Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung, khiến giá thịt lợn trên thị trường đang ở mức cao; dao động từ 130-160 nghìn đồng tùy loại. Nhằm giảm sức ép cho nguồn cung thịt lợn cũng như tránh tình trạng găm hàng, đẩy giá của các tiểu thương; ngoài giải pháp tập trung tái đàn, tăng đàn, tăng nguồn thịt nhập khẩu và đẩy mạnh kiểm soát thị trường thì trong lúc này việc khuyến khích người dân sử dụng các loại thực phẩm khác thay thế thịt lợn là giải pháp thực sự cần thiết.
Nếu như trước đây, thịt lợn là loại thực phẩm được bà Đỗ Thị Thủy, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh ưu tiên sử dụng nhiều nhất trong bữa ăn của gia đình với tần suất 4 ngày/tuần; thì hơn 1 tháng nay, khi giá thịt lợn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, bà chỉ mua 2 ngày/tuần và giảm cả số lượng mỗi lần mua. Thay vào đó, bà chuyển sang các loại thịt khác như gia cầm và thủy hải sản.
Trong khi giá thịt lợn đang ở mức cao thì các thực phẩm khác lại giữ giá ổn định và có phần giảm nhẹ so với trước đây. Trong đó, các loại thịt gia cầm giảm từ 5-10 nghìn đồng/kg; cụ thể: gà công nghiệp có giá 60 nghìn đồng/kg; gà ta 110 nghìn đồng/kg; vịt 65 nghìn đồng/kg; cá chép 50 nghìn đồng/kg; trứng gà 3.500 đồng/quả.
Mặc dù vậy, do thói quen tiêu dùng thịt lợn, nhất là thịt lợn tươi của người Việt nên số lượng người dân chuyển sang tiêu dùng sản phẩm khác còn hạn chế; đại đa số người dân vẫn chấp nhận mua thịt lợn đắt bởi tính tiện lợi phù hợp với mọi lứa tuổi, dễ ăn và dễ chế biến.
Do nhiều khó khăn trong việc tái đàn, nên dự báo nguồn cung mặt hàng này trong thời gian tới vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Chính vì thế, để giảm áp lực cho thị trường thịt lợn, mỗi người nội trợ nên tích cực thay đổi khẩu vị cho gia đình bằng các loại thực phẩm khác, để vừa làm phong phú bữa ăn, đảm bảo dinh dưỡng nhưng vẫn góp phần tạo ra một thị trường ổn định, bền vững.
Thiên Thanh, Vũ Tuyển