Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết năm học 2020-2021

(BTV) Sáng 28/8, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.


Tại điểm cầu Bắc Ninh, dự hội nghị có các đồng chí: Đào Hồng Lan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lãnh đạo các sở, ngành và Sở GD&ĐT tỉnh.

Năm học 2020-2021, dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nhưng ngành GD&ĐT đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học; Toàn ngành đã nỗ lực để vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học. 

Với quan điểm “Tạm dừng đến trường, không dừng học”, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn thực hiện tinh giản nội dung chương trình giáo dục phổ thông học kỳ II đảm bảo cốt lõi, nền tảng. Các nhà trường vận dụng linh hoạt hình thức dạy học trực tuyến, điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ “nút thắt,” tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo yêu cầu Nghị quyết 29 của Trung ương. Bộ cũng chủ động điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt, xét đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh không thể dự thi vì dịch bệnh, đề nghị các trường Đại học điều chỉnh phương án tuyển sinh, nhằm bảo đảm quyền lợi và tiếp cận công bằng cho học sinh. Công tác triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1 hoàn thành đúng kế hoạch, đảm bảo chuẩn đầu ra.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn: Học sinh Mầm non phải ở nhà thời gian dài, ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi. Chất lượng dạy và học trực tuyến đối với học sinh phổ thông cũng ít nhiều ảnh hưởng. Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực sử dụng công nghệ thông tin của một bộ phận giáo viên, kỹ năng tự học của một bộ phận học sinh, sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu dạy, học trực tuyến. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên Mầm non, phổ thông ở một số địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch dạy học. 
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ khó khăn với ngành Giáo dục, giáo viên, học sinh trên toàn quốc. Đồng thời biểu dương ngành Giáo dục đã linh hoạt các phương pháp dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19, đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm học, và chất lượng giáo dục.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chỉ còn ít ngày nữa sẽ đến ngày khai giảng năm học mới 2021 - 2022, nhưng tình hình dịch vẫn diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam. Vì vậy, ngành GD&ĐT, các địa phương cần chủ động kế hoạch dạy, học phù hợp; Nâng cao chất lượng giáo dục các bậc học, có giải pháp để học sinh học tốt môn Lịch sử. Sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Với quan điểm “Lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng, thầy giáo làm động lực”, ngành cũng cần nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế; Sẵn sàng tiếp thu, lắng nghe ý kiến đóng góp để điều chỉnh phù hợp. Coi trọng công tác truyền thông, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên, trường học hợp lý, khoa học. 

Đồng chí cũng lưu ý, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể việc học trực tuyến; Quan tâm hỗ trợ đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không đủ trang thiết bị học trực tuyến. Tăng cường tuyên truyền để học sinh yên tâm và ổn định tâm lý khi trở lại trường sau kỳ nghỉ Covid kéo dài. Thực hiện rà soát đội ngũ giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch, có chính sách hỗ trợ đối với các trường hợp đặc thù, nhất là giáo viên Mầm non tư thục. Thủ tướng cũng bày tỏ cam kết: Chính phủ sẽ có kế hoạch tiêm vắc xin cho trường học, để các trường học sớm được trở lại bình thường. Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng tiếp thu ý kiến, đề xuất của Bộ Giáo dục và các đại biểu tại hội nghị hướng tới mục tiêu “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Đồng thời kêu gọi các thầy cô, phụ huynh, học sinh nêu cao tinh thần chống dịch, một người vì mọi người, tất cả vì tương lai con em chúng ta. 

Tại điểm cầu Bắc Ninh,  Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang đề nghị Sở GD&ĐT, các ngành liên quan tiếp thu nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT. Dự báo năm học 2021-2022 tiếp tục là năm học có nhiều thách thức, vì vậy, ngành GD&ĐT cần khắc phục khó khăn, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy về Đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, Nghị quyết 04 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống văn hóa đối với thế hệ trẻ”. Tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học, vừa đảm bảo phòng chống dịch. Trước mắt là chỉ đạo các cơ sở trường học tổ chức khai giảng năm học mới 2021-2022 phù hợp với điều kiện phòng chống dịch Covid-19 tại từng địa phương, đơn vị. Sở GD&ĐT phối hợp với ngành chức năng, địa phương có giải pháp, cơ chế về cơ sở vật chất, đội ngũ, nhân lực để ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ năm học. 
H.Tâm – L.Khải

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại