KỸ NĂNG PHỎNG VẤN CỦA PHÓNG VIÊN PHÁT THANH HIỆN ĐẠI

(BTV)


Phỏng vấn phát thanh là một thể loại báo chí, qua hỏi và trả lời giữa phóng viên và nhân vật trong phạm vi một chủ thể nhất định, đối tượng nghe (tiếp nhận thông tin) có thể nhận biết được thực tiễn cũng như thái độ của nhà báo và nhân vật trước vấn đề mình đang quan tâm. Những dạng phỏng vấn hay sử dụng trong phát thanh bao gồm: dạng phỏng vấn về sự kiện, dạng phỏng vấn về vấn đề, dạng phỏng vấn chân dung. Ngoài ra, còn có một số tác phẩm là sự kết hợp, giao thoa giữa các dạng phỏng vấn kể trên. Thế mạnh của phỏng vấn phát thanh là có khả năng “đời thường” hoá các sự kiện và vấn đề thời sự - chính trị, nhất là những đề tài mang tính nhạy cảm cao trong đời sống Chính trị - Xã hội diễn ra hàng ngày.

Với các thiết bị công nghệ hiện đại như hiện nay, nhà báo có thể thực hiện những cuộc phỏng vấn, toạ đàm phát thẳng, trực tiếp, tức là có thể phản ánh đồng thời với sự kiện đang diễn ra tại hiện trường, vì vậy phạm vi phản ánh của nó rất rộng. Các nhân vật tham gia trả lời phỏng vấn đa dạng, gồm nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau, vì vậy để đạt được hiệu quả cao trong các cuộc phỏng vấn, ngoài bản lĩnh nghề nghiệp, có kiến thức sâu về vấn đề phỏng vấn, các nhà báo cần chuẩn bị kỹ lưỡng các công việc sau:
 
1.Chọn chủ đề phỏng vấn

Chủ đề có ý nghĩa quyết định đến chất lượng và tính hấp dẫn của phỏng vấn phát thanh, chủ đề của phỏng vấn càng rõ, càng hẹp càng dễ làm, dễ được đối tượng tiếp nhận thông tin chấp nhận. Vì trên thực tế, chủ đề rộng thường hay nói chung chung, không rõ ràng, mạch lạc. Chủ đề hẹp mới có điều kiện lật đi lật lại vấn đề, tạo ra “kịch tính” trong một cuộc phỏng vấn. Nếu không có vấn đề mà quyết định làm phỏng vấn thì vô tình nhà báo đã tạo điều kiện cho các nhân vật khoe khoang thành tích của các nhân, tập thể mình đang phụ trách, hoặc nói những điều chung chung đúng với mọi địa phương, mọi hoàn cảnh.

2. Chọn người trả lời phỏng vấn

Nhà báo đi lấy tư liệu tiếng động để minh hoạ cho phóng sự thì việc chọn người không cần khắt khe lắm. Còn muốn thực hiện một phỏng vấn thu thanh hấp dẫn, đồng thời với việc xác định chủ đề, thì việc chọn được “mặt” để gửi “vàng” là yếu tố quyết định đến thành công của cuộc phỏng vấn, nhà báo phải thận trọng, chọn đúng người, đúng việc để thực hiện cuộc phỏng vấn.

Trong quá trình phỏng vấn, phóng viên được ví như người cầm lái con tàu, phải biết điều chỉnh đúng hướng. Muốn làm được như vậy, trước hết phóng viên đó phải biết điều tiết thời lượng chương trình, nếu cần thiết thì đặt câu hỏi phụ để cho rõ ý nếu đối tượng được phỏng vấn trả lời chưa đúng trọng tâm. Độ dài của phỏng vấn thu thanh không nên quá 8 phút, thường thường chỉ dài từ 4-6 phút, trừ trường hợp đặc biệt, tuỳ theo nội dung và chủ đề cuộc phỏng vấn. Đôi khi cũng cần sự khéo léo và dứt khoát để “cắt” ngang câu trả lời của đối tượng được phỏng vấn vì câu trả lời không đúng trọng tâm, hoặc động trạm đến vấn đề nhạy cảm, do hết thời lượng chương trình…

Sự chuẩn bị cẩn thận rất cần thiết để tạo ra một cuộc phỏng vấn hay, nhưng không nên viết thành văn bản để đọc. Bởi nội dung có hay đến mấy mà thể hiện bằng giọng đọc văn bản sẽ gây ra cảm giác “đóng kịch” cho người nghe.


3. Đối tượng tham gia phỏng vấn phát thanh đều nói chứ không đọc

Độ dài của cuộc phỏng vấn càng ngắn càng có nhiều câu hỏi hấp dẫn, người trả lời sẽ đi thẳng vào vấn đề. Mọi sự rào đón, vòng vo đều gây cảm giác khó chịu cho người nghe. Muốn được như vậy, câu hỏi phải ngắn, không nên nêu hết những nội dung rồi “bắt” nhân vật trả lời lại, nhắc lại. Nhiều phỏng vấn thu thanh kém tính thuyết phục là do câu hỏi của phóng viên quá dài, hoặc hỏi theo kiểu đánh đố, theo kiểu “ta” biết quá rõ, hoặc gây ra ức chế cho người được phỏng vấn... đây là vấn đề phóng viên phát thanh cần cân nhắc khi thực hiện các cuộc phỏng vấn.

Trên sóng phát thanh, thái độ của phóng viên thông qua việc dùng từ và ngữ điệu trong việc nêu câu hỏi có vai trò rất quan trọng, hãy luôn giữ khẩu khí khiêm tốn, cầu thị rằng không chỉ nhà báo mà cả dư luận xã hội đang chờ câu trả lời và hy vọng vào câu trả lời của người được phỏng vấn. Câu hỏi mà nhà báo nêu ra chính là câu hỏi của dư luận xã hội đang thúc bách và cần tìm câu trả lời.

Để đạt được thành công trong các cuộc phỏng vấn phát thanh, ngoài việc chọn người được phỏng vấn có trình độ, am hiểu vấn đề, còn đòi hỏi nhà báo phải có nền tảng tri thức, vốn sống, hoạt ngôn, năng động, trí tuệ và kĩ năng nghề nghiệp, sử dụng thành thạo các phương tiện máy móc….đây là những kỹ năng cần thiết trong phỏng vấn phát thanh của các phóng viên trong các chương trình phát thanh hiện đại.
Nguyễn Tiến Vụ, Phó Giám đốc Đài PT-TH tỉnh

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại