(BTV) Nghề giáo – một trong những nghề cao quý được cả xã hội trân quý suốt bao đời, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong không khí những ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam 20/11, thế hệ học trò cả nước nói chung và học sinh Bắc Ninh nói riêng đều nhớ tới những người thầy, người cô đã từng dạy dỗ, chỉ bảo mình trên con đường học vấn. Để hiểu rõ hơn về công việc, sứ mệnh của nghề giáo -“người lái đò” dìu dắt biết bao thế hệ học trò đến với đỉnh cao của bến bờ tri thức, cùng theo chân hành trình truyền cảm hứng của Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn – người cha đẻ của phong trào “Nghìn việc tốt” nở rộ và lan rộng khắp cả nước từ 50 năm trước tại Trường THCS Tiền An, thành phố Bắc Ninh.
NGND, AHLĐ Nguyễn Đức Thìn chụp ảnh lưu niệm với những đội viên
ưu tú Trường THCS Tiền An, thành phố Bắc Ninh.
Ngày 20/11 hàng năm, từ lâu đã trở thành ngày “tôn sư trọng đạo” của mỗi thế hệ học sinh Việt Nam. Là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, để mỗi ngành, mỗi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân tới những người đã đóng góp công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Trong không khí những ngày kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, học sinh cả nước đều hân hoan, náo nức, chuẩn bị những bó hoa tươi thắm, những món quà ý nghĩa là những thành tích học tập, công việc để về báo cáo thầy cô. Đó là niềm động viên, niềm vui của mỗi người thầy, người cô trên hành trình đưa mỗi thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.
Tại buổi nói chuyện chuyên đề: Truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam tại Trường THCS Tiền An, thành phố Bắc Ninh phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Buổi nói chuyện có sự góp mặt của Nhà giáo Nhân dân (NGND), Anh hùng Lao động (AHLĐ) Nguyễn Đức Thìn – một người thầy mẫu mực, tấm gương kiên cường vượt lên hoàn cảnh, người cha đẻ của phong trào “Nghìn việc tốt” nở rộ và lan toả trên cả nước trong mỗi nhà trường. Cũng tại đây, thầy đã kể về những chặng đường, hành trình truyền cảm hứng của chính bản thân thầy trên con đường làm nghề giáo của mình tới các em học sinh Trường THCS Tiền An cùng các thầy, cô và phụ huynh, học sinh của nhà trường.
Xuất phát điểm của NGND, AHLĐ Nguyễn Đức Thìn giữ chức vụ Tổng phụ trách Đội thiếu niên tiền phong tại Trường cấp 2 Tam Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh), thầy luôn đau đáu một mong muốn: “Làm phụ trách Đội thì cũng phải hướng đội viên đến điều gì đó có ích. Thế là mình hướng các em thi đua “Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự”. Cũng từ đây, phong trào “Nghìn việc tốt” chính thức được phát động và lan tỏa khắp các trường học trên địa bàn huyện, tỉnh rồi lan rộng trên khắp cả nước. Qua đó, xuất hiện nhiều bông hoa đội viên ưu tú làm việc tốt, nói lời hay và thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy được thầy nêu gương. Đó là những học trò xuất sắc của quê hương Bắc Ninh, những gương sáng bục giảng để cho mỗi thế hệ noi gương và làm theo.
Thêm vào đó, truyền thống hiếu học của nhà Lý trên quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc nổi danh với nhiều tấm gương như: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ… được thầy giới thiệu tới học sinh nhằm giáo dục truyền thống hiếu học của quê hương, gia đình và dòng họ. Trong buổi nói chuyện, thầy cũng không quên làm rõ và giải thích ý nghĩa, cách hiểu đầy đủ về truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam từ khởi nguồn đến hiện tại.
Với quãng thời gian hơn 60 năm giữ vai trò người thầy, NGND, AHLĐ Nguyễn Đức Thìn luôn giáo dục học trò học tập, rèn luyện và noi gương các bậc tiền bối, tiền nhân như: Thầy giáo Chu Văn An, vị Vua Lý Nhân Tông, Lý Thánh Tông… về phong cách sống, cách làm người…
Buổi nói chuyện chuyên đề về truyền thống tôn sư trọng đạo đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, bài học thiết thực trong mỗi học sinh của nhà trường. Đó là những tấm gương sáng, thiết thực để các em cố gắng, nỗ lực trên con đường chinh phục đỉnh cao tri thức. Phấn đấu trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước, của quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc trên chặng đường xây dựng và phát triển quê hương giàu đẹp, văn minh và đậm bản sắc.

Buổi nói chuyện chuyên đề có sự tham gia của
học sinh, thầy cô và phụ huynh nhà trường.
Không chỉ tạo ấn tượng, ý nghĩa thiết thực với học sinh, mà bản thân mỗi thầy cô giáo, phụ huynh học sinh đều đã từng là những học trò ngồi trên giảng đường đều cảm thấy thấm thía qua mỗi lời kể của thầy. Để từ đó rút ra những bài học cho bản thân và rèn luyện cho các thế hệ học trò.
Với sứ mệnh, thiên chức cao quý mà nghề giáo đã trao, những mong rằng, mỗi thầy, cô giáo hãy là những người không chỉ truyền đạt kiến thức cho học sinh mà còn chỉ bảo kỹ năng sống, đạo làm người để các em hoàn thiện bản thân, vươn lên và bắt kịp thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay. Những thành tích, đóng góp của các thầy cô giáo trong thời gian qua phần nào nói lên tâm huyết, nỗ lực trong sự nghiệp trồng người và phong trào thi đua yêu nước của ngành Giáo dục và đào tạo Bắc Ninh.
Mai Quế