Nhà khoa học giàu tâm huyết với ngành thủy sản nước nhà

(BTV) Sinh ra tại vùng quê có truyền thống khoa bảng lâu đời, Tiến sĩ Bùi Quang Tề đã chứng minh được điều đó khi trở thành một trong những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của nước nhà.

Hành trình tạo nên chuyên gia hàng đầu
Nguyên trưởng phòng Sinh học thực nghiệm Viện Nuôi trồng thuỷ sản I – PGS.TS Bùi Quang Tề sinh năm 1950 tại thôn Lai Tê, xã Trung Chính, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, một vùng quê yên bình, giàu truyền thống hiếu học. Gần 50 năm miệt mài nghiên cứu với 24 công trình nghiên cứu khoa học, hơn 20 bài báo đăng tải,... người đàn ông ấy đã được coi là cây đa, cây đề trong lĩnh vực thuỷ sản ở nước ta.
Bén duyên với ngành nuôi trồng thủy sản từ những năm 1969, chàng trai trẻ lúc đó tràn đầy nhiệt huyết, dành trọn thanh xuân của mình để nghiên cứu khoa học. Năm 1979, nghe theo tiếng gọi của tổ quốc, ông xếp lại công việc, lên đường vào chiến trường Tây Nam chiến đấu. Hoàn thành nghĩa vụ, năm 1982, ông trở lại vai trò của một nhà khoa học với đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước: “Nghiên cứu ký sinh trùng cá nước ngọt và biện pháp phòng trị bệnh” và sau này là nhiều đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp Nhà nước khác. Các đề tài nghiên cứu của ông được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao và mang lại hiệu quả thực tiễn cao trong quá trình nuôi trồng thủy sản của bà con nông dân.

Nhà khoa học tận tụy với nghề
Năm 1998, ông bắt đầu viết cuốn giáo trình  “Bệnh học thủy sản”. Cuốn sách được dựa trên những kết quả nghiên cứu về thủy sản của nước ta, từ đó đưa ra được những triệu chứng, nguyên nhân gây ra bệnh trên thủy sản, giúp cho người đọc có thể chữa trị kịp thời cho thủy sản trải qua nhiều lần sửa đổi và bổ sung, cuốn giáo trình đã trả thành quyển sách gối đầu giường của nhiều thế hệ sinh viên ngành nuôi trồng thủy sản, các nhà nghiên cứu và đặc biệt là những người nông dân.
Ông chia sẻ: “Đây là một trong những công trình mà tôi tâm huyết nhất. Tôi cũng rất vui khi thấy được rằng cuốn sách đã giúp được cho rất nhiều người. Nhiều người dân nuôi cá đã gọi điện cho tôi, nói rằng nhờ cuốn sách mà họ đã có thể cứu được cá của họ, thu nhập, cũng như nguồn sống của cả gia đình họ.”

Cuốn sách “gối đầu giường” của nhiều người trong lĩnh vực thủy sản
Năm 2011, ông nhận nhiệm vụ làm trưởng nhóm chẩn đoán và chữa bệnh cho Rùa Hồ Gươm. Dù phải chịu nhiều áp lực khi “cụ Rùa” là linh vật của đất nước, là biểu tượng tâm linh, nhưng với tư cách là một nhà khoa học nghiên cứu về bệnh thủy sản đã gần ông coi cụ Rùa như một bệnh nhân đặc biệt của mình. Dĩ nhiên, nhiều người dân quan tâm tới cụ và ông cũng là một người dân nên tôi đồng cảm với mọi người. “Họ nói là tâm linh, tôi cũng có suy nghĩ như thế, nhưng nếu cứ tôn cụ lên thành thần thì chẳng phải chữa trị gì nữa.” ông Tề chia sẻ.

Tiến sĩ Tề bên cạnh nơi chữa trị cho “cụ Rùa”
Đây là một trong những nhiệm vụ áp lực nhất mà ông từng nhận, vì không chỉ là biểu tượng của Việt Nam, “Cụ Rùa Hồ Gươm” còn là một trong những cá thể ít ỏi còn sót lại của loài rùa mai mềm. Ông đã lập ra quy trình 9 bước chữa bệnh cho cụ, mỗi ngày cắt cử 2 người trực để đo nhiệt độ, độ PH của nước và cho cụ ăn, theo dõi mọi động thái của cụ. Cả ngày cụ ngoi lên thở bao lần, ăn được bao nhiêu… đều phải ghi cặn kẽ. Nếu có hiện tượng bất thường, sẽ có người trực tiếp gọi cho ông. Nhờ vào sự tận tâm của đội ngũ chữa trị, “cụ Rùa” được chữa khỏi bệnh sau 1 tháng. Cùng năm đó, ông và đội ngũ chữa trị đã được nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.
Không chỉ nổi tiếng với các đề tài nghiên cứu khoa học, chuyên gia Bùi Quang Tề còn được biết tới trên cương vị là một nhà giáo ưu tú. Mỗi năm ông hướng dẫn hàng chục sinh viên ngành thủy sản thú y của các trường trong cả nước đến thực tập. Bên cạnh đó, còn có các sinh viên cao học, nghiên cứu sinh và cử nhân sinh học cũng tìm đến ông. Ông chia sẻ với chúng tôi: “Nhìn các em, tôi như thấy được mình hồi còn trẻ, cũng năng động, nhiệt huyết như vậy. Tôi tận tâm chỉ dạy, chỉ mong các em sau này có thể giúp được cho bà con nông dân nhiều hơn nữa”.
Tưởng chừng hành trình nghiên cứu khoa học của ông sẽ phải dừng lại khi ông nghỉ hưu, nhưng dường như, niềm đam mê khoa học đã ăn sâu vào trong máu, thôi thúc ông không được dừng lại trên con đường nghiên cứu khoa học.
Tuổi già nhưng tâm không già
Năm 2012, ông nghỉ hưu, nhưng không vì thế mà công cuộc nghiên cứu của nhà khoa học tâm huyết dừng lại. Đã có nhiều công ty, đơn vị mời ông về làm việc, nhưng đều bị ông từ chối. Thay vào đó, ông muốn giành thời gian chuyên tâm nghiên cứu khoa học. Tâm niệm của ông là có thể giúp đỡ càng nhiều người càng tốt và nếu nhận lời của các công ty thì ông sẽ không thể làm được điều đó
Ông chia sẻ: “Con cháu cũng cản, không cho tôi làm việc nữa, vì tuổi tôi bây giờ cũng đã không còn sức như trước nữa. Nhưng với tôi, nghiên cứu khoa học đã ăn sâu vào trong máu, là niềm vui lúc về già của tôi. Cho nên tôi vẫn tiếp tục hướng dẫn các sinh viên trên con đường nghiên cứu khoa học này.”
 
 
Tuổi đã cao nhưng ông vẫn tâm huyết với nghề
Ông cũng đã tự tạo cho mình một phòng nghiên cứu khoa học "tại gia" với một phòng thí nghiệm ngay bên cạnh ao, với đây đủ hóa chất, máy móc (kính hiến vi, tủ sãy, tủ ấm, tủ đông)... Đặc biệt là một khu bể nuôi với những chiếc bể kính nhỏ có sục khí; những cây dược liệu được ông trồng để có thử sử dụng như một loại thuốc để chữa bệnh cho cá. Chỉ tay về phía ao, ông bảo: “Ao này vốn trước đây dùng để nuôi cá làm mẫu thí nghiệm, giờ thỉnh thoảng dùng để nuôi tôm, nuôi trạch cho gia đình ăn. Các cháu của tôi thích ăn tôm, trạch của ông nuôi lắm. Cứ bảo là ăn tôm của ông thì không sao, nhưng cứ ăn tôm ở ngoài là bị dị ứng”
Dù hiện tại sức khỏe của ông đã không còn như trước, nhưng khi có người cần giúp đỡ, hay như các hội thảo, các cuộc tọa đàm về những vấn đề trong ông vẫn sẵn sàng đến tận nơi để hỗ trọ họ, dù có là ở trong miền Nam hay trên vùng núi cao.

Ông vẫn sẵn sàng đi đến bất cứ đâu có người cần ông giúp
Nhiều người là học trò của ông sau khi ra trường đều có việc làm tốt, có người còn giữ những chức vụ quan trọng trong ngành. Hằng năm, mỗi dịp sinh nhật hay ngày nhà giáo Việt Nam, họ đều quay về thăm ông. Có lẽ đó là phần thưởng lớn nhất dành cho ông, một nhà khoa học tận tụy với nghề
Tuấn Tú - Thu Huyền

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại