Giá thịt lợn trên thị trường hiện nay đang tăng cao, nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn cung giảm, không đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Do đó, tái đàn là giải pháp căn cơ để ổn định giá thịt lợn cũng như ngành chăn nuôi lúc này.
Tuy nhiên, khó khăn để lại sau khi dịch tả lợn châu Phi đi qua còn khá lớn, khiến tâm lý nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh còn e ngại, dè chừng bước vào đợt tái đàn mới.
Sau khi đàn lợn 88 con, trọng lượng hơn 6 tấn, bao gồm cả đàn lợn nái bị tiêu hủy bởi dịch tả lợn châu Phi. Tròn 1 năm nay, 500m2 chuồng trại nuôi lợn của gia đình ông Chu Văn Đức, thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang hoàn toàn bỏ trống. Để ổn định sản xuất, gỡ gạc phần nào thiệt hại vừa qua, thời gian này, gia đình thường xuyên rắc vôi bột, khử trùng chuồng trại để sẵn sàng tái đàn ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát; đồng thời nuôi thay thế bằng 10.000 con vịt đẻ, 4.000 con gà thịt. Dù rất muốn, song do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, gia đình ông vẫn chưa sẵn sàng cho việc tái đàn.
May mắn hơn, nhờ vẫn duy trì được đàn 6 con nái để phối giống thụ tinh; gia đình ông Ngô Văn Hào đã chủ động được con giống nên đã mạnh dạn tái đàn. Hiện trang trại của ông có 40 con lợn thịt, 20 con lợn theo mẹ được chăm sóc về thức ăn, vệ sinh, tiêm phòng cẩn thận. Nhờ vậy, cứ 1 lứa 20 con có giá xuất bán 120 nghìn đồng/kg lợn móc, sau khi trừ hết chi phí, cũng cho gia đình ông thu về 70-80 triệu đồng. Tuy vậy, do dịch bệnh Covid-19 thị trường vẫn bấp bênh, cùng với thời tiết đang chuyển mùa, nguy cơ dịch bệnh phức tạp nên gia đình ông rất thận trọng, chưa tái đàn ồ ạt.
Qua tổng hợp, đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh; tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh hiện có gần 300 nghìn con, đạt 75% so với thời điểm trước khi có dịch; tỷ lệ tái đàn bình quân đạt 50%. Phần lớn trong đó được tái đàn ở các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, chủ động được nguồn giống.
Nguyên nhân khiến việc phục hồi đàn lợn còn chậm là do: thời điểm này nguồn giống khó khăn trong khi vắc xin phòng chống dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có nên người dân thận trọng tái đàn. Giá lợn giống tăng cao gần gấp đôi so với thời điểm trước khi dịch bệnh với mức 2,8 triệu đồng/con lợn trọng lượng 7kg; bên cạnh đó, việc đàn lợn nái bị tiêu hủy tương đối nhiều do dịch bệnh cũng khiến nguồn cung khan hiếm. Chưa kể các chính sách hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch Tả châu phi chưa cụ thể, người dân rất khó khăn trong việc tiếp cận chính sách ưu đãi để tiếp tục đầu tư sản xuất.
Việc tái đàn thời điểm này là rất cần thiết để ổn định chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung cho thị trường cũng như ổn định đời sống sinh hoạt của người dân. Chính vì thế, bên cạnh sự chủ động tìm hiểu thông tin, theo dõi tín hiệu thị trường và tình hình dịch bệnh; mua con giống ở những địa chỉ uy tín cũng như tích cực chuyển hướng sang chăn nuôi an toàn sinh học và xây dựng các chuỗi liên kết để ổn định đầu ra. Thì lúc này, người chăn nuôi rất cần những chính sách hỗ trợ kịp thời của nhà nước để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Đức Minh, Thiên Thanh