Bánh chưng xanh: Đậm đà hương vị Tết cổ truyền

(BTV) Dân gian có câu: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây lêu tràng pháo bánh chưng xanh” hay “Bánh chưng xanh bên dưa hấu đỏ/ Cành mai vàng bên cành đào tươi”… những hình ảnh đó từ lâu đã trở nên quen thuộc, gần gũi, đi vào trong tâm thức của người Việt khi Tết đến xuân về. Trời đất giao hòa ngập tràn sắc xuân, trên mọi miền của dải đất hình chữ S từ thôn quê đến thành thị lại nhộn nhịp náo nức sắm sửa, chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền tươm tất, đầy đủ. Sẽ không trọn vẹn nếu ngày Tết trên mâm cỗ thiếu đi chiếc bánh chưng – linh hồn của dân tộc Việt.

 


Chiếc bánh chưng dền, xanh ngon hòa quyện của gạo nếp, đỗ xanh,
thịt lợn và màu xanh mướt lá dong rừng trên mâm cơm ngày Tết.
         
Sự tích bánh chưng Lang Liêu
         
Truyền thuyết kể lại rằng, vào đời Hùng Vương thứ 6, nhân dịp đầu xuân, nhà Vua triệu tập các con đến truyền lệnh rằng: Ai tìm được lễ vật dâng lên tổ tiên hợp ý với nhà Vua sẽ được truyền ngôi. Từ đó, kẻ lên rừng, người xuống biển tìm ngọc ngà châu báu và sản vật quý dâng lên Vua. Lang Liêu – người con nghèo khó, không thể tìm được những sản vật quý hiếm nào. Rồi một đêm, chàng nằm mơ có vị thần đến bảo: “Trời đất không có gì quý bằng hạt gạo, hãy lấy gạo nặn thành hình tròn và vuông tượng trưng cho đất với trời, nhân bánh tựa công ơn sinh thành cha mẹ”. Đến sáng hôm sau, Lang Liêu truyền cho người hầu dùng những nông sản thường ngày gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để tạo ra loại bánh có tên gọi là bánh chưng, theo đúng giấc mơ của chàng đế dâng Vua. Lễ vật của Lang Liêu rất hợp ý Vua Hùng nên nhà Vua đã truyền ngôi lại cho chàng. Kể từ đó, bánh chưng trở thành vật phẩm không thể thiếu trong các nghi thức thờ cúng tổ tiên, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt.
         
Bánh chưng Lang Liêu tượng trưng cho đất với màu xanh đại diện cho cây cỏ, đỗ xanh đại diện cho hoa quả, thịt lợn đại diện cho muông thú và gạo nếp hiện thân cho con người với đặc trưng nền văn minh lúa nước. Màu xanh mướt của lá dong dùng để gói bánh chưng đã tạo nên sự đặc biệt và bắt mắt cho loại bánh này. Qua thời gian, bánh chưng trở thành món ăn không thể thiếu vào ngày Tết. Giá trị, ý nghĩa của chiếc bánh chưng trên mâm cỗ ngày tết không chỉ ở sự kết hợp sản vật của đất trời mà còn thể hiện sự đầm ấm của gia đình. Trong những ngày Tết se lạnh cùng phảng phất những cơn mưa bụi của mùa xuân, cả nhà cùng quây quần bên nhay gói bánh chưng, tiếng cười nói vui vẻ của các thành viên cùng tiếng nô đùa của trẻ nhỏ tạo nên không khí ấm cúng riêng có của gia đình. Đêm thức canh nồi bánh sôi sùng sục trên bếp lửa hồng, mọi người cùng kể chuyện năm cũ, mong chờ một năm mới hạnh phúc, bình an. Với những người con xa quê, chỉ cần được ngồi bên gia đình trong giây phút ấm áp này đã trọn vẹn ý nghĩa đoàn viên.
         
Đậm vị Tết cổ truyền
         
Từ sau Tết ông Công ông Táo trở đi, không khí sắm Tết trong mỗi gia đình trở nên nhộn nhịp, khẩn trương. Trong đó, gói bánh chưng là việc quan trọng nhất, đặc trưng cho ngày Tết cổ truyền. Cuộc sống hiện đại khiến cho nhiều người, nhiều gia đình trở nên bận rộn, không có thời gian gói bánh. Việc lựa chọn một cơ sở gói bánh chưng gia truyền cho ngày Tết được các bà, các mẹ nội trợ gia đình hết sức quan tâm, lựa chọn kỹ càng. Cở sở làm bánh chưng gia truyền Phi Nhung tại thị trấn Chờ, huyện Yên Phong là một trong những địa chỉ uy tín, chất lượng được nhiều người tiêu dùng tin tưởng đến đặt bánh tại đây. Chủ cơ sở có tay nghề, kinh nghiệm trên 20 năm. Vào những ngày giáp Tết, cửa hàng chị tấp nập khách ra vào đặt bánh. Được biết, cơ sở làm bánh của chị hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, truyền thống theo đúng phong tục cổ truyền của dân tộc.

Công đoạn rửa lá, thái thịt.
         
Các nguyên liệu làm bánh gồm: gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong được cửa hàng lựa chọn khá kỹ lưỡng. Gạo nếp phải là gạo nếp cái hoa vàng chính hiệu với hạt mẩy, đều và to; đỗ xanh chọn loại đỗ mộc, loại 1; thịt lợn có cả nạc cả mỡ thơm ngon từ nguồn cung cấp thịt sạch; lá dong chọn lá dong rừng vì khi luộc bánh mới cho ra màu bánh xanh, ngon, bắt mắt. Gạo nếp được vo kỹ, đãi sạch và ngâm qua đêm cho gạo nở ra; đỗ xanh cũng được đãi sạch nhưng thời gian ngâm ít hơn so với gạo rồi để ráo nước. Thịt lợn chọn loại thịt ngon, thơm và thái thành miếng dài (bánh dài) và thái những miếng vuông như bao diêm để cho vào bánh vuông và ướp cùng với muối hạt, hạt tiêu. Chính những công đoạn chuẩn bị nguyên liệu cho việc gói bánh được cửa hàng thực hiện cẩn thận, kỹ lưỡng đã tạo niềm tin, uy tín cũng như thương hiệu cho cửa hàng.
         
Ngoài những công đoạn chuẩn bị nêu trên, việc rửa lá được cho là khâu quan trọng không kém, quyết định tới chất lượng cũng như màu bánh bắt mắt khi bánh chín ra lò. Lá dong ắt là lá dong rừng mua về đem ra rửa sạch từng tàu, qua nhiều nước. Khi rửa, dùng giẻ mềm lau 2 mặt của tàu lá dong cho sạch hết những bụi bẩn. Rồi dùng giẻ mềm khác lau cho ráo nước để khi luộc, bánh sẽ không bị chua, lên mốc, lên meo. Việc rửa lá bánh không thể vội vàng mà đòi hỏi người rửa phải thật cẩn thận, tỷ mỷ.
         
Khi cuộc sống với bao bộn bề công việc, nhiều gia đình đã tìm đến những cơ sở làm bánh gia truyền, đảm bảo uy tín để lựa chọn những chiếc bánh thơm ngon, giữ được hương vị bánh truyền thống theo phong tục của dân tộc. Tại cửa hàng sản xuất bánh gia truyền Phi Nhung, có những thực khách đã tin tưởng, lựa chọn sản phẩm của cửa hàng hơn 10 năm nay mỗi khi Tết đến xuân về. Nhiều thực khách truyền tai nhau về chất lượng của bánh đã giới thiệu bạn bè các tỉnh lân cận về đặt bánh tại cửa hàng. Nhiều người dân địa phương cũng chọn mua bánh tại cửa hàng làm quà biếu cho bạn bè, người thân ở quê xa.

Gói và bắc bếp luộc bánh chưng.
         
Bánh chưng – món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết để dâng lên cúng ông bà tổ tiên. Các món ăn đặc trưng cho hương vị ngày Tết như: thịt gà, xôi gấc, canh măng hầm giò, giò lụa, giò nạc, canh bóng, canh mọc, bát miến… và không thể thiếu đĩa bánh chưng xanh bắt mắt. Trong không khí ấm áp của mùa xuân, khói hương trầm thơm ngát, bên mâm cơm có đủ bánh chưng xanh, dưa hành, giò mỡ, thịt gà, giò lụa... ông bà cùng con cháu thành kính thắp hương trước bàn thờ gia tiên, báo cáo với ông bà, tổ tiên những việc đã làm tốt trong năm, từ chuyện học hành, làm ăn đến chuyện tình cảm, hiếu nghĩa hay cả những luyến tiếc những việc chưa hoàn thành và niềm hy vọng về một năm mới thuận lợi, bình an... 
         
Nói bánh chưng mang đậm vị Tết dân tộc là vì thế. Hiếm có loại bánh nào được làm ra còn giữ nguyên hương vị đất trời, hòa quyện, hài hòa vào nét tinh tế ẩm thực cổ truyền ngày Tết. Trong không khí của những ngày Tết đến xuân về, trên mâm cơm của mỗi gia đình mà thiếu đi hương vị bánh chưng thì xem như thiếu đi một phần trọn vẹn của năm mới khởi đầu.
Mai Quế
 
 

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại