(BTV) Sáng 10/5, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) thi cấp tỉnh, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai các kỳ thi tỉnh Bắc Ninh năm 2018, trọng tâm là Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các trường: Đại học Thương mại, Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, Sỹ quan Chính trị, Học viện Ngân hàng cơ sở Bắc Ninh và Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh - các đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao phối hợp với tỉnh tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia và các thành viên BCĐ thi của tỉnh.

Năm 2018, Kỳ thi THPT Quốc gia cơ bản vẫn giữ ổn định về phương thức tổ chức thi như năm 2017, đây sẽ cơ sở để xét vào các trường Đại học, Cao đẳng. Kỳ thi tổ chức theo hình thức cụm thi, do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với các đơn vị trường được Bộ GD&ĐT phân công tổ chức Kỳ thi. Điểm mới Kỳ thi năm nay, ngoài việc mở rộng kiến thức đến lớp 11, chiếm 20% lượng kiến thức bài thi, đối với những thí sinh đăng ký dự thi 2 bài thi tổ hợp sẽ buộc phải thi cả 2 tổ hợp. Nếu bỏ 1 tổ hợp sẽ không được xét kết quả tốt nghiệp.
Năm 2018, toàn tỉnh có 14.867 thí sinh đăng ký dự thi, tăng hơn 1.000 thí sinh so với năm 2017, trong đó có 443 thí sinh tự do. Tỉnh Bắc Ninh là 1 cụm thi với 32 điểm thi, 639 phòng thi, tăng 51 phòng so với năm 2017, tổ chức tại các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố. Tổng số cán bộ làm thi 2.050 người. Trong đó, Sở GD&ĐT là cơ quan thường trực BCĐ; Trường Đại học Thương mại, Đại học Thể dục thể thao, Trường Sỹ quan Chính trị, Học viện Ngân hàng – Phân viện Bắc Ninh và Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh phối hợp với cơ quan thường trực tổ chức Kỳ thi.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các trường Đại học, Cao đẳng - các đơn vị phối hợp tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia tại tỉnh Bắc Ninh cũng lưu ý, đề xuất với BCĐ thi của tỉnh, Sở GD&ĐT các giải pháp nhằm tăng cường công tác phối hợp tổ chức coi thi, chấm thi, tập huấn cán bộ làm thi để Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 sẽ diễn ra trong 3 ngày (25,26,27/6). Mỗi học sinh tham dự Kỳ thi sẽ phải thi 5 môn, trong đó có 3 môn độc lập là: Văn, Toán, Ngoại ngữ và 2 môn thi thành phần của bài thi tổ hợp là: Tổ hợp Khoa học tự nhiên (gồm Lý, Hóa, Sinh) và Tổ hợp Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trong đó, ngoài môn Văn thi theo hình thức tự luận, thì các môn còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm. Đến thời điểm này, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện tốt công tác phối hợp với các đơn vị nhà trường do Bộ GD&ĐT chỉ định, thực hiện các bước chuẩn bị các điều kiện theo lộ trình, kế hoạch, từ chủ động công tác ôn tập cho học sinh, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, đến đội ngũ cán bộ, giám thị coi thi.
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong, Trưởng BCĐ thi tỉnh cho rằng: Kỳ thi THPT Quốc gia là kỳ thi quan trọng, do vậy, việc làm tốt công tác chuẩn bị sẽ góp phần tạo sự thành công của Kỳ thi. Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ thi của tỉnh đề nghị: Sở GD&ĐT tiếp tục tổ chức ôn tập, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh, làm tốt công tác sao in đề thi; chủ trì phối hợp với UBND thành phố Bắc Ninh, các huyện, thị xã, các trường Đại học, Cao đẳng tiếp tục rà soát công tác chuẩn bị, đảm bảo các điều kiện tốt nhất tổ chức Kỳ thi, từ cơ sở vật chất, đến công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ coi thi. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ thi của tỉnh cũng giao các thành viên BCĐ thi của tỉnh, tùy theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với đơn vị liên quan, cơ quan thường trực đảm bảo các điều kiện cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc: Từ công tác an ninh trật tự, ATGT, đảm bảo nguồn điện, vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác tuyên truyền.
H.Tâm – Đ.Minh