọc công chúng nhiều nhất và như vậy sẽ đem lại lợi nhuận cao nhất, gây được uy tín lớn nhất.
Chính vì vậy, do điều kiện về con người, phương tiện…nên một số tờ báo đành phải “làm ngơ” trước dư luận mà “xáo xào” lại những thông tin của các tờ báo khác. Điều này thể hiện rõ nhất là hàng loạt vụ việc “nóng” xảy ra trên địa bàn các địa phương đã nhanh chóng được các báo điện tử trung ương lấy lại. Để theo sát những thông tin báo chí các địa phương, hầu hết các báo trung ương đều phân công phóng viên theo dõi địa bàn. Nhưng cách nhanh nhất để các phóng viên báo trung ương theo sát tình hình lại là thông qua các trang báo điện tử địa phương. Thông qua những thông tin ban đầu đó, chỉ cần vài cú điện thoại cho một vài nhân vật, hoặc đổi đảo một số thông tin gốc là có thể có tin mới và đương nhiên đứng tên tác giả của cơ quan báo chí đó. Những vi phạm bản quyền kiểu này rất khó xử lý; thậm chí, có nhiều tin của báo địa phương bị phóng viên báo trung ương copy nguyên xi nhưng vẫn ngang nhiên ghi tên mình.
2.3.Do tính thương mại hoá
Do tính cạnh tranh về mọi mặt của nền kinh tế thị trường, tiết kiệm kinh phí là vấn đề luôn được lãnh đạo của các tờ báo quan tâm. Trên thực tế, các trang báo được ra đời chỉ với một lực lượng rất mỏng, số lượng phóng viên “khiêm tốn” ấy đã không đảm đương được công việc của tất cả các chuyên mục, chuyên trang…vì vậy cách giúp họ hoàn thành nhiệm vụ của mình là copy-paste lại các tin, bài của các tờ báo khác là điều dễ hiểu.
Phần lớn các trang báo điện tử sau khi "copy-paste" tin, bài từ các trang khác đều không nêu rõ nguồn gốc, xuất xứ mà chỉ gói gọn trong một từ THEO. Cái từ nhỏ bé, đặt mãi ở cuối bài hay khéo léo chèn trong bài viết đã tiết kiệm cho những trang báo này khoản chi phí khổng lồ trong việc sản xuất nội dung thông tin, bởi thay vì phải trả lương, công tác phí, nhuận bút... để có được một đội ngũ phóng viên, cộng tác viên cung cấp thông tin cho trang tin, một nhóm biên tập được thành lập với công việc chính là "copy-paste".
2.4.Do tính tiện ích của các phương tiện kỹ thuật
Trong thời đại bùng nổ về khoa học kỹ thuật như hiện nay, việc áp dụng những thành tựu ấy vào quy trình sản xuất báo điện tử là công việc luôn được các nhà quản lý quan tâm. Trong bối cảnh đó, việc “tham khảo” các thông tin từ các tờ báo điện tử là một cách nhanh nhất, ngắn nhất để các cơ quan báo chí “tận dụng” nguồn thông tin của nhau với mục đích có những tin “nóng” nhất. Tình trạng này diễn ra không chỉ ở các cơ quan báo chí địa phương mà ở các cơ quan báo chí trung ương.
Tính tiện ích này cũng được các nhà báo áp dụng trong công việc của mình một cách thoải mái và vô tư khi chưa có quy định cụ thể trong vấn đề bản quyền nên đã kéo theo hệ quả là độc giả ngán ngẩm khi phải đọc lại những thông tin trùng lặp tại một số trang báo.
3. Giải pháp khắc phục tình trạng vi phạm bản quyền trên báo điện tử hiện nay
3.1. Tuân thủ các quy định của luật pháp Việt Nam và Quốc tế
Bản quyền là một hình thức bảo hộ được luật pháp thừa nhận đối với tác giả của “các tác phẩm gốc của tác giả”, bao gồm tác phẩm văn học, sân khấu, âm nhạc, nghệ thuật và các tác phẩm trí tuệ khác. Hình thức bảo hộ được áp dụng với các tác phẩm đã được xuất bản cũng như chưa được xuất bản.
Trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự, Nhà nước đã ban hành khoảng 40 văn bản dưới luật nhằm cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành các quy định về sở hữu trí tuệ. Các luật ra đời sau Bộ luật Dân sự (Luật Khoa học và công nghệ, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Hình sự, Luật Báo chí, Luật Xuất bản v,v.) đều có một số điều khoản liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Cho đến nay, hầu hết các dạng tài sản trí tuệ đều đã được pháp luật Việt Nam thừa nhận là đối tượng của quyền sở hữu và được Nhà nước bảo hộ. Về quan hệ quốc tế, ngày 26-10-2004, Việt Nam chính thức gia nhập Công ước Quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ Berne. Đây được coi là một bước ngoặt giúp đưa thị trường báo chí xuất bản trong nước tiến lên chuyên nghiệp, đi cùng xu thế chung hội nhập với thế giới. Đây cũng chính là vấn đề cần quan tâm khi báo chí Việt Nam hội nhập với báo chí Quốc tế trong xu thế hội nhập hiện nay.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ của nước ta còn chưa thật sự đáp ứng yêu cầu về tính hiệu quả. Các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp chế tài dân sự, hành chính, hình sự còn chưa đầy đủ, chưa rõ ràng và còn mâu thuẫn, chồng chéo ...
3.2. Nên có các quy định chặt chẽ hơn trong vấn đề xuất bản, nhất là báo điện tử
Không thể phủ nhận những đóng góp quan trọng của các trang báo điện tử cũng như các trang tin điện tử trong việc chuyển tải thông tin và định hướng dư luận xã hội trong thời đại truyền thông số hiện nay. Thế nhưng, tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí nước ta hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp. Các cơ quan báo chí hiện nay vẫn cứ “vô tư” sử dụng các tác phẩm của những tác giả khác, các cơ quan báo chí khác mà không hề bị một chế tài nào. Có lẽ chính vì thế nên “căn bệnh” vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí không những không “thuyên giảm” mà càng ngày càng gia tăng. Trong những vi phạm đó, vi phạm bản quyền trên các báo điện tử đang diễn ra phổ biến nhất và cũng khó quản lý nhất.
Việc cần tăng cường các chế tài trong việc thực hiện bản quyền tác phẩm báo chí cần được các cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng thực hiện nhằm lập lại trật tự trong việc thực hiện bản quyền tác phẩm. Cũng cần nâng cao nhận thức cá nhân về việc tôn trọng bản quyền của Ban biên tập, những người có toàn quyền quyết định nội dung và hướng đi của một tờ báo, các báo cần hiểu rõ rằng những việc làm đó sẽ “hủy hoại” uy tín của tờ báo trong mắt độc giả.
Đã đến lúc Luật báo chí cần được bổ sung thêm về những điều, khoản quy định chặt chẽ hơn về vấn đề bản quyền, nhất là đối với báo mạng điện tử như: chế tài xử phạt, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí về vấn đề này…Trong trường hợp nào thì các tờ báo được Copy nội dung tin, bài của các tờ báo khác, chế độ nhuận bút đối với những trường hợp này như thế nào…có như vậy thì tình trạng vi phạm bản quyền mới được đẩy lùi, hạn chế sự chồng chéo thông tin như hiện nay.
3.3. Nâng cao nhận thức và đạo đức nhà báo trong môi trường truyền thông số
Theo báo cáo tổng kết của Bộ Thông tin -Truyền thông, tính đến tháng 12/2014, các lực lượng thanh tra chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử lý 71 trường hợp vi phạm của cơ quan báo chí; đã quyết định thu hồi giấy phép hoạt động của một số cơ quan báo chí vì có nội dung không đúng tôn chỉ mục đích, vi phạm các quy định pháp luật về báo chí. Ngoài những vi phạm trên, những vi phạm bản quyền cũng là nỗi băn khoăn, trăn trở đối với những nhà báo tâm huyết, bởi đạo đức nghề nghiệp là một nhân tố hết sức quan trọng để tạo nên tính chuyên nghiệp của phóng viên báo chí. Tính chuyên nghiệp của nhà báo là sự tổng hợp của tài năng, đạo đức, sự say mê và kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn cao để tạo nên những tác phẩm báo chí tiêu biểu, đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.
Trước tình hình đó, cúng ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tác động của Internet và báo mạng điện tử đến sản xuất và đời sống xã hội; xây dựng các tờ báo điện tử ở nước ta có kỹ thuật và công nghệ hiện đại, đúng đắn, chân thực, phong phú về nội dung, sắc bén về định hướng, tính chiến đấu, có tính văn hoá nghiệp vụ cao, thực sự là vũ khí chính trị tư tưởng quan trọng, phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo điện tử ở nước ta phải được phát triển nhanh, vững chắc, có hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể về kinh tế, kỹ thuật, con người, năng lực quản lý, đảm bảo an ninh an toàn, kết hợp hài hoà với việc phát triển các loại hình báo chí và phương tiện truyền thông khác.
Truyền thông đa phương tiện đem đến cho các nhà báo sự tiện lợi và cơ hội phát huy sở trường và khả năng của mình, nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong quá trình tác nghiệp. Công nghệ sẽ giúp cho nhà báo khả năng tiếp cận với chủ đề, sự kiện nhanh hơn nhưng sẽ làm thui chột kiến thức và khả năng tư duy của nhà báo nếu nhà báo đó có tư tưởng ỷ lại vào kỹ thuật và công nghệ. Lối làm việc không trực tiếp đi đến hiện trường để thu thập thông tin mà khai thác nguồn tin trên mạng rồi xào xáo trở thành tin bài của mình là những hiện tượng làm báo tiêu cực của không ít phóng viên hiện nay./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hoàng Đình Cúc, Đức Dũng chủ biên (2007), Những vấn đề của báo chí hiện đại, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội.
2. Nguyễn Văn Dững (2011), Báo chí truyền thông hiện đại, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.
3. Đinh Thị Thúy Hằng (2008), Báo chí thế giới - Xu hướng phát triển, Nxb Thông tấn, Hà Nội.
4. Nguyễn Thị Trường Giang (2010), Xu hướng phát triển của báo mạng điện tử Việt Nam, songtre.vn, Hà Nội.
5. Nguyễn Thành Lợi (2013) Sự vận động và phát triển của báo chí hiện đại trong môi trường hội tụ truyền thông, nguoilambao.vn, Hà Nội.
6. Kỷ yếu Hội thảo (2012) Văn hóa truyền thông trong thời kỳ hội nhập.
7. Kỷ yếu Hội thảo (2013 ) Báo chí trong quá trình toàn cầu hoá: Cơ hội, thách thức và triển vọng.
8. Kỷ yếu Hội thảo (2014) Người làm báo trong kỷ nguyên số.
9. TS. Lưu Hồng Minh chủ biên (2009), Truyền thông Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, Nxb Dân trí, Hà Nội.
10. Vũ Duy Thông (2004), Thực trạng và giải pháp nâng cao trình độ cán bộ báo chí hiện nay, Đề tài khoa học Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Hà Nội.
11. website Đảng Cộng sản Việt Nam; http://vietnamjournalist.com, http://www.nghebao.com,http://www.ajc.edu.com, …vv.