(BTV) Ngày 30/8, đồng chí Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cùng các thành viên trong đoàn đã có buổi làm việc với Tập đoàn Sam Sung, Khu công nghiệp Yên Phong và Công ty Cổ phần Tiến Thành, Khu công nghiệp Quế Võ. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Hữu Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Hằng, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.
.jpg)
Tập đoàn Sam sung đầu tư tại Bắc Ninh đến nay đã được 10 năm, đây là nhà máy lớn nhất toàn cầu của Tập đoàn Sam sung. Đến nay, Sam sung đã đầu tư 13 tỷ USD vào 6 dự án ở 3 tỉnh, thành phố của Việt Nam là Bắc Ninh, Thái Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2017, giá trị sản xuất của Tập đoàn Sam sung tại Việt Nam là 54,3 tỷ USD, tính đến hết tháng 7/2018, giá trị sản xuất của Sam sung tại Việt Nam là 32 tỷ USD. Các sản phẩm của Sam sung đã được xuất khẩu sang 128 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện tỷ lệ nội địa hóa của Sam sung là 58%, Tập đoàn Sam sung có 120 công ty sản xuất phụ trợ, trong đó có 35 doanh nghiệp của Việt Nam. Tập đoàn Sam sung đang giải quyết việc làm cho 150 nghìn lao động, riêng số lao động tại Sam sung Bắc Ninh là trên 40 nghìn người. Thu nhập bình quân của người lao động 5,7 triệu đồng/tháng và của cán bộ quản lý là trên 11 triệu đồng/tháng. Cùng với phát triển sản xuất, Tập đoàn Sam sung còn đặc biệt quan tâm tới đời sống người lao động như các hoạt động thể dục thể thao, nhu cầu vui chơi giải trí ngoài giờ làm việc, nhằm tăng cường sự gắn kết giữa người lao động với công ty.
Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh và các thành viên trong đoàn đã đưa ra nhiều câu hỏi về tỷ lệ nội địa hóa của Sam sung, chiến lược đào tạo chuyên gia cao cấp của Tập đoàn là người Việt Nam, việc sử dụng lao động cao tuổi sẽ được thực hiện ra sao ?
Các câu hỏi đều được lãnh đạo Tập đoàn Sam sung giải đáp đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam cũng như lộ trình phát triển của Sam sung tại Việt Nam trong những năm tới. Để đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp toàn cầu, lãnh đạo Tập đoàn Sam sung cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính khuyến khích ưu đãi đầu tư, có như vậy mới tạo được hành lang thông thoáng thu hút các tập đoàn lớn đầu tư tại Việt Nam.
Việc thu thập thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ của Việt Nam sẽ góp phần giúp đoàn thẩm tra của Quốc hội có được cái nhìn chính xác để đưa ra chiến lược phát triển cho những năm tới. Mặt khác, giúp Chính phủ đưa ra được chiến lược thu hút đầu tư đối với các tập đoàn toàn cầu, để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Anh Nguyên- Quốc Hưng