Chợ quê – Nét văn hóa của người Việt

(BTV) Mỗi khi tết đến xuân về, nỗi nhớ quê hương lại đong đầy trong những người con xa xứ. Tuổi thơ bên lũy tre làng, được cùng bà, cùng mẹ đi chợ quê sắm tết cứ dào dạt dồn về. Dù cho chợ quê xưa cũng chỉ đơn xơ là những quán lá lụp xụp, gói xôi, gói bánh, củ khoai, khúc sắn, không tiện lợi, phong phú hàng hóa như các trung tâm thương mại nhưng đó lại chính là nét văn hóa độc đáo, hồn cốt của làng quê Việt Nam.


 
Khi hương xuân đang lan tỏa khắp đất trời thì những phiên chợ tết ở các làng quê lại từng bừng náo nhiệt.  Ngay từ sáng sớm, những người bán hàng đã đến chợ để bầy biện hàng hóa. Ngoài những mặt hàng ngày thường, đi chợ vào những ngày giáp Tết, có thể thấy đâu đâu cũng bày bán lá rong, lạt, cây quất, cành đào... 
  

Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Đào Duy Anh từng nói: “ Văn hoá tức là sinh hoạt”. sinh hoạt ở các phiên chợ tết, kẻ bán, người mua, phiên chợ này đơn giản chỉ là nơi trao đổi sản vật quê cho người quê từ mớ rau, con cá, con lợn con gà cho đến vật dụng nông nghiệp như: thúng mủng dần sàng và các món ăn dân dã của làng quê. Bởi vốn dĩ phiên chợ quê ở các làng quê Việt Nam xưa vốn là điển hình của phương thức sinh hoạt tự cung tự túc của người dân nơi đây. 
 

Đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia về chợ quê cho rằng: Không phải cứ tranh, tre, nứa, lá...sẽ là quê. Cũng không phải cứ lều tranh mái xiêu là những phiên chợ nghèo. Chợ quê đặc biệt là phiên chợ ngày tết mang trong lòng nó rất nhiều giá trị văn hoá, chợ quê thường gắn với tuổi thơ của mỗi người, đến nỗi ngay cả sự mong chờ cũng được ví “mong như mong mẹ về chợ”. Để rồi lớn lên, dù có đi bốn phương trời mà trong lòng vẫn tâm niệm “thiếu quê hương ta về đâu”.

Bao năm đã trôi qua, chợ quê giờ đây đã mang nhiều nét đổi khác, tuy nhiên cũng không khó để nhận ra sự tềnh toàng dân dã, nhưng đậm chất hồn quê của nó.  Một năm mới lại về, với những người yêu chợ quê đây không chỉ là dịp sắm sửa hàng Tết, mà còn là dịp để nhớ về một không gian văn hoá truyền thống.  Dù cho cuộc sống hiện đại đã tạo ra nhiều loại hình kinh doanh tiện lợi cho người tiêu dùng, song những nét văn hoá về chợ quê vẫn không hề phai trong tâm tưởng mỗi người dân Việt. Bởi đơn giản chợ quê chính là một địa chỉ giao lưu, sinh hoạt văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện đại hôm nay.
BTV



        
        

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại