(BTV) Đồng chí Ngô Gia Tự - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh. Để tưởng nhớ công lao, đóng góp của đồng chí, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự 3/12/1908 -3/12/2018, Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày tư liệu về hiện vật, hình ảnh cũng như sách báo về thân thế và sự nghiệp cách mạng đồng chí Ngô Gia Tự.
NGND, AHLĐ Nguyễn Đức Thìn – người truyền cảm hứng về truyền thống quê hương cách mạng Tam Sơn,
về người chiến sỹ cộng sản kiên trung Ngô Gia Tự tới các thế hệ học trò.
Ngô Gia Tự sinh ngày 3/12/1908 tại làng Tam Sơn, tổng Tam Sơn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn) trong một gia đình nông dân. Thân phụ của Ngô Gia Tự là ông Ngô Gia Du (nhân dân thường gọi là cụ Đồ Du), cụ mở lớp dạy học tại quê và tích cực hoạt động trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Thân mẫu của Ngô Gia Tự là bà Nguyễn Thị Bảy, tính tình hiền dịu, nhân hậu, cần mẫn, siêng năng. Kế thừa truyền thống của gia đình và quê hương, lại vốn thông minh, chăm chỉ, Ngô Gia Tự đã trở thành học sinh giỏi ngay từ bậc sơ học. Năm 1922, sau khi tốt nghiệp bậc Tiểu học Trường Kiêm Bị, Bắc Ninh, đồng chí vào học tại Trường Bưởi, Hà Nội. Tại đây Ngô Gia Tự đã được đọc báo “Người cùng khổ”, tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.
Cuối năm 1925 đầu năm 1926, sau khi tham gia phong trào đấu tranh của cả nước đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Bội Châu và để tang Phan Chu Trinh, Ngô Gia Tự rời Trường Bưởi vào mùa hè năm 1926. Trở về quê, ông vừa lao động, vừa tự học và tham gia hoạt động cách mạng. Cuối năm 1926, Ngô Gia Tự được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đến năm 1928, ông được bầu là Bí thư Tỉnh bộ và Ủy viên Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ. Tháng 5/1929, ông lãnh đạo một cuộc bãi công lớn của công nhân hãng AVIA (hãng sửa chữa ô tô lớn nhất Đông Dương) thành công và có ý nghĩa trong lịch sử Đảng cũng như lịch sử phong trào công nhân Việt Nam. Ông là một trong những người tham gia sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng năm 1929. Cuối năm 1930, ông bị bắt tại Sài Gòn, bị tòa đại hình kết án tù chung thân vào 2/5/1933 và đày ra Côn Đảo. Cuối tháng 1/1935, trong một cuộc vượt ngục, ông và các đồng chí đã mất tích giữa biển và mãi mãi không trở về. Ngô Gia Tự một tấm gương, một hình mẫu và tài năng, khí phách của một người cách mạng yêu nước, yêu dân tộc, kiên cường, bất khuất, một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc của cách mạng Việt Nam. Ngô Gia Tự là người có công đầu trong việc sáng lập và thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên- tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Ngô Gia Tự (3/12/1908 -3/12/2013), Bảo tàng tỉnh khai trương phòng trưng bày chuyên đề “Ngô Gia Tự - Người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc” giới thiệu tới công chúng với hơn 200 hiện vật, hình ảnh cũng như sách báo nói về thân thế, sự nghiệp của đồng chí. Phòng trưng bày được bố cục thành 3 chủ đề chính: Phần 1 là khởi nguồn chí hướng giới thiệu bối cảnh lịch sử cùng truyền thống của quê hương, gia đình, trường học đã hình thành lý tưởng cách mạng của đồng chí Ngô Gia Tự. Phần 2 là những mốc son trong sự nghiệp hoạt động cách mạng và những đóng góp, cống hiến to lớn của đồng chí Ngô Gia Tự với phong trào vô sản hóa và phong trào Cách mạng. Phần 3- Sáng mãi ngọn đèn Ngô Gia Tự giới thiệu những phong trào học tập, noi gương của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Tiêu biểu là phong trào “Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự”, “Nghìn việc tốt” với nhiều tấm gương sáng, nhiều dũng sĩ nghìn việc tốt.

Đông đảo người xem tới tham quan, tìm hiểu kiến thức tại Bảo tàng tỉnh.
Sau khai trương, phòng trưng bày đã và đang đón nhận rất nhiều du khách đến tham quan và tìm hiểu. Trong số đó có cả những người thuộc lớp cha ông đi trước và có cả những thế hệ trẻ sinh ra sau chiến tranh, chỉ biết đến đồng chí Ngô Gia Tự qua sách báo và những bài học về lịch sử. Nhưng bên trong con người họ đều có chung một điểm khi đến tham quan và tìm hiểu khu trưng bày là sự kính trọng cũng như lòng biết ơn đến công lao của đồng chí Ngô Gia Tự trong hoạt động cách mạng của dân tộc.
Phòng trưng bày đã giúp người xem hiểu rõ hơn về thân thế, sự nghiệp của đồng chí Ngô Gia Tự thông qua những hình ảnh và tư liệu về quê hương Tam Sơn - nơi đồng chí sinh ra và lớn lên, gia đình, nơi học tập và công tác của đồng chí. Trưng bày chuyên đề đã mang đến những tư liệu, hiện vật, hình ảnh quý giá trong hoạt động cách mạng cũng như thời gian bị kết án tù đày của đồng chí Ngô Gia Tự. Thông qua những tư liệu như vậy, phòng trưng bày đã giúp những người con sinh ra trên quê hương Bắc Ninh hôm nay, ôn lại những cống hiến to lớn của người cộng sản trẻ tuổi Ngô Gia Tự đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, người là tấm gương sáng về lòng trung thành vô hạn với Đảng, với nhân dân; luôn đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Những cống hiến của đồng chí Ngô Gia Tự là tiền đề quan trọng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước sau này. Từ đó, giáo dục truyền thống yêu nước, khơi gợi lòng tự hào dân tộc và nêu cao tinh thần tự học, tự cường của tuổi trẻ Bắc Ninh.
Mai Quế