Bàn về giải pháp đào tạo cán bộ quản lý báo chí địa phương trong xu thế truyền thông đa phương tiện

(BTV) Trong xu thế truyền thông đa phương tiện hiện nay, cùng với báo chí Trung ương, báo chí địa phương nước ta cũng đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Điều đáng nói là tư duy báo chí của những người làm báo chí địa phương còn thiếu sự nhanh nhạy, công tác quản lý và điều hành của một số lãnh đạo còn nhiều hạn chế bởi hầu hết hệ thống báo chí địa phương ở nước ta đang hoạt động theo mô hình quản lý cũ - hệ quả của một cơ chế bao cấp kéo dài. Vấn đề đặt ra là những người làm báo chí địa phương ở Việt Nam cần phải làm gì để đón bắt và thích ứng với sự vận động, phát triển này? Công tác đào tạo cán bộ quản lý báo chí địa phương cần có những thay đổi như thế nào để thích ứng với môi trường truyền thông đa phương tiện?

 

1. Tổng quan về báo chí Việt Nam và hệ thống báo chí địa phương
 
Đến thời điểm hiện nay, cả nước có 845 cơ quan báo chí với 1.118 ấn phẩm, 1 hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh, truyền hình, 179 kênh PTTH quảng bá, 33 đơn vị cung cấp truyền hình cáp; 98 cơ quan báo chí điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp; 420 mạng xã hội được phép hoạt động với lượng truy cập rất cao, ảnh hưởng ngày càng lớn về thông tin . 
 
Bên cạnh các cơ quan báo chí của Trung ương còn có hệ thống báo chí của các địa phương. Hiện nay, ở 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước đều có một tờ báo và đài phát thanh, truyền hình (PT-TH) cấp tỉnh. Ngoài ra, còn có hơn 600 đài phát thanh, truyền thanh cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và hàng nghìn đài cấp xã, phường, thị trấn, thôn bản trong cả nước. Ở một số địa phương còn có báo hoặc tạp chí của các sở, ngành và văn phòng đại diện của nhiều cơ quan báo chí của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương...
 
Theo quy định ở nước ta, báo Đảng do Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo, quản lý, còn đài PT-TH tỉnh do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý. Hệ thống các đài cấp huyện, thị và xã, phường do UBND cùng cấp trực tiếp quản lý. Thuật ngữ “báo chí địa phương” được sử dụng ở đây là để chỉ các cơ quan báo chí cấp tỉnh của địa phương, bao gồm báo tỉnh, đài PT-TH tỉnh và website của hai cơ quan báo chí này…
 
Xã hội hiện đại, công nghệ kỹ thuật số với mạng internet phổ biến toàn cầu đã làm thay đổi cơ bản không chỉ nhận thức của những người quản lý cơ quan báo chí mà còn là sự thay đổi về chất ở đội ngũ phóng viên, cộng tác viên. Để bắt kịp với xu thế truyền thông đa phương tiện như hiện nay, đòi hỏi lãnh đạo các cơ quan báo chí, đặc biệt là báo chí địa phương phải nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo, làm chủ được khoa học, kỹ thuật, nếu không sẽ lạc hậu, thụt lùi và không theo kịp với thời đại. 
 
2. Từ những bất cập trong tư duy của lãnh đạo báo chí địa phương trước xu thế truyền thông đa phương tiện 
 
Khi xu hướng báo chí đa phương tiện là tất yếu thì bản thân những người làm báo từ lãnh đạo đến phóng viên đều cần phải sẵn sàng để "tích hợp", dần dần làm mờ đi ranh giới giữa các phòng ban, loại hình báo chí và với độc giả. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có địa phương nào ở nước ta xây dựng được mô hình tổ chức hoạt động cho hệ thống báo chí, truyền thông một cách hiệu quả. Giải pháp phổ biến nhất mới chỉ là xuất bản các phiên bản điện tử của báo in và đưa các chương trình PT- TH lên mạng Internet. Thậm chí, ở nhiều địa phương lãnh đạo của các cơ quan báo chí còn chưa hiểu đúng và chưa rõ xu thế này sẽ có tác động gì tới hệ thống báo chí, truyền thông ở địa phương mình. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là:
 
- Nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về xu thế mới
 
Công nghệ số đã làm cho các nhà báo trong các tòa soạn truyền thống hiểu rằng họ cần phải thay đổi nhận thức về cách làm. Tuy nhiên, thuật ngữ “hội tụ truyền thông” mặc dù đã được nhiều người nhắc đến nhưng đó mới chỉ là sự thống nhất về mặt thuật ngữ chứ chưa phải sự thống nhất về nội hàm. Hiện đang có tình trạng mỗi người hiểu một cách khác nhau về những khái niệm này. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng hội tụ truyền thông chính là sự hợp nhất của các loại hình báo chí truyền thống trong cùng một cơ quan báo chí. Hội tụ truyền thông không có nghĩa là sự cộng dồn một cách máy móc các loại hình báo chí trong cùng một cơ quan, mà thực chất trước xu thế hội tụ, một tòa soạn sẽ phải cấu trúc, sắp xếp lại để trở thành một “guồng máy” sản xuất tin tức, chế ra nhiều “món ăn” đáp ứng các thị hiếu của công chúng hiện đại.
 
Hiện nay, việc mở rộng hoạt động của cơ quan báo chí mới chỉ được sử dụng thuần tuý ở góc độ công nghệ mà chưa thực sự khai thác và sử dụng nó như một công cụ để xử lý và phổ biến thông tin. Với nhiều cơ quan báo chí, Internet, trang web riêng, hay hộp thư điện tử…chỉ mang tính biểu tượng của truyền thông đa phương tiện thời thượng. 
 
- Nặng về tư duy bao cấp
 
Thực tế hiện nay lãnh đạo các cơ quan báo chí địa phương đều ít nhiều ảnh hưởng bởi tư duy, báo chí địa phương có “lãnh địa” riêng, do vậy không cần phải vội vàng, không sợ ai chiếm mất thị trường của mình. Báo Đảng thì cứ “túc tắc” cơm, áo, gạo, tiền đã có Đảng, Nhà nước lo; đầu ra (phát hành) đã có người đón; hoạt động của các đài PT-TH phần lớn từ kinh phí ngân sách địa phương nên ỷ lại, ngại đổi mới, không cần phải nhanh nhạy, không cần phải cạnh tranh với các kênh truyền thông khác để chiếm lĩnh thông tin mới. 
 
Hiện tượng phóng viên báo chí địa phương, đặc biệt là báo Đảng còn làm việc theo tinh thần viên chức hành chính sự nghiệp, sáng cắp ô đi chiều cắp ô về, ít sâu sát cuộc sống của cơ sở, “không động lòng” trước những vấn đề nổi cộm trong đời sống xã hội. Hiện tượng săn tin đối với phóng viên báo chí địa phương là một việc làm hiếm hoi, ít xảy ra. Đi lấy tin chủ yếu theo giấy mời của các cơ quan, đơn vị, địa phương, dẫn đến bài viết rất nhạt nhẽo và không đáp ứng được nhu cầu bạn đọc, làm cho tờ báo kém hấp dẫn.  
 
- Ngại đổi mới, không muốn xáo trộn
 
Nhiều nhà báo, nhà quản lý báo chí thừa nhận xây dựng tòa soạn tích hợp là xu hướng tất yếu, nhưng khi triển khai thì họ lại ái ngại, vì lo phải đầu tư lớn, lo phải chuyển đổi cung cách làm việc, thậm chí lo ngại chính mình không đủ kỹ năng cho tác nghiệp đa phương tiện…, có một số trường hợp đến nay vẫn còn mơ hồ với khái niệm “tòa soạn tích hợp”, “đa phương tiện”…
 
Việc áp dụng mô hình tòa soạn đa phương tiện sẽ tạo ra một cú sốc đối với lãnh đạo các cơ quan báo chí địa phương cũng như những người làm báo vốn chỉ quen làm việc ở một loại hình báo chí truyền thống, bởi truyền thông đa phương tiện đòi hỏi năng lực lãnh đạo và quản lý phải rất cao và đồng bộ, trong khi nguồn nhân lực ở góc độ quản lý còn chưa được quan tâm đúng mức nếu như không nói là chưa được tổ chức đào tạo, bồi dưỡng. 
 
- Không tự tin
 
Kết quả khảo sát thực tế tại một số cơ quan báo chí địa phương cho thấy, phần lớn các cơ quan báo chí địa phương không tự tin lắm khi phát triển theo hướng truyền thông đa phương tiện bởi kinh phí eo hẹp; trang, thiết bị thiếu thốn, lạc hậu; nguồn nhân lực vừa mỏng lại hạn chế, phần lớn các phóng viên báo chí địa phương quen làm báo theo kiểu truyền thống, ngại tiếp cận với các phương tiện kỹ thuật mới, trình độ về ngoại ngữ cũng là một rào cản lớn của các lãnh đạo báo chí, cũng như phóng viên báo chí các địa phương hiện nay.
 
Một số lãnh đạo các cơ quan báo chí địa phương có sự hoài nghi về tính thực tế của mô hình tòa soạn đa phương tiện áp dụng tại Việt Nam, bởi báo chí Việt Nam nói chung, báo chí địa phương nói riêng chưa mang tính chuyên nghiệp cao, kỹ năng tác nghiệp của đội ngũ phóng viên chưa đồng đều. Ban biên tập các cơ quan báo chí chưa phải là những người cập nhật công nghệ cũng như các kỹ năng biên tập báo hiện đại…là những hạn chế trong quá trình áp dụng mô hình tòa soạn đa phương tiện.
 
3. Giải pháp về đào tạo cán bộ quản lý báo chí địa phương trong xu thế truyền thông đa phương tiện
 
Nhà báo đa phương tiện cần có những tiêu chí cụ thể đó là: Có tri thức, trình độ văn hóa, ngoại ngữ; thành thạo kỹ năng xử lý ngôn ngữ đa phương tiện, làm chủ kỹ thuật, công nghệ làm báo hiện đại. Từ thực tiễn nóng bỏng hiện nay, việc đào tạo nhà báo đa phương tiện cũng như cán bộ quản lý báo chí địa phương trong xu thế truyền thông đa phương tiện là vấn đề cấp bách và cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Để đáp ứng tốt yêu cầu  một cách có hiệu quả, cần có những giải pháp đào tạo lãnh đạo quản lý các cơ quan báo chí sau đây: 
Một là, nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo và quản lý cho cán bộ quản lý báo chí địa phương trước xu thế truyền thông đa phương tiện.
 
 Bởi hiện vẫn chưa có địa phương nào ở nước ta thực sự xây dựng được mô hình tổ chức hoạt động của các cơ quan báo chí nhằm thích ứng có hiệu quả với xu thế truyền thông đa phương tiện. Thậm chí, như đã nêu ở trên - nhiều địa phương lãnh đạo của các cơ quan báo, đài vẫn còn chưa hiểu đúng và chưa rõ xu thế này sẽ có tác động gì tới hoạt động báo chí ở địa phương mình. 
 
Những lãnh đạo quản lý cơ quan báo chí địa phương Việt Nam cần nhanh chóng thoát ra khỏi quan niệm và lối tư duy với cách làm cũ. Báo chí địa phương cần thích ứng càng nhanh càng tốt với truyền thông đa phương tiện. Cần phải thấy rằng: xu thế có tính quy luật này sẽ phát triển rất nhanh và không chờ đợi ai. Cơ quan nào nhập cuộc nhanh, thích ứng nhanh, cơ quan đó sẽ tồn tại và phát triển.
 
Hai là, tăng cường kỹ năng, công nghệ hiện đại, kiến thức ngoại ngữ và tin học cho cán bộ lãnh đạo quản lý báo chí địa phương.
 
Nhà báo đa phương tiện cần có những cụ thể đó là: Có tri thức, trình độ văn hóa, ngoại ngữ; Thành thạo kỹ năng xử lý ngôn ngữ đa phương tiện; Làm chủ kỹ thuật, công nghệ làm báo hiện đại. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với nhà báo và đặc biệt quan trọng đối với cán bộ lãnh đạo quản lý báo chí địa phương hiện nay bởi nhà quản lý báo chí dứt khoát phải là một chuyên gia báo chí và phải hiểu về công nghệ.
 
Một trong những thách thức lớn nhất của các cơ quan báo chí hiện nay là khả năng làm chủ công nghệ của lãnh đạo các cơ quan báo chí cũng như các nhà báo chưa thật sự tinh nhuệ. Nhìn từ đời sống truyền thông của Việt Nam có thể thấy, vẫn còn ít nhà báo được đào tạo để ứng dụng công nghệ mới, như sử dụng các ứng dụng của máy tính bảng, điện thoại thông minh…vào hoạt động tác nghiệp. Do đó, muốn xây dựng được tòa soạn hội tụ, cơ quan báo chí cũng cần xây dựng được đội ngũ nhân sự chuyên và mạnh về công nghệ thông tin để phục vụ tốt nhất cho tòa soạn. Nhà quản lý báo chí dứt khoát phải là một chuyên gia báo chí và phải hiểu về công nghệ, vì vậy lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí cần tự nâng cao trình độ quản lý để theo kịp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và nhanh chóng thay đổi tư duy trong quản lý báo chí trong xu thế mới.
 
Ba là, cần tăng cường đào tạo kiến thức tại chỗ cho cán bộ quản lý cũng như phóng viên báo chí đa phương tiện ở các cơ quán báo chí địa phương.
 
Đào tạo nguồn nhân lực Báo chí đa phương tiện là đào tạo ra những người làm báo có kỹ năng tổng hợp để thích ứng với các loại hình báo chí hiện đại, đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của nghề báo tại Việt Nam. Người lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí lại càng phải am hiểu và làm chủ những kỹ năng của nhà báo hiện đại. Theo đó, có hai xu hướng đào tạo nhà báo đa phương tiện ngay tại toà soạn và đào tạo các kỹ năng đa phương tiện tại các cơ sở đào tạo báo chí chính quy.
 
Thực tế hiện nay, việc đào tạo phóng viên đa phương tiện tại chỗ ở các cơ quan báo chí địa phương cũng đang gặp phải những khó khăn, trở ngại, bởi công tác đào tạo chủ yếu theo tính chất truyền nghề nhằm đáp ứng ngay yêu cầu công việc của các cơ quan báo chí. Những nhà báo có kinh nghiệm, hoạt động lâu năm muốn đào tạo các nhà báo trẻ về kỹ năng làm báo đa phương tiện lại bị hạn chế về trình độ ngoại ngữ, việc tiếp cận với các phương tiện kỹ thuật mới cũng là khó khăn của các nhà báo có kinh nghiệm quen làm báo theo kiểu truyền thống. Đây là những bất cập trong việc đào tạo phóng viên đa phương tiện của các cơ quan báo chí địa phương hiện nay.
 
Bốn là, cần tăng cường liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo và nâng cao vai trò quản lý, định hướng của cơ quan chức năng.
 
Từ năm 2013 Học viện Báo chí và Tuyên truyền mở lớp đào tạo truyền thông đa phương tiện. Tuy nhiên, chương trình giảng dạy mới chỉ áp dụng cho sinh viên đang theo học tại Học viện, phần lớn phóng viên đang làm việc tại các cơ quan báo chí thì chưa có điều kiện đào tạo nâng cao theo mô hình truyền thông đa phương tiện. Lãnh đạo quản lý các cơ quan báo chí ở địa phương cũng chỉ được tiếp cận kiến thức qua các cuộc Hội thảo, chưa được đào tạo về phương pháp lãnh đạo, quản lý về xu thế mới một cách bài bản. Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, Học viện Báo chí, Tuyên truyền và các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh quá trình nghiên cứu, hướng dẫn giúp đỡ cho các cơ quan báo chí, tăng cường các lớp nghiệp vụ, đặc biệt là nghiệp vụ quản lý báo chí cho cán bộ quản lý báo chí ở các địa phương. 
 
Bộ Thông tin Truyền thông cần tổ chức nghiên cứu, định hướng để giúp các cơ quan báo chí triển khai thực hiện một cách thống nhất, tránh sự mò mẫm, lãng phí không đáng có, góp phần thúc đẩy xu thế truyền thông đa phương tiện hiện nay./.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.    Ban Bí thư Trung ương Đảng (2005), Chỉ thị số 52-CT/TW về phát triển và quản lý báo điện tử ở nước ta hiện nay, ngày 22-7-2005, Hà Nội.
2.    David Brewer (2011), Phương thức sản xuất báo chí hội tụ, website:      http://www.daotaobaochi.org
3.    PGS, TS. Đức Dũng (2010), Báo chí và đào tạo báo chí, Nxb Thông tấn, Hà Nội.
4.    PGS, TS. Nguyễn Văn Dững (2011), Báo chí truyền thông hiện đại, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.
5.    Thomas L. Friedman (2005), Thế giới phẳng, Nxb Trẻ, TP HCM.
6.    TS. Nguyễn Thị Trường Giang (2010), Xu hướng phát triển của báo mạng điện tử Việt Nam, songtre.vn, Hà Nội.
7.    Nguyễn Trung Kiên (2011), Xu hướng hội tụ trong lĩnh vực viễn thông, http://vft.com.vn
8.    Kỷ yếu Hội thảo (2011), Tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại - những vấn đề lý luận và thực tiễn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
9.    Kỷ yếu Hội thảo (2011), Tòa soạn báo đa phương tiện, Đại học  Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM).
10.    Kỷ yếu Hội thảo (2013), Sự vận động, phát triển của báo chí, truyền thông trong thời kỳ hội tụ truyền thông, tích hợp phương tiện, Học viện báo chí và Tuyên truyền.
11.    Kỷ yếu Hội thảo (2014), Người làm báo trong kỷ nguyên số, Hội nhà báo Việt Nam, Tạp chí Người làm báo.
12.    Kỷ yếu Hội thảo (2008), Báo chí và Truyền thông đại chúng: đào tạo và bồi dưỡng trong thời kỳ hội nhập, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. 
13.    Kỷ yếu Hội thảo (2013), Bồi dưỡng các kỹ năng cho người làm báo đa phương tiện, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. 
14.    TS. Đỗ Chí Nghĩa (2014),  Đào tạo nhà báo đa phương tiện ở Việt Nam hiện nay,  http//nguoilambao.vn.
15.    TS. Nguyễn Thành Lợi (2014), Sự vận động và phát triển của báo chí hiện đại trong môi trường hội tụ truyền thông, http//nguoilambao.vn.
16.    TS. Nguyễn Thành Lợi (2014), Tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
17.    TS. Nguyễn Bá Sinh (2012),  Tính hấp dẫn của báo Đảng ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, Luận án Tiến sĩ truyền thông đại chúng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội.
18.    Phan Văn Tú (2010), Báo chí trong xu thế hội tụ truyền thông, http://phanvantu.multiply.com
19.    David Brewer (2011), Phương thức sản xuất báo chí hội tụ, website: http://www.daotaobaochi.org.
 
 
Nguyễn Tiến Vụ, Phó Giám đốc Đài PT-TH Bắc Ninh

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại