Người gìn giữ nghệ thuật thư pháp

(BTV) Tâm huyết với nét chữ xưa của dân tộc, ông Nguyễn Thành Thác, thôn Bình Ngô, xã An Bình, huyện Thuận Thành cùng những thành viên Câu lạc bộ (CLB) Hán Nôm An Bình vẫn đang từng ngày miệt mài, nỗ lực bảo tồn, gìn giữ chữ xưa, níu giữ nét văn hóa truyền thông đang dần bị người đời quên lãng khi tuổi đã cao, sức đã yếu.


Ông Nguyễn Thành Thác tỉ mỉ, nắn nót từng nét chữ.
         
Ông Nguyễn Thành Thác, sinh năm 1936 tại thôn Bình Ngô, xã An Bình, huyện Thuận Thành trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Cụ thân sinh ra ông là cụ đồ, nên Nguyễn Thành Thác được tiếp xúc với chữ Hán từ nhỏ. Lên 7 tuổi ông đã thành thạo chữ Hán ở nhiều cấp độ. Được biết, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ở huyện Gia Bình có một văn chỉ yêu cầu phải tế văn chỉ lên cấp hàng huyện. Lúc bấy giờ, những người có chức tước ở huyện đã chọn bài dịch văn chỉ của cụ thân sinh ra Nguyễn Thành Thác. Ông có biệt tài làm thơ và câu đối từ nhỏ. Đến khi trưởng thành, ông nổi tiếng là người giỏi chữ Hán trong vùng. Ai có việc gì cần đến dịch thuật chữ Hán đều tìm đến ông. Năm 1953, ông vào chiến trường và bị thương. Trở về chiến trường Việt Bắc tại Trung đoàn 249 và được cán bộ cử đi học Quân y. Năm 1954 về Quân y tỉnh đội Bắc Ninh công tác. Đến tháng 3/1960 phục vụ Quân y Công an vũ trang Bắc Ninh. Trải qua nhiều vị trí, đơn vị công tác, ông luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao. Đến năm 1983, ông về nghỉ hưu và tham gia công tác phong trào tại địa phương.
         
Xã An Bình vốn là miền đất có truyền thống hiếu học và khoa bảng vẻ vang. Nhiều năm qua, nền văn hóa Nho học, Hán học còn đậm nét trong đời sống nhân dân với những tên tuổi cụ đồ Xưa, cụ thơ Xương, cụ sư Ngáp, cụ tổng Thạch, cụ lý Long, cụ khóa Nghiễm, cụ khóa Bịu… Kho tàng văn bản Hán Nôm còn nhiều ở các di tích đình, đền, chúa, miếu, gia phả… chưa khai thác hết và những lớp Hán học còn mở mãi đến tận thời kỳ kháng chiến, do đó, số người biết và am hiểu còn nhiều đến tận ngày nay. Vốn học chữ Hán từ nhỏ cùng với khả năng ham học hỏi, ông đồ Nguyễn Thành Thác luôn đau đáu, tâm niệm với vốn chữ của dân tộc, năm 2006, ông đã quy tụ, tập hợp những người trong xã thành lập nên CLB Hán Nôm An Bình nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị vốn có của chữ Hán, đồng thời đào tạo, bồi dưỡng thế hệ mới. Các thành viên đều là những người hiểu biết về chữ Hán Nôm và phần lớn là các cụ ở tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn hăng say tìm tòi, cống hiến để sưu tầm cho kho tư liệu về chữ Hán.
        
 Khi mới thành lập, CLB có 21 thành viên, đến nay, số hội viên đã lên tới 52, người trẻ nhất ở tuổi 40 với mục đích là khai thác vốn văn bản Hán Nôm tại địa phương, truyền dạy chữ Hán Nôm cho người ham hiểu biết, tham mưu cho lãnh đạo xã trong việc phát huy chữ Hán Nôm tại các di tích…. CLB Hán Nôm xã An Bình đã sưu tầm, tổ chức biên dịch hầu hết số bia đá, chuông đồng, hoành phi câu đối ở các di tích công cộng trong xã và in thành tập “Văn bia xã An Bình”; dịch văn khắc chuông chùa Cổ Am (Do Tràng-Gia Bình); dịch gia phả họ Vũ và họ Nguyễn Đức (Ngọc Trì-Lương Tài)….
         
Bên cạnh việc khai thác văn bản Hán Nôm, các thành viên CLB Hán Nôm xã An Bình còn giúp viết chữ hoành phi câu đối cho các di tích và nhà thờ. Hàng năm, CLB đều có đại diện hội viên tham dự hội nghị thông báo Hán Nôm toàn quốc do Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội tổ chức. Ngoài ra, CLB còn cử đại diện tham gia tranh luận, giám định, phản biện hoành phi câu đối ở một số di tích lịch sử văn hóa.

Lớp học chữ Hán Nôm của Câu lạc bộ Hán Nôm xã An Bình, huyện Thuận Thành.
         
Việc truyền dạy chữ Hán Nôm được CLB coi là nhiệm vụ quan trọng nhằm có thêm đông đảo lực lượng khai thác vốn Hán Nôm vào cuộc sống. CLB mở nhiều lớp học, các học viên đủ khả năng thực hành chữ Hán ở nhiều việc như: Viết thư pháp, viết hoành phi câu đối, khắc chữ trên tranh gỗ, tranh dân gian Đông Hồ… Đặc biệt, nhiều giảng viên Hán Nôm ở một số trường Đại học xin tài liệu, chỉ bảo của các cụ đồ để về truyền dạy lại cho các em học sinh trong trường. Điều đáng nói về CLB Hán Nôm xã An Bình, nhiều cụ dù tuổi đã cao nhưng tinh thần luôn hăng say, miệt mài với công việc đang làm. Không phải các thành viên trong CLB đều được học bài bản về chuyên ngành Hán Nôm mà phần lớn là tự học. Khác với nhiều môn học khác, việc học chữ Hán Nôm cần thời gian, sự điềm tĩnh mới lĩnh hội được hết tinh hoa của văn hóa Hán Nôm.
         
Những công việc thầm lặng của các thành viên CLB Hán Nôm xã An Bình đã, đang và sẽ viết dày thêm cho nền văn hóa Hán Nôm một thời. Để người đời biết đến với bao giá trị tinh túy được chắt lọc, tìm kiếm mỗi ngày. Chính quyền, nhân dân địa phương hết sức ủng hộ, quan tâm và cổ vũ cho việc làm thiết thực, ý nghĩa này.

Mỗi ngày trôi qua, những con người tâm huyết với Hán Nôm xã An Bình vẫn thường xuyên gặp gỡ, tìm những câu đối hay, sưu tầm những bài dịch ý nghĩa làm tư liệu để giúp những người trẻ có điều kiện, cơ hội đọc lại lịch sử văn hóa dân tộc một cách chân thực. Quả thực, những tấm lòng đam mê, tìm tòi, nghiên cứu vốn chữ Hán Nôm của các thành viên CLB Hán Nôm An Bình thật đáng trân quý biết bao!
Mai Quế
 
 
 

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại