Hội thảo giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình “Làng 3 sạch”

(BTV) Sáng 09/8, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình “Làng 3 sạch”, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Dự Hội thảo có các đồng chí: Đào Hồng Lan, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hữu Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh.


Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các tiêu chí của chương trình gắn với đẩy mạnh phong trào“Phụ nữ Bắc Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”, triển khai Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và đạt nhiều kết quả tích cực. Sau hơn 1 năm thực hiện, mô hình “Làng 3 sạch” do Hội Phụ nữ Bắc Ninh phát động đã tạo thành phong trào, có sức lan tỏa sâu rộng đến các địa bàn dân cư trong toàn tỉnh, thu hút sự tham gia vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và không chỉ giới hạn ở chị em phụ nữ. Từ mô hình điểm, các huyện/thị xã/thành phố, phong trào đã được nhân rộng tới các xã trong tỉnh. Đến hết tháng 6/2018, toàn tỉnh đã có 87 “Làng/khu phố 3 sạch” với hơn 100 nghìn hộ tham gia, vượt 79 làng so với chỉ tiêu; trồng 137.043 m đường hoa phụ nữ và 12.500 cây xanh tại 106 xã/phường/thị trấn, vượt 91 xã so với chỉ tiêu. Kết quả này một lần nữa khẳng định sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo của các cấp Hội Phụ nữ trong triển khai xây dựng và thực hiện mô hình, tạo dấu ấn, bản sắc riêng của chị em phụ nữ và là sự đóng góp thiết thực, phù hợp của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tại Hội thảo, Ban Tổ chức nhận được 30 bài tham luận, trong đó, 8 ý kiến phát biểu trực tiếp thảo luận các vấn đề liên quan đến công tác xây dựng nông thôn mới, làm rõ hơn vai trò của tổ chức Hội trong thực hiện xây dựng nông thôn mới thông qua các tiêu chí cụ thể, mô hình cụ thể, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của các ngành, các địa phương thực hiện có hiệu quả mô hình Làng 3 sạch, Đường hoa phụ nữ, từ đó, đưa ra những giải pháp cụ thể, những kiến nghị, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các ngành chức năng nhằm tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai mô hình “Làng 3 sạch” góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trong giai đoạn tiếp theo.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lan ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh, sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp và các ban, ngành, đoàn thể liên quan, góp phần tích cực vào kết quả thực hiện các mô hình, phong trào phụ nữ nói riêng và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh nói chung trong thời gian qua. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của mô hình và đưa các phong trào của Hội đi vào chiều sâu, Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục phát huy kết quả đạt được, duy trì và nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh đảm bảo tính bền vững, lâu dài. Trong đó, gắn tiêu chí 3 sạch với tiêu chí 17 trong bộ tiêu chí nông thôn mới về môi trường với nhiều hoạt động cụ thể, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống của người dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thu hút sự tham gia, hưởng ứng tích cực của đông đảo hội viên và các tầng lớp nhân dân, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể từ những việc làm nhỏ nhất, từng bước thay đổi hành vi, nhận thức, hình thành phong cách sống, phong cách tư duy văn hóa, văn minh. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cần bám sát chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát huy vai trò của mình để triển khai các cách làm mới, cách làm sáng tạo, đồng thời tăng cường bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp với cấp ủy Đảng để xem xét, giải quyết trong thời gian sớm nhất. Tăng cường vai trò giám sát, phản biện trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Với các cấp Hội, cần phát huy tính sáng tạo, trong quá trình triển khai có thể vận dụng linh hoạt, phù hợp với đặc thù của địa phương để nâng cao hiệu quả hoạt động và thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên và nhân dân. Với các sở, ngành, địa phương, cần tăng cường công tác phối hợp, quan tâm, hỗ trợ một phần kinh phí, cơ sở vật chất cho các hoạt động của phụ nữ, xem xét chế độ, chính sách cho chị em làm công tác thu gom rác thải, tạo điều kiện, động lực để các mô hình, phong trào thực sự có chất lượng, hiệu quả, bền vững.
Thu Hằng – Lê Khải

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại