(BTV) Sáng 01/10, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giai đoạn 2015-2020. Tại điểm cầu Bắc Ninh, đồng chí Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh dự và chỉ đạo.

Giai đoạn 2015-2020, các chương trình tín dụng và khối lượng tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng tăng. Tổng doanh số cho vay theo phương thức ủy thác giai đoạn này đạt trên 334 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 99% tổng doanh số cho vay của toàn hệ thống. Cả nước có gần 174 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn theo tổ chức hội và theo địa bàn dân cư với gần 6,5 triệu tổ viên tham gia.
Tại tỉnh Bắc Ninh, đến ngày 31/8/2020, toàn tỉnh có tổng dư nợ trên 2.500 tỷ đồng thực hiện theo phương thức cho vay ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị xã hội, tốc độ tăng trưởng bình quân là hơn 7%/năm. Hiện toàn tỉnh có hơn 2.200 Tổ tiết kiệm và vay vốn với trên 81 nghìn thành viên còn dư nợ. Hoạt động ủy thác trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận nguồn vốn chính sách xã hội góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe, nâng cao trình độ học vấn, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Thành khẳng định: Phương thức cho vay ủy thác của NHCSXH là hết sức sáng tạo, phù hợp với tính chất chính trị, xã hội của vốn chính dụng chính sách và tôn chỉ hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội. Để hoạt động ủy thác tiếp tục phát huy hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Thành đề nghị, NHCSXH tỉnh tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, tập trung huy động, khơi tăng nguồn vốn; Thực hiện các giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng tín dụng. Đối với các tổ chức chính trị, xã hội tiếp tục làm tốt công tuyên truyền, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại trong hoạt động ủy thác, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; Tăng cường sự phối hợp giữa ngân hàng với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị, xã hội đưa hoạt động chính sách xã hội phát triển theo hướng ổn định, bền vững.
P.Hoa - Q.Hưng