(BTV) Nhắc đến samurai là nói đến những chiến binh kiên cường, không chịu lùi bước, khuất phục trước bất kể tình huống nào, kẻ thù nào của đất nước mặt trời mọc Nhật Bản. Với võ sĩ samurai, danh dự là thứ quý giá nhất. Nếu ai vi phạm tinh thần võ sĩ đạo hoặc thất bại thì hãy tự sát bằng cách dùng dao tự rạch vào bụng mình chứ không chịu sự nhục nhã. Và ngay trên chính mảnh đất văn hiến và giàu truyền thống cách mạng Bắc Ninh - Kinh Bắc tồn tại một người con, một chiến sỹ cách mạng kiên cường với tinh thần võ đạo samurai ấy trong những năm tháng sống trong nhà tù, lao ngục khổ ải của chế độ Mỹ - Ngụy. Ông là cựu tù binh Vũ Văn Kim, sống tại thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành - người đã dùng dao tự rạch vào bụng mình để phản đối chính sách, chế độ của nhà tù Phú Quốc của Mỹ-Ngụy. Hiện ông là Chủ tịch Hội Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Bắc Ninh.
"Huyền thoại samurai" Vũ Văn Kim năm xưa đang lần dở, ôn
lại những kỷ vật những ngày tháng ở trong lao tù Mỹ-Ngụy.
Cựu tù binh Vũ Văn Kim sinh năm 1946 tại thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành. Sinh ra trong gia đình thuần nông và là con một. Năm 1965, sau khi tốt nghiệp Trường cấp 3 Hàn Thuyên, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông làm đơn tình nguyện xin đi nhập ngũ. Ông nhập ngũ ngày 31/5/1965 và được biên chế về đơn vị Xông pháo D95F351 rồi chuyển tiếp về đơn vị D10 Đặc công Bình Định. Gần 8 năm sống và chiến đấu tại nhiều chiến trường như: Playku, Cần Thơ, Phú Quốc, Chí Hòa, Biên Hòa, Côn Đảo, cựu tù binh Vũ Văn Kim đã trải qua rất nhiều những hình thức tra tấn dã man của chế độ Mỹ -Ngụy, khi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết cách nhau gang tấc. Thế nhưng, ở con người chiến sỹ cách mạng ấy vẫn sáng ngời ý chí bất khuất, tinh thần đầu tranh kiên cường của dân tộc Việt Nam.
Hồi tưởng lại quá khứ về những năm tháng sống, chiến đấu tại các chiến trường; điều để lại ấn tượng sâu đậm, những kỷ niệm không bao giờ quên trong ông là năm tháng ông sống, chiến đấu trong các nhà tù lao ngục của Mỹ-Ngụy. Quãng thời gian đó tưởng chừng như ông không thể vượt qua, đã có lúc ông muốn chết cho nhanh. Thế nhưng không thể chết dễ dàng, nhẹ nhàng như vậy được. Cái chết đó là có tội với Đảng, với dân tộc Việt Nam, đặc biệt là có tội với những người đồng đội đã cùng ông đấu tranh chống lại kẻ thù. Vì vậy mà ông phải sống, sống bằng mọi giá đến ngày giành chiến thắng trọn vẹn trở về.

Cựu tù binh Vũ Văn Kim cùng đồng đội ôn lại những
kỷ niệm tại nhà tù trong những ngày tháng 4, tháng 5 lịch sử.
Trải qua quá trình huấn luyện gắt gao của tổ chức, ngày 15/3/1966, ông lên đường đi B. 6 tháng hành quân vượt đường mòn Trường Sơn, ông cùng đồng đội trong đơn vị mới đến được khu vực Nam Trung Bộ - địa bàn được phân công chiến đấu. Trong một lần giáp mặt với quân thù tháng 10/1966, ông bị thương và không may rơi vào tay giặc. Và cũng kể từ đây là quãng thời gian ông sống và đấu tranh với kẻ thù trong các nhà tù, lao ngục với những hình thức tra tấn dã man, tàn bạo của kẻ thù.
Ban đầu, cựu tù binh Vũ Văn Kim bị giam ở trại giam Playku thuộc Quân đoàn 2 rồi chúng chuyển ông ra trại giam ở Cần Thơ thuộc Quân đoàn 4. Do sự tàn bạo, độc ác của chế độ nhà tù, ông bị ốm liệt giường 4 tháng, thậm chí chết lâm sàng nửa ngày rồi lại tỉnh. Sau 5 tháng giam cầm tại trại giam ở Cần Thơ, chúng chuyển ông ra nhà tù Phú Quốc - nơi "địa ngục trần gian" số 1 không chỉ của cựu tù binh Vũ Văn Kim mà nó còn là nỗi ám ảnh khôn nguôi của nhiều chiến sỹ cách mạng của ta khi bị địch bắt, giam cầm. Tại đây, ông cùng đồng đội tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền tự do cho tù binh bất chấp những cuộc đàn áp dã man của kẻ thù. Cuối năm 1970, chính ông đã tham gia, tổ chức vượt ngục thành công bằng thùng rác cho 2 đồng chí, trong đó có đồng chí Nguyễn Xuân Trường, quê ở xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn. Không chỉ vậy, ông còn tham gia, tổ chức vượt ngục bằng cách đào hầm. Tuy nhiên, những lần tham gia đào hầm ông bị địch phát hiện và đưa ông về phân trại. Tại đây, ông cùng đồng đội tiếp tục đào hầm để tìm con đường sống cho những người đồng đội. Sau 5 lần đào hầm đều bị kẻ thù phát hiện. Có những lần đào hầm dài 24 mét nhưng vẫn thất bại. Ông cùng đồng đội đã kiểm điểm và phát hiện có nội gián trong tổ chức tại nhà tù và bị Ngụy kết án tại tòa án quân sự Cần Thơ vì tội cố sát. Trải qua 3 phiên tòa, ông bị kết án tử hình rồi 21 năm và cuối cùng là 7 năm cấm cố lưu đày biệt xứ. Không chấp nhận điều đó, ông cùng đồng đội đã biến phiên tòa thành diễn đàn đấu tranh cách mạng của những chiến sỹ Cộng sản kiên cường.
Đến tháng 5/1972, ông được chúng đưa ra Côn Đảo - nơi địa ngục trần gian thứ 2 của cựu tù binh Vũ Văn Kim. Nhà tù Côn Đảo có lẽ được biết là nơi khiếp sợ, khủng khiếp nhất của chế độ Mỹ - Ngụy đối với các tù binh. Nơi giam cầm mà chỗ ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh tập trung một chỗ rất mất vệ sinh và thiếu thốn. Để phản đối chế độ dã man của Mỹ-Ngụy, một cuộc tuyệt thực xảy ra vào tháng 2/1972 tại chính nhà tù Côn Đảo. Và cựu tù binh Vũ Văn Kim đã đứng lên dùng dao tự mổ bụng mình trước mắt kẻ thù. Hành động đó của ông được ví như 1 võ sĩ đạo samurai trong nhà tù cách mạng. Sau việc làm đó của ông, Mỹ-Ngụy phải nhượng bộ và tiến hành trao trả tù binh trên khắp phòng giam của nhà tù Côn Đảo.
Ngày 31/5/1975, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông trở về quê hương sau ngót 10 năm xa cách tiếp tục sự nghiệp đèn sách. Cũng kể từ ngày trở về đó, ông tiếp tục cống hiến, công tác và giữ chức vụ phó phòng công nghiệp huyện Thuận Thành cho tới lúc nghỉ hưu.

Người anh hùng Vũ Văn Kim (thứ nhất từ phải sang) cùng đồng đội giao lưu,
chia sẻ với thế hệ trẻ nhân kỷ niệm 45 năm ngày chiến thắng trở về
của Hội Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Bắc Ninh.
Hồi tưởng lại quãng thời gian sau 7 năm 6 tháng sống trong lao tù của đế quốc, đối diện với nhiều cảnh tra tấn dã man, độc ác, thừa sống thiếu chết như: Tra điện, quất roi cá đuối, giam chuồng cọp, đứng xà phòng... đã có lúc người chiến sỹ cách mạng ấy nghĩ tới cái chết cho nhẹ nhàng. Thế nhưng, chết như thế là vô nghĩa, là có tội với Tổ quốc, với đồng đội với cách mạng Việt Nam và vì vậy ông quyết phải sống, sống bằng mọi giá, sống đến ngày trở về.
45 năm sau ngày chiến thắng trở về của cựu tù binh Vũ Văn Kim nói riêng và những chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Bắc Ninh nói chung, giờ đây, sống trong những ngày tháng 4, tháng 5 lịch sử, những ký ức, kỷ niệm về một thời gian khổ lại ùa về trong tâm trí mỗi người. Để khi gặp lại, đó là những câu chuyện ôn lại quá khứ hào hùng, bản anh hùng ca tráng lệ của những người lính đã vào sinh ra tử trong chiến trường, trong giờ phút đối mặt với kẻ thù. Họ là anh hùng "bất tử", "tượng đài sừng sững giữa phong ba", họ còn sống để trở về quê hương sau cuộc chiến đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và giành độc lập cho dân tộc. Hơn ai hết, trong mỗi tâm hồn những người chiến sỹ Cộng sản ấy hiên ngang với cuộc đời về tất cả những gì họ đã sống, cống hiến cho Tổ quốc. Sống trong đất nước hòa bình, độc lập hiện nay, ở họ đều nêu gương cho lớp lớp thế hệ con cháu về truyền thống vẻ vang, anh hùng bất khuất của thế hệ cha ông đi trước.
"Huyền thoại samurai" Vũ Văn Kim được đồng đội gọi ông với lòng kính trọng và kẻ thù khiếp sợ khi nhắc tới ông từ ngày đó. Cho đến hôm nay, tinh thần chiến binh bất bại đó, ngọn lửa cách mạng ấy còn vẹn nguyên trong ông để truyền cho thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương văn minh, hiện đại và giàu truyền thống.
Mai Quế