Nhiều mặt hàng “đua nhau” tăng giá trước biến động thị trường

(BTV) Trước tác động từ giá xăng dầu, tình hình chung của thế giới và dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều mặt hàng đã đua nhau tăng giá như “phi mã” trên thị trường.

IMG_4529

Khảo sát thị trường ngày 15/3 cho thấy, trong các loại vật liệu xây dựng, tăng giá mạnh nhất thời gian qua là thép xây dựng. Sau nhiều lần điều chỉnh, hiện nay, giá thép cuộn Thái Nguyên trên địa bàn TP Bắc Ninh được bán với giá phổ biến 21 triệu đồng/tấn, tăng 3,5 triệu đồng/tấn so với đầu năm; Thép phi 6, thép phi 10 giá 130.000 đồng/cây, tăng 10.000 đồng/cây; Thép phi 16 là 360.000 đồng/cây, tăng 40.000 đồng/cây.

Cùng với thép xây dựng, giá thép tấm cũng có xu hướng tăng, tuy nhiên biên độ tăng giá mỗi lần của thép tấm HRC, SHPC, thép tấm cán nóng, thép lá … có biên độ tăng mạnh, do mặt hàng này đa phần là nhập khẩu nên khi tăng giá thì rất cao, biên độ từ 500 đồng/kg đến 700 đồng/kg trước thuế. Hiện tại giá thép tấm nằm ở mức 22.000 đồng/kg – 24.000 đồng/kg ở các độ dày chuẩn, 24.000 đồng/kg – 32.000 đồng/kg ở các độ dày, và mác thép đặc biệt.

IMG_4532

Đơn vị thi công móng nhà tại khu Xuân Ổ, phường Võ Cường phản ánh: Trước đây, phải vài tháng giá sắt thép mới biến động nhưng nay chỉ vài ngày đại lý lại thông báo giá mới. Có sản phẩm còn khan hiếm không có để mua về xây dựng công trình. Với tình hình giá cả leo thang như vậy, các đơn vị thi công như chúng tôi sẽ bị thiệt hại nặng so với giá đã thỏa thuận ban đầu và phải lấy công làm lãi.

IMG_4538

Ông Tuấn, chủ cửa hàng tạp hóa tại phường Kinh Bắc, TP. Bắc Ninh cho biết: Đối với các mặt hàng thiết yếu đã tăng nhẹ được vài hôm gần đây, như mặt hàng dầu ăn đã tăng giá 2-3 nghìn đồng/lít. Cụ thể, đậu nành Simply 60.000 đồng/lít, Meizan 50.000 đồng/lít, Neptune 60.000 đồng/lít. Mì tôm tăng 5-15 nghìn đồng/thùng. Đơn cử như mì phở Cung Đình giá từ 190.000 tăng lên 200.000 đồng/thùng, mì phở Đệ Nhất từ 170.000 lên 180.000 đồng/thùng, mì tôm Hảo Hảo giá từ 100.000 lên 110.000 đồng/thùng.

f9d280d91614d94a8005

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân hạn chế ra ngoài. Do vậy, các mặt hàng thiết bị điện tử thông minh, máy vi tính đều được người dân ưu ái, lựa chọn khiến các mặt hàng này cũng đồng loạt tăng giá. Đơn cử, 1 bộ máy tính đồng bộ của hãng ACER phục vụ nhu cầu cho văn phòng có giá từ 9-13 triệu đồng/bộ tùy cấu hình, tăng từ 100-200.000 đồng/bộ. Hãng DELL có giá từ 9,6-12,6 triệu đồng/bộ tùy cấu hình, tăng từ 150-250.000 đồng/bộ. Các mặt hàng linh kiện điện tử cũng tăng nhẹ từ 30-50.000 đồng tùy hãng, tùy loại.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Bắc Ninh, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2022 tăng 1,56% so với tháng 1/2022 và tăng 1,52% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,62% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân hai tháng đầu năm 2022 tăng 1,11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực giáo dục tăng mạnh nhất 7,41%. Riêng dịch vụ giáo dục tăng 8,2% với tác động đáng kể của dịch vụ giáo dục Trung học cơ sở 10,42% và giáo dục Trung học phổ thông 40,28%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống 2,91%. Lương thực 0,78%, Thực phẩm 3,88% và nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng 0,29%. Dự báo trong tháng 3, chỉ số giá của một số nhóm hàng hóa, dịch vụ tiếp tục tăng trước sức ép từ giá xăng dầu và các yếu tố khác.

Trước biến động của giá thị trường hiện nay, các ngành chức năng cần tăng cường quản lý thị trường, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh, việc kê khai, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tránh tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý, gây ảnh hưởng tới người tiêu dung và doanh nghiệp.

Văn Đức

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại