(BTV) Theo phong tục thì Tết của người Việt Nam nói chung được tính trong 3 ngày. Và Tết được biểu hiện rõ nét nhất là ba sự gặp gỡ quan trọng: đó là gặp gỡ các thần linh, tổ tiên, ông bà đã khuất và sau cùng là dịp gia đình, người thân sum vầy, đoàn tụ. Do điều kiện địa lý, thói quen trong ăn uống, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc lại có cách bày mâm cỗ Tết khác nhau song nhất thiết mâm cỗ Tết phải được thịnh soạn hơn hẳn những ngày lễ khác trong năm với rất nhiều những món ăn, thức uống đặc trưng hương vị của Tết. “Đói ngày giỗ cha, no 3 ngày Tết”, cha ông ta muốn nói rằng dù giàu nghèo thế nào đi nữa thì nhà nhà vẫn đều phải no đủ trong những ngày đầu năm mới, để hứa hẹn một năm tốt đẹp và thịnh vượng hơn.
Các món ăn truyền thống trong mâm cơm ngày Tết
Ở vùng đồng bằng Bắc bộ, mâm cỗ Tết vẫn thường được đánh giá là bài bản theo những phong tục, tập quán từ xa xưa. Lý giải cho điều này, đa số các ý kiến cho rằng: Có lẽ do ở sát cạnh một nền văn hóa ẩm thực lớn của người Trung Hoa, nên sự khắt khe để giữ truyền thống của mâm cỗ Tết ở miền Bắc là vẫn đảm bảo theo những ý nghĩa văn hóa tâm linh về ngày Tết của năm. Trước đây, để đánh giá về một mâm cỗ to hay nhỏ, ông cha ta vẫn lấy tiêu chí số lượng món ăn bày trên mâm cỗ như thế nào. Thông thường, một mâm cỗ đảm bảo đầy đủ, hài hòa các món ăn được đúc rút gồm có 4 đĩa và 4 bát không kể đĩa xôi và bát nước chấm. Bốn đĩa gồm hai đĩa thịt có thể là gà và heo, một đĩa nem thính, một đĩa giò lụa. Có thể thêm một đĩa giò mỡ (giò thủ hoặc thịt đông). Bốn bát gồm bát có món ninh, bát măng, bát miến, bát mọc. Khi ăn chia làm hai giai đoạn, phần đầu bữa, mọi người thường ăn các món ở đĩa “nhắm” với rượu và xôi. Phần sau mới ăn đến cơm và các món ở bát. Đây là những yêu cầu căn bản của mâm cỗ, tuỳ gia đình có thể có thêm những món như nộm, xào hay trong những ngày Tết, mâm cỗ còn có thêm những món ăn đặc trưng như: Bánh chưng, dưa hành.
Điều đặc biệt hơn trong mâm cỗ ngày Tết đó là, ngoài ăn cơm và các món ăn thì, ngày Tết còn có các loại bánh cổ truyền mà ngày nay có thể xem như là món ăn tráng miệng: Đó là bánh chưng, bánh giầy, bánh tét ... Đây là các loại bánh đặc trưng cho phong tục ăn uống ngày Tết ở Việt Nam. Bánh chưng và bánh giầy dầy còn được gắn với các sự tích cổ của các vua Hùng, tổ tiên của người Việt.
Còn nữa, mứt Tết. Một món ăn khá bình dân song lại rất đặc trưng của Tết. Ăn Tết to hay nhỏ không quan trọng bằng có hộp mứt Tết hay không. Mứt có rất nhiều loại như: Mứt gừng, mứt bí, mứt cà chua, mứt táo, mứt dừa, mứt quất, mứt mít , mứt khoai mứt hạt sen, mứt lạc ....Kẹo bánh thì đa dạng hơn như: Kẹo lạc, kẹo dừa...Ngoài ra, Tết còn có hạt dưa, hạt bí , hạt hướng dương , hạt điều, hạt dẻ rang...Cùng với bánh chưng, dưa hành, mứt Tết là món ăn góp phần làm nên hương vị ngày xuân. Tiếp khách bằng những món mứt cổ truyền đã trở thành phong tục trong mỗi gia đình người Việt Nam. Chẳng thế, những tên gọi: Mứt Tết... đã được ra đời.
Trong cuộc sống hiện nay, những tiêu chí của mâm cỗ ngày Tết cũng không còn nguyên xưa nữa. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, của nền đại công nghiệp, công nghệ cao đã khiến cho nhu cầu ẩm thực của con người thay đổi khác đi rất nhiều. Món ăn nhiều hơn, đa dạng hơn với nhhw gx phương pháp chế biến, sản xuất cũng hiện đại hơn. Chất lượng mâm cỗ thay đổi, số lượng bát, đĩa trên mâm cỗ cũng tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên dù là to hay nhỏ, dù mâm cỗ nhiều hay ít hoặc thực phẩm có được chế biến công nghiệp hiện đại hay đơn giản gần gũi với đời sống thì về cơ bản những món ăn truyền thống mang đặc trưng hương vị của Tết vẫn không thể thiếu trên mâm cỗ Tết của mỗi gia đình người Việt Nam. Đó chính là những giá trị văn hoá tốt đẹp được lưu truyền, gìn giữ và phát huy trong cuộc sống hôm nay.
BTV