Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội

(BTV) Tiếp tục kỳ họp thứ 6, sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội hằng năm và giữa kỳ 2016-2020. Đa số các đại biểu phấn khởi trước thành công lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và bước phát triển ngoạn mục của đất nước, đồng thời cũng nêu rõ các tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới... Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

 

Đánh giá cao sự chỉ đạo điều hành của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong phát triển kinh tế -xã hội của đất nước thời gian qua, các đại biểu cho rằng kết quả tăng trưởng GDP từ đầu năm đến nay rất ấn tượng; tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực, hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra với nhiều điểm nhấn quan trọng như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng GDP ước cả năm đạt 6,7%, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn kiểm soát; thu ngân sách vượt dự toán, hỗ trợ cho chi đầu tư phát triển, thực hiện an sinh xã hội

Bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ, Quốc hội, ông Nguyễn Như So (Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) quan tâm đến thu hút vốn đầu tư FDI hiệu quả. Theo đại biểu Nguyễn NHư So, hiện nước ta nằm trong top 12 quốc gia đứng đầu về thu hút FDI, đóng góp cho nền kinh tế vĩ mô, nhưng thực chất còn khiêm tốn, chưa chuyển giao công nghệ và chưa có mối liên kết với các công ty trong nước. Đóng góp của FDI vào ngân sách chưa tương xứng với việc hưởng mức ưu đãi cao mà họ được hưởng, gây ra mất bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước. Để thu hút FDI hiệu quả, thời gian tới cần cải tổ thu hút nguồn vốn FDI chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung thu hút dự án chất lượng cao, các tập đoàn kinh tế lớn, có năng lực nội địa hóa cao mang lại giá trị hiệu quả hàng đầu. 

Khẳng định thời gian qua, Chính phủ có nhiều đột phá trong sắp xếp, tinh giản bộ máy, nhiều địa phương đã kiện toàn, rà soát các cơ quan có chức năng tương đồng, tránh chồng chéo. Tuy nhiên, theo các đại biểu bộ máy vẫn cồng kềnh, chưa tinh giản được những cán bộ có trình độ, đạo đức công vụ yếu kém, tỷ lệ ngân sách cho trả lương còn lớn… Một số đại biểu đề nghị nghiên cứu, xem xét điều chỉnh địa giới các địa phương để góp phần tinh giản bộ máy, biên chế. Cũng trong sáng nay, nhiều đại biểu cũng tập trung phân tích và nêu các vấn đề chất vấn các thành viên Chính phủ về những tồn tại trong  các lĩnh vực  giáo dục, giao thông, quy hoạch, xây dựng./.
                        Thanh Tùng

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại