Kỳ 2: “Bóng người sau cánh nước” - Những nghệ nhân giữ hồn rối nước Đồng Ngư
Không ánh đèn sân khấu, không lời giới thiệu hào nhoáng, những nghệ nhân múa rối nước ở làng Đồng Ngư lặng lẽ âm thầm thổi hồn vào từng tích trò dân gian. Bằng đôi tay khéo léo và tình yêu với con rối, họ góp phần gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của quê hương Kinh Bắc.
Tay cầm con rối, lòng giữ hồn làng
Giữa nhịp sống hiện đại, ở làng Đồng Ngư (Thuận Thành, Bắc Ninh), vẫn có những bàn tay miệt mài dưới làn nước, điều khiển những con rối gỗ mang hồn dân gian Việt. Phía sau tiếng trống mở màn rộn ràng, là những tháng ngày lặng lẽ tập luyện, chế tác, biểu diễn - nơi tình yêu với con rối gắn bó với cả một đời người.

Cảnh diễn rối nước kết hợp với Dân ca Quan họ Bắc Ninh làm nên dấu ấn riêng của múa rối làng Đồng Ngư (Ảnh: Khu Bảo tồn Văn hoá Dân gian Luy Lâu)
Con đường trở thành nghệ nhân rối nước chưa bao giờ là dễ dàng. Những học trò đầu tiên của phường rối đều phải làm quen với ao diễn, cọc tre, dây điều khiển và từng nhịp trống, tiếng phách. Không ít người từng vấp ngã, tay tê rần vì chống sào chưa đúng nhịp, con rối quay ngang, lật ngửa giữa sân khấu nước. Mỗi con rối khi ra sân khấu chỉ vỏn vẹn vài phút, nhưng đằng sau nó là biết bao công sức để làm chủ động tác, tiết tấu, nhịp điệu và cảm xúc của nhân vật.
Không chỉ học diễn, nghệ nhân múa rối nước còn tự tay làm đạo cụ, chế tác con rối. Gỗ sung nhẹ, bền được lựa chọn, từng chi tiết nhỏ - từ khuôn mặt, cánh tay đến hoa văn trang phục - đều do chính tay nghệ nhân đẽo, gọt, sơn vẽ. Nhân vật rối gắn liền với sinh hoạt nông thôn truyền thống như ông lão câu cá, chú bé chăn trâu, cảnh múa lân, đánh trống… Các con rối không chỉ “kể chuyện” mà còn khắc họa nét sinh hoạt văn hóa Bắc Bộ xưa.
Một điểm đặc biệt làm nên “thương hiệu” của rối nước Đồng Ngư là những con trò không chỉ được điều khiển bằng sào mà còn dùng dây. Nhờ đó, các tiết mục như múa rồng, múa phượng hay nhân vật bay lượn trở nên sống động, sinh động hơn rất nhiều. “Rối dây rất khó. Chỉ cần kéo sai một nhịp là cả trò vỡ”, nghệ nhân Nguyễn Thành Lai - trưởng phường múa rối nước Luy Lâu chia sẻ.

Phía sau màn tre, các nghệ nhân tập trung điều khiển từng chuyển động của con rối (Ảnh: Khu Bảo tồn Văn hoá Dân gian Luy Lâu)
Dẫu đã thuần thục kỹ thuật, việc biểu diễn ngoài trời cũng là một thử thách lớn. Trước đây chưa có sân khấu lưu động, các buổi diễn thường tổ chức ngay tại ao làng, các phường rối phải dựng thủy đình tạm bằng tre, nứa, mái lá. Người biểu diễn phải đứng hàng tiếng đồng hồ trong nước, tay cầm rối không ngơi nghỉ. “Mỗi lần diễn là một lần vượt qua chính mình. Mùa đông có khi rét 9-10 độ, vẫn phải xuống nước. Trước khi xuống nước, anh em phải uống nước mắm, ăn gừng để giữ ấm. Lúc kết thúc thì người cứng đờ vì lạnh, nhưng nghe tiếng vỗ tay của khán giả là quên hết lạnh, hết mệt”, ông Lai nhớ lại những buổi diễn không thể nào quên của phường rối.
Tình yêu với làng, với nghề chính là động lực để các nghệ nhân vượt qua những nhọc nhằn tưởng chừng không thể. Họ không chỉ giữ nghề cho bản thân, mà còn gìn giữ cả một phần hồn cốt của vùng Kinh Bắc. Từ chỗ chỉ biểu diễn vài lần vào dịp hội làng, giờ đây, các phường rối của làng Đồng Ngư đã có thể đi lưu diễn khắp trong Nam, ngoài Bắc, từ sân đình, hội chợ cho đến các trường học, bảo tàng… Mỗi chuyến đi là một lần kể lại câu chuyện làng nghề. Mỗi vở rối là một nhịp đập của ký ức, của tình yêu với truyền thống. “Nếu không yêu, không thương, thì không thể bám trụ với nghề này được. Nhưng cứ đứng trên sân khấu nước, thấy con rối chuyển động, thấy người xem cười - là mình lại thấy đời đáng sống hơn”, ông Lai chia sẻ.
Tay cầm con rối, lòng giữ hồn làng - những người nghệ nhân nơi đây không chỉ đang diễn trò, mà đang nối lại một mạch chảy văn hóa đã từng bị đứt đoạn. Chính bằng sự cần mẫn, bền bỉ và lòng yêu nghề chân thật, họ đã góp phần đưa múa rối nước làng Đồng Ngư thành một “di sản sống”, để tiếng trống mở màn và nhịp rối nước mãi còn vang vọng.
Hành trình “người ngoại đạo” giữ nghề
Không sinh ra trong gia đình theo nghệ thuật truyền thống, nhưng ông Nguyễn Thành Lai - một người thợ cơ khí sinh ra tại làng Đồng Ngư lại dành gần nửa cuộc đời gắn bó với múa rối nước. Ông hay đùa vui rằng, mình là một “người ngoại đạo”, càng gắn bó thì càng yêu nghề, càng say mê những con rối gỗ nhỏ bé mang hồn dân gian.

Gắn bó với múa rối nước từ nhỏ, nghệ nhân Nguyễn Thành Lai dành trọn đam mê để giữ gìn và lan tỏa nghề (Ảnh: Thu Huyền)
“Tôi sinh ra trong làng có truyền thống rối nước. Từ nhỏ đã mê rối, đi theo các cụ phụ việc rồi ngấm nghề lúc nào không biết”, nghệ nhân Nguyễn Thành Lai nhớ lại. Tuổi thơ của ông gắn liền với những buổi biểu diễn rối nước nơi đầu làng, khi theo các cụ trong phường rối đi phụ việc ánh sáng, âm thanh. Từng buổi biểu diễn, từng tích trò, từng nhịp trống gõ vang giữa ao làng đã dần gieo vào lòng cậu bé năm xưa một tình yêu với con rối gỗ.
Tình yêu ấy lớn dần theo thời gian. Ông bắt đầu học cách cầm rối, luyện động tác trong nước, rồi đảm nhiệm nhiều vai diễn trong phường. Sau nhiều năm gắn bó với phường rối, ông nhận ra rằng: nếu chỉ biểu diễn vài lần vào dịp hội làng, nghệ thuật này sẽ mãi bị bó hẹp trong lũy tre làng. Ông bắt đầu nung nấu mong muốn đưa rối nước đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ. “Tôi không muốn giữ nghề để cất trong kho, mà muốn giữ để lan tỏa - để càng nhiều người biết, càng nhiều người yêu”, ông chia sẻ.
Năm 2010, bắt đầu từ con số 0, ông Nguyễn Thành Lai quyết định lập nên một phường rối mới với mong muốn lan tỏa rộng rãi hơn giá trị văn hóa dân gian và đưa nghệ thuật múa rối nước làng Đồng Ngư đến gần hơn với công chúng. Không kinh phí, không đạo cụ, không sân khấu - mọi thứ đều do ông và anh em tự tay dựng lên. Ban ngày làm việc, ban đêm ông tự đẽo từng con rối. Gỗ sung, sơn màu, dây điều khiển… tất cả được mày mò từ những gì sẵn có. Gần một năm sau, bộ rối đầu tiên mới hoàn thiện. Không có ao diễn, ông đào ao ngay trong vườn nhà. Không có thủy đình, ông dựng sân khấu bằng tre nứa, mái lá. Không có âm thanh, ánh sáng chuẩn, ông tận dụng từ thiết bị cũ. Nhưng trong khó khăn chồng chất ấy, ngọn lửa yêu nghề chưa bao giờ tắt. “Tôi nghĩ, cứ làm đã. Làm bằng tình yêu thật sự, rồi sẽ có người đồng hành”, ông Nguyễn Thành Lai chia sẻ.

Nghệ nhân Nguyễn Thành Lai tỉ mỉ tô màu cho con rối, hoàn thiện từng chi tiết trước khi đưa lên sân khấu (Ảnh: Thu Huyền)
Không chỉ giữ nghề, ông Lai còn truyền nghề. Nhiều lớp học múa rối được tổ chức, thu hút các em học sinh đến học cách làm rối, điều khiển rối, dựng trò, đánh trống, diễn tích cổ. Nhờ đó, một lớp trẻ biết đến, yêu và tự hào về di sản quê hương mình. Đến nay, phường rối do ông thành lập đã lưu diễn khắp nơi - từ sân đình, bảo tàng, trường học đến các sự kiện lớn. Không chỉ là biểu diễn, mỗi chuyến đi còn là hành trình lan tỏa một mạch chảy văn hóa đang hồi sinh mạnh mẽ.
“Tôi nghĩ bảo tồn không phải là cất vào tủ kính. Mình phải cho rối sống - sống bằng hơi thở hôm nay, để những giá trị của ngày xưa không bị quên lãng”, ông nói về triết lý “bảo tồn sống” mà mình đang theo đuổi. Và chính bằng trái tim yêu nghề, bằng hành trình không mệt mỏi, ông Nguyễn Thành Lai đã trở thành một trong những người giữ hồn làng đáng quý nơi quê rối Đồng Ngư.
Tuấn Tú - Khánh Ly