Người giữ gìn hồn cốt cho tranh dân gian Đông Hồ

(BTV) Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tưởng chừng những nét văn hóa truyền thống mang đậm chất dân gian trong tranh Đông Hồ sẽ dần phai nhạt, thế nhưng, trong vô vàn khó khăn và thử thách, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả cùng gia đình luôn miệt mài khôi phục và làm sống lại nhiều tuyệt tác, tinh xảo của dòng tranh dân gian Đông Hồ. Không chỉ vậy, với trách nhiệm của người con được sinh ra, lớn lên và sống được bằng nghề tranh dân gian Đông Hồ của các cụ truyền lại, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả còn tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ ở trong và ngoài tỉnh về cách thức và những bí quyết làm tranh Đông Hồ – một dòng tranh quý của xứ Kinh Bắc xưa và nay.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả bên bản in.

Đông Hồ xưa còn gọi là làng Mái, 1 ngôi làng cổ nằm khép mình bên dòng sông Đuống hiền hòa thơ mộng. Đã từng nổi tiếng khắp xứ Kinh Bắc xưa kia bởi câu ca:
      Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranh
    
Theo ký ức của người xưa, nghề làm tranh Đông Hồ ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành có từ thế kỷ 16, đến nay đã tồn tại trên 500 năm. Đến nay, chưa có ai nghe nói đến ông tổ làng nghề, mà tất cả những tinh hoa của dòng tranh dân gian này đều được lưu truyền qua bàn tay các nghệ nhân từ đời này sang đời khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Trước năm 1944, dòng tranh này ở thời kỳ phát triển hưng thịnh. Khi đó, cả làng Đông Hồ có 2 nghề chính là nghề vẽ tranh bán Tết và nghề làm vàng mã. Những năm trước Cách mạng Tháng Tám, làng tranh Đông Hồ quanh năm tấp nập, trong làng có tới 17 dòng họ cùng nhau làm tranh, người dân khắp nơi đổ về chợ tranh để mua tranh, rồi lại đổ đi các ngả bán cho người dân chơi Tết. Không khí trong làng lúc nào cũng nhộn nhịp, rộn ràng, người mua, kẻ bán tấp nập.
    
Những tưởng vẻ đẹp, nét văn hóa dân gian ấy sẽ được gìn giữ và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nhưng không, trước những khó khăn, nhọc nhằn trong cuộc sống, chẳng còn mấy ai tâm huyết được với nghề. Nhiều năm trở lại đây, những trăn trở, suy tư về việc phục hồi, bảo tồn và phát huy dòng tranh ấy đã khiến không ít người lo lắng. May thay, đâu đó vẫn còn bóng dáng của những nghệ nhân ngày đêm tâm huyết với nó. Trong số đó phải kể đến nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả - con trai thứ của cố Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Sam và gia đình.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả sinh năm 1963, là con trai thứ của cố Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Sam. Sinh ra trong gia đình là đời thứ 14 làm tranh Đông Hồ. Tuổi thơ của ông lớn lên trong mùi thơm của hồ làm từ gạo nếp, ngủ ngon trong âm thanh giã nghiền vỏ điệp. Mê tranh từ nhỏ, từ năm lên 7, lên 8 ông Quả đã được gia đình cho tiếp xúc với nghề làm tranh Đông Hồ thông qua các công việc phụ giúp như  tô màu, phơi tranh và thu dọn. 12 tuổi, ông đã quen với cách tô màu tranh, thuộc từng khuôn in các loại để biết tranh nào khuôn ấy, khuôn nào in trước, khuôn nào in sau. Thấy ông yêu nghề, cha mẹ đã chỉ cho ông tô màu tranh từ dễ đến khó, bắt đầu từ màu vàng rồi mới đến các màu khác. Mỗi bức tranh, ông được hướng dẫn với nhiều công đoạn. Cách quét màu phải nhẹ nhàng, đều tay, sao cho màu thấm vào tranh không nhiều quá, không ít quá để bức tranh phẳng như lụa, màu không gồ ghề. Thường một bức tranh phải có 5 màu chủ đạo nên phải có 5 bản khắc, 5 lần in. Màu nhạt in trước, màu đậm in sau. Độ lệch các bản màu càng ít thì chất lượng tranh càng cao. In xong, mới in bản nét cuối cùng với đầy đủ các nét trong tranh (màu đen). Bản nét có nét to đậm, mềm mại bao quanh những mảng màu to bẹt, đồng bộ, tạo thành một đường viền làm bức tranh sắc nét. Khâu cuối cùng gọi là đồ tranh, tức là chấm sửa cho hoàn thiện. Nhanh mắt, nhanh tay lại chịu khó học nên dần dà ông thực hành không mấy khó khăn. 
 
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả giới thiệu tranh với khách hàng. 

Dẫu không ít lúc thị trường khó khăn nhưng nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả và gia đình vẫn tiếp nối nghề của cha ông. Ngoài các bản khắc cổ điển của cha ông, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả trong những năm qua, với tình yêu và sự tâm huyết với nghề tổ đã sáng tạo thêm hàng nghìn bản phục chế và khắc mới. Ngôi nhà 5 gian mộc mạc của cha ông là cố Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Sam nằm lặng lẽ ở góc làng. Từ xưa tới nay, nơi đây đã trở thành điểm trưng bày hàng trăm bản khắc cổ, những bức tranh lung linh sắc màu, như minh chứng cho sức sống mãnh liệt của một dòng tranh truyền thống. Tranh dân gian Đông Hồ với nhiều đề tài phong phú: Hứng dừa, Đàn lợn âm dương, Tiếng sáo mục đồng, Vinh hoa, Tứ bình... Với nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, ông đã sáng tạo thêm chủ đề theo từng thời kỳ như: Quan họ giao duyên, Lý Thái Tổ hạ chiếu dời đô, Tấm áo mẹ vá năm xưa,…

Không chỉ khôi phục dòng tranh ông và gia đình ấp ủ mà trong sâu thẳm tâm hồn của nghệ nhân này vẫn còn đau đáu những nỗi niềm là làm thế nào có thể quảng bá rộng rãi hơn những nét tinh hoa và độc đáo trong nghề làm tranh dân gian của làng Đông Hồ đến với những bạn bè trong cả nước và quốc tế cũng như có thể để lại những điều quý giá nhất mà ông và gia đình đã dày công sưu tầm, gìn giữ cho thế hệ trẻ hôm nay. Đứng trước thách thức lớn của sự tồn vong hay phát triển của một làng nghề từng nức tiếng xứ Kinh Bắc, nhiều năm qua, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả cùng gia đình tổ chức hàng trăm lớp truyền dạy cho hàng nghìn học viên ở khắp mọi nơi trên cả nước yêu mến dòng tranh Đông Hồ. 

Vừa qua, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được đưa vào danh sách di sản lập hồ sơ trình UNESCO để xét tặng danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Đây là tín hiệu vui, như luồng gió mới để du khách bốn phương biết đến và tìm về với những nghệ nhân gần cả cuộc đời gắn bó và gìn giữ những giá trị văn hóa thuần chất hồn Việt. Hy vọng rằng, với những ai đã đến với làng Hồ, từng ngắm tranh Đông Hồ của nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả đều không thể quên những đường nét, sắc màu chân quê, đích thực Việt Nam. Với những chất liệu nghệ thuật độc đáo, qua năng lực sáng tạo tài hoa tranh Đông Hồ đã thăng hoa thành nghệ thuật tạo hình dân tộc.
Mai Quế

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại