Đoàn tụ bữa cơm chiều 30 Tết

(BTV) Bữa cơm chiều 30 Tết – bữa cơm cuối cùng của năm cũ là khoảnh khắc sum vầy, ấm áp nhất, là sợi dây tình cảm, gắn kết các thành viên trong gia đình, tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên. Bởi thế mà, trong sâu thẳm tiềm thức của mỗi người dân đất Việt, không ai là không nhớ đến bữa cơm chiều 30 Tết.

 


Mâm cơm chiều 30 Tết được chuẩn bị thịnh soạn, tươm tất để dâng lên
ông bà, tổ tiên với một lòng thành kính của con cháu.

Người Việt rất coi trọng bữa cơm chiều 30 Tết - bữa cơm cuối cùng của năm cũ. Mọi thành viên trong gia đình đi làm, đi học xa nhà, dù có bận rộn công việc đến đâu thì cũng cố gắng về sum họp với gia đình trong thời khắc quan trọng này. Vậy nên, người ta thường gọi mâm cơm chiều cuối cùng của năm cũ là bữa cơm đoàn viên, là thời khắc đáng trân trọng, thiêng liêng nhất trong 1 năm qua đi.
Công việc sắm sửa Tết được chuẩn bị, tiến hành từ nhiều ngày trước, đến ngày 30, không khí tất bật, hối hả dường như còn đang diễn ra trong mỗi gia đình. Ai cũng tranh thủ những giờ phút còn lại ngắn ngủi của năm cũ để cầu mong một năm mới chu toàn, trọn vẹn trong 3 ngày Tết. Các mẹ đi chợ sắm sửa những thứ cần thiết như cau trầu, hoa tươi, gia vị, thực phẩm Tết..., các bố chăm lo, dọn dẹp, sửa soạn, bài trí bàn thờ gia tiên để đón các cụ về ăn tết bên con cháu, trẻ nhỏ lăng xăng quét nhà, lau bàn ghế... Nhưng trên hết là chuẩn bị bữa cơm tất niên đủ đầy, tươm tất.

Bà Lựu và con gái đang chuẩn bị cho bữa cơm chiều 30 Tết.

Giống như nhiều nhà khác, hôm nay, chiều 30 Tết, gia đình ông Nguyễn Đức Nhạ và bà Vũ Thị Lựu ở phố Thành Bắc, phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh đang tất bật chuẩn bị cho mâm cơm chiều 30 Tết. Từ tối qua, bà Lựu đã ngâm gạo nếp và đỗ xanh và gấc để đồ xôi cúng tất niên. Sáng sớm nay, bà cùng con dâu đi chợ, chọn mua những thứ tươi ngon nhất về làm cơm. Mấy đứa cháu nội, cháu ngoạn ríu rít giúp bà nhặt rau, gọt su hào, cà rốt và cắt tỉa thành hình những bông hoa đào cho món canh thập cẩm thêm đẹp mắt, rồi phụ bà phụ mẹ khi cần. Trên bếp, nồi canh măng hầm xương đang đỏ lửa. Ngoài sân, bánh chưng đã được vớt ra để nguội. Những chiếc đẹp nhất được chọn đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên. Trong phòng khách, con trai trưởng cùng bầy nhỏ đang sửa soạn lại cành đào, trang trí thêm cho cây quất mấy dây đèn màu nhấp nháy. Cả căn phòng như sáng bừng lên sắc thắm hoa đào và vàng rực của cây quất.

Bà Lựu chia sẻ: mâm cơm chiều 30 Tết của gia đình bao giờ cũng được chuẩn bị chu đáo, tươm tất với những món ăn truyền thống như: canh măng hầm giò, bát miến, bát bóng, giò lụa, thịt gà, giò mỡ... theo đúng phong tục, nghi lễ cổ truyền của dân tộc Việt. Ngày 30, ngày tất niên tức là tổng kết lại 1 năm qua đi với bao công việc, bộn bề của cuộc sống. Cả gia đình quây quần bên mâm cơm chiều 30 Tết vừa thưởng thức những món ăn đậm chất hương vị Tết cổ truyền vừa cùng nhau chia sẻ những công việc đã hoàn thành và những dự định cho năm mới. Với tôi, đó là điều tuyệt vời nhất, hạnh phúc nhất khi ở tuổi này".

Gia đình bà Vũ Thị Lựu (70 tuổi) và ông Nguyễn Đức Nhạ (80 tuổi) sinh được 5 người con. Đây là gia đình có 4 thế hệ sinh sống gồm: ông bà, cha mẹ, con cháu và chắt. Con trai, con gái của ông bà đều lập gia đình gần bố mẹ, nên vào những ngày lễ, Tết, ngày kỷ niệm trọng đại của gia đình, các con cháu của ông bà đều tập trung đông đủ, quây quần bên nhau trong không khí ấm cúng, hạnh phúc và vui vẻ bên nhau. Gia đình ông bà là một trong số những Gia đình văn hóa 3 năm liên tiếp (2015-2017) được UBND phường Ninh Xá công nhận. Trong gia đình, các con các cháu đều ngoan ngoãn, biết vâng lời ông bà, cha mẹ. Đặc biệt, ông bà luôn nhắc nhở, chỉ bảo con cái những đạo lý truyền thống của dân tộc, trong đó có những nghi lệ, tập tục của ngày Tết cổ truyền. Chính vì vậy, con cái của ông bà đều thành thục, am hiểu những nghi lễ đó, trong đó có việc chuẩn bị bữa cơm chiều 30 Tết.

Cả gia đình quây quần bên nhau trong không khí ấm áp
của mùa xuân, của những ngày đầu năm mới.

Bữa cơm tất niên là bữa ăn cuối cùng của năm cũ nên thường được thực hiện vào chiều 30 tết. Lúc đó, mọi công việc chuẩn bị Tết cơ bản được hoàn thành; nhà cửa trang hoàng lộng lẫy với những cây kim tuyến nhóng nhánh dưới ánh đèn lấp lánh đủ màu sắc; bàn thờ đã ngay ngắn, đầy đủ đèn nhanh để mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Bữa cơm tất niên - bữa cơm đoàn viên có ý nghĩa thiêng liên mà trọng đại, là sợi dây vô hình kết nối các thành viên, các thế hệ cứ mỗi độ xuân về. Gia đình nào bữa cơm ấy đầy đủ con cháu, thành viên càng chứng tỏ gia đình đó hạnh phúc viên mãn, là niềm tự hào của mỗi thành viên trong gia đình.

Trong không khí ấm áp của mùa xuân, khói hương trầm thơm ngát, bên mâm cơm có đủ bánh chưng xanh, dưa hành, giò mỡ, thịt gà, giò lụa... ông bà cùng con cháu thành kính thắp hương trước bàn thờ gia tiên, báo cáo với ông bà, tổ tiên những việc đã làm tốt trong năm, từ chuyện học hành, làm ăn đến chuyện tình cảm, hiếu nghĩa hay cả những luyến tiếc những việc chưa hoàn thành và niềm hy vọng về một năm mới thuận lợi, bình an... Ông Nhạ bà Lựu cũng không quên nhắc nhở con cháu gìn giữ, phát huy truyền thống gia đình, quê hương và trao nhau những lời chúc đẹp nhất ngày đầu năm mới.
Gia đình bà Lựu ông Nhạ cũng như nhiều gia đình khác của phố Thành Bắc, phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh nói riêng và các gia đình trên đất nước hình chữ S nói chung vẫn gìn giữ, phát huy truyền thống dân tộc, đặc biệt là bữa cơm chiều 30 Tết có ý nghĩa vô cùng quan trọng mà ai nấy đều trân trọng, thành kính.

Dù ở bất kỳ độ tuổi nào, mỗi khi Tết đến xuân về, cảm giác hồi hộp, thiêng liêng, phấn chấn khi được dự bữa cơm tất niên và đón năm mới giữa những người thân đều vẹn nguyên các giá trị. Điều đó lý giải vì sao quê hương, gia đình luôn là nỗi niềm thương nhớ da diết của mỗi người con đất Việt, kể cả những người Việt xa xứ, đang sống cách chúng ta hàng nghìn, hàng vạn cây số mỗi khi Tết đến, xuân sang.
Mai Quế

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại