Quốc hội thảo luận Luật Giáo dục (Sửa đổi)

(BTV) Tiếp tục kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, sáng 15/11, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Sách giáo khoa, đổi mới thi cử, nâng chuẩn giáo viên...là các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.


Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có 10 Chương, 121 Điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 75 Điều (tăng 01 Chương, 01 mục và 07 Điều so với Luật Giáo dục hiện hành; tăng 01 Chương và sửa đổi, bổ sung 39 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5). Một số chính sách mới trong dự thảo Luật này gồm: Nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên Mầm non từ Trung cấp sư phạm lên Cao đẳng sư phạm; không thu học phí đối với trẻ em Mầm non 5 tuổi, học sinh Trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập; cùng với đó là các quy định về các loại hình cơ sở giáo dục; về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; về chính sách tín dụng sư phạm; về chính sách cử tuyển; về phổ cập giáo dục; về chính sách tiền lương đối với nhà giáo; thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục; thi tốt nghiệp trung học phổ thông và cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông…

Về chuẩn giáo viên Trung học cơ sở “có bằng tốt nghiệp Đại học Sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp Đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên Trung học cơ sở” vẫn còn 1 số đại biểu băn khoăn. Bởi, một người chọn học ngành sư phạm phần lớn đều có tình cảm và khả năng trong ngành nghề này, được đào tạo kiến thức chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản trong nhiều năm. Trong khi đó, một người tốt nghiệp Đại học ngành khác và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong vòng 3 tháng liệu có nắm bắt và hình thành kỹ năng nghiệp vụ sư phạm hay không? Cấp trung học cơ sở là đối tượng căn bản, học sinh cấp này có sự phát triển mạnh mẽ về tâm sinh lý rất phức tạp, giáo viên ngoài kiến thức chuyên môn cần có tác phong và nghiệp vụ sư phạm được đào tạo bài bản. “Nếu chính sách này được triển khai sẽ dẫn tới ngành sư phạm không những không tuyển được người giỏi vào ngành sư phạm mà có thể nảy sinh tiêu cực trong tuyển dụng vào ngành sư phạm. Do đó, Ban Soạn thảo cần cân nhắc quy định này”

Về chương trình sách giáo khoa, nhiều đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể vào dự thảo Luật dung lượng nội dung địa phương biên soạn; đồng tình quy định mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa, nhưng đề nghị nghiên cứu cụ thể quy định về tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, quy trình thẩm định…

Đề cập đến vấn đề được cử tri và dư luận quan tâm đó là vấn đề học phí, nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng, nếu không được quy định cụ thể trong dự thảo Luật sẽ không giải quyết được những tồn tại như đã xảy ra thời gian vừa qua.

Đồng tình với việc nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên Mầm non từ Trung cấp sư phạm lên Cao đẳng sư phạm, tuy nhiên, cần có quy định xây dựng lộ trình hợp lý để giáo viên yên tâm công tác trên cơ sở bố trí, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng chuẩn hàng năm phù hợp với yêu cầu giảng dạy tránh tình trạng thiếu giáo viên cục bộ.

Dự kiến, dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ được thông qua tại kỳ họp sau của Quốc hội.
T.Tùng

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại