Chủ tịch Hồ Chí Minh người thầy nền Báo chí cách mạng Việt nam

(BTV)


Bác Hồ là nhà lãnh tụ lỗi lạc. Người là Nhà thơ lớn, Nhà báo lớn, Nhà văn hóa lớn. Người là Danh nhân Văn hóa thế giới. Bác Hồ đã có 1.524 bài báo được công bố, chưa kể những bài báo do Người viết nhưng không ký tên, các bài đăng ở báo chí nước ngoài mà ta chưa sưu tầm được đầy đủ. Nhưng một số nhà sử học ước tính có khoảng trên dưới 2.000 bài báo. Còn bút danh của Bác mà ta biết được cũng 20 tên khác nhau. Bài báo đầu tiên của Bác là bài đăng trên tờ Nhân Đạo (L’Humanite’) của Đảng Cộng sản Pháp có tiêu đề “Vấn đề người bản xứ” ký tên Nguyễn Ái Quốc xuất bản 2.8. 1919. Bài báo cuối cùng của Bác Hồ là “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng” với bút danh T.L. đăng trên  Báo Nhân Dân ngày 1.6.1969. 

Lịch sử khéo xếp đặt chăng, hay là lòng nhân ái của Bác đã thôi thúc Bác có bài báo đầu tiên bàn về sứ mạng giải phóng ách nô lệ của người bản xứ bị thực dân áp bức, đày đọa. Bài báo cuối cùng quả là đầy ắp “muôn vàn tình thương yêu” của Người khi chính Người nói trong Di chúc “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.

Tại Đại hội II của Hội Nhà báo Việt Nam họp trong các ngày 16 -17.4.1959 tại Câu lạc bộ Đoàn kết ở Hà Nội, Bác nói: “Là một người có duyên nợ với báo chí, Bác nêu vài ý kiến giúp các cô, các chú tham khảo”… Đó là một trong những ngày không thể nào quên của lịch sử Báo chí Cách mạng sống động của nước nhà. Bác căn dặn, “Viết về chính trị phải nắm cho chắc, không khô khan và tránh hai cái tệ: Một là rập khuôn, hai là dùng nhiều chữ nước ngoài. Còn viết về Văn nghệ thường là ba hoa, dây cà dây muống, và hình như viết là để đếm dòng lấy tiền”.

Vào năm 1949, giữa núi ngàn Việt Bắc, lớp học viết báo đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng được mở. Vì bận trăm công nghìn việc, Bác không đến thăm lớp học nhưng Bác thường hỏi han các đồng chí tổ chức lớp học từ nội dung đến cái ăn cái ở, sức khỏe của các học viên báo chí. Ngày mở lớp, Bác gửi thư dặn dò thật tường tận về nhiệm vụ, mục đích, tôn chỉ, đối tượng của tờ báo. Bác chỉ ra bốn việc của Người làm báo: Một là gần gũi quần chúng để viết cho thực, cho hay. Hai là mỗi Nhà báo ít nhất phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của họ. Ba là khi viết xong tự mình đọc lại ba – bốn lần để sửa chữa cẩn thận, tốt hơn nữa là nhờ người khác đọc để lấy ý kiến. Cuối cùng Người dạy nhà báo phải luôn luôn học hỏi để tiến bộ. Ngày bế mạc lớp, Bác Hồ lại có thư dặn dò “Ba tháng nay, các bạn đã học cửu chương, còn muốn học giỏi các phép tính thì phải học nữa, học mãi”...

Mối quan tâm đặc biệt sâu sắc của Bác Hồ giành cho Báo chí nước nhà bao giờ cũng đầy ắp tình thương trong sự nghiêm túc và rất uyên bác. Mỗi nhà báo, mỗi cuộc nói chuyện của Bác bên cạnh nội dung là cốt lõi, là bài học thú vị về mọi phương diện để cho mọi người; Riêng lĩnh vực nghề nghiệp các nhà báo có thể tìm thấy, nhận biết bao điều bổ ích thiết thực.

Năm 1948, khi Bác đang cùng Đảng, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giữa gió ngàn Việt Bắc Bác vẫn gửi thư cho một số tờ báo nước ngoài đã gửi báo biếu Bác, trong đó có tờ Bạn chiến đấu xuất bản bằng tiếng Đức. Thư viết, “Bạn chiến đấu  là tờ Báo dành cho những người lính lê dương, những chàng trai vui tính nhưng cũng dễ cáu kỉnh, dễ xúc cảm chứ không phải là những người làm chính trị sâu sắc. Bởi vậy cần làm cho họ cảm động, thoái mái, làm cho họ cười và khóc để lôi cuốn họ về phía chúng ta”. Còn thư gửi Báo Vệ Quốc Quân (1948) Bác viết, “Mỗi chiến sĩ Vệ quốc quân phải là người thân thiết của báo Vệ quốc quân, vì vậy phải giúp cho báo này phát triển”. Cùng thời điểm Bác gửi cho tờ Bạn Dân của Công an Liên khu 12 (Việt Bắc): “Cần rút bớt số trang, cần làm ngắn lại và viết những vấn đề cần thiết thực, mọi người đọc có thể hiểu được, làm được. Trên tờ báo cần làm thường xuyên cho anh chị em Công an nhận rõ Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân phục vụ và dựa vào nhân dân để làm việc”.

Ngày 7.12.1962, Hội Nhà báo Việt Nam mở Đại hội lần thứ III, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện. Bốn năm trước (tháng 4 năm 1959) Bác nói với Đại hội II “Là một người có duyên nợ với báo chí”, lần này cũng theo lời Bác, “Bác lấy tư cách là một người có ít nhiều kinh nghiệm về báo chi nêu vài ý kiến sau đây”. . . “Nếu các cô các chú đồng ý thì Bác xung phong phê bình các báo”. Bác dẫn ra một số khuyết điểm của báo chí như viết bài chỉ nói một chiều; đưa tin vội vàng, lộ bí mật, nặng nhất là dùng chữ nước ngoài nhiều… Bác Hồ nhắc lại điều mà Bác vẫn thường nói “Mỗi khi viết một bài báo thì phải tự đặt câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc”...

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày báo 
chí Cách mạng Việt Nam, Ban Biên tập PT - TH Bắc Ninh sưu tầm một số câu nói, phát biểu của Bác, một Danh nhân Văn hóa Thế giới, một người thầy của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Nhắc lại đôi điều Bác Hồ với báo chí chính là để làm đẹp thêm, sáng thêm về Bác Hồ - Người thầy vĩ đại của giới cầm bút nước nhà.
BTV

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại