(BTV) Đó là một trong số những nội dung tại Đề án Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018-2020.
Nông dân xã Cao Đức (Gia Bình) chăm sóc cà rốt trên đất bãi.
Đề án Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018-2020 nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ danh tiếng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh bị lạm dụng hoặc giả mạo các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của tỉnh. Đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh...
Phấn đấu đến năm 2020, Bắc Ninh sẽ xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với 11 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề trên toàn tỉnh. Trong đó, tập trung xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc thù, sản phẩm ẩm thực mang đậm nét văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc bao gồm: cà rốt Gia Bình; gạo nếp Tam Sơn, bánh phu thê Đình Bảng (thị xã Từ Sơn); nếp cái hoa vàng và bánh đa Yên Phụ, bánh tẻ Chờ (Yên Phong); đậu Trà Lâm, nem Bùi, tương Đình Tổ (Thuận Thành). Đồng thời xây dựng chỉ dẫn thương hiệu đối với tỏi An Thịnh (Lương Tài) và nhãn hiệu tập thể cho đồ gỗ mỹ nghệ Bình Cầu, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành xây dựng quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu, xác định phạm vi địa lý bảo hộ của sản phẩm; phân tích các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm và xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm xây dựng cơ sở khoa học, các tài liệu, hồ sơ cần thiết phục vụ việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý...
Ngoài ra, tổ chức quản lý, khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề, nhất là xây dựng các quy trình khai thác, chế biến và bảo quản sản phẩm, xây dựng quy chế sử dụng tem, nhãn, mã số, mã vạch, bao bì sản phẩm nhằm quản lý chặt chẽ việc sử dụng, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Áp dụng các kết quản nghiên cứu khoa học công nghệ mới để quản lý, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu; tổ chức đào tạo, tập huấn về mô hình quản lý, các công cụ quản lý cũng như đẩy mạnh các hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại cho một số sản phẩm nông nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Mai Quế