Quốc hội thảo luận Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt

(BTV) Sáng 23/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) đối với ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

 

Theo báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định: Trên cơ sở quán triệt quan điểm, mục tiêu xây dựng Luật theo các kết luận của Bộ Chính trị, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Kỳ họp thứ 4, Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, ý kiến của các Đoàn ĐBQH và các cơ quan, địa phương có liên quan, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung về quy hoạch, các cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, các nội dung về phân cấp, phân quyền cho chính quyền đơn vị HCKTĐB, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương cấp tỉnh cùng nhiều nội dung khác nhằm đáp ứng yêu cầu tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho các đơn vị HCKTĐB. Về văn phòng giúp việc HĐND, UBND đặc khu, đa số ý kiến tán thành tổ chức một văn phòng giúp việc chung. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị tổ chức Văn phòng giúp việc HĐND tách bạch với Văn phòng giúp việc UBND nhằm phù hợp với đặc thù về tổ chức và hoạt động của HĐND đặc khu. Một số đại biểu đồng tình với quy định nêu trong dự thảo là Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh không quá 70 năm. Tuy nhiên, về trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định thì vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.
    
Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch và Luật Trồng trọt. 
Thanh Tùng

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại