(BTV) Hiện nay tại một số địa phương trong tỉnh nguồn bệnh lùn sọc phương Nam trên lúa đang tồn tại với tỉ lệ cao và có nguy cơ cao bùng phát thành dịch, gây hại nghiêm trọng cho vụ xuân năm 2018.
Để chủ động phòng chống bệnh lùn sọc phương Nam, các cấp, ngành, cơ quan chuyên môn cần chỉ đạo nông dân làm đất sớm, vệ sinh đồng ruộng, cày vùi lúa chết và cỏ dại để tiêu hủy triệt để nguồn bệnh trên đồng ruộng. Những nơi có mật độ rầy lưng trắng cao phải phun trừ trước khi cày vùi, tiêu hủy. Hạn chế đưa vào cơ cấu những giống lúa đã bị nhiễm bệnh lùn sọc phương Nam nặng, tăng cường sử dụng các giống kháng, chống chịu hoặc ít nhiễm rầy lưng trắng. Tổ chức chỉ đạo phòng trừ rầy lưng trắng cho toàn bộ diện tích mạ và lúa gieo thẳng. Căn cứ vào thời điểm gieo mạ, gieo thẳng của các huyện, thị xã, thành phố, thị xã để chủ động tổ chức phun trừ rầy lưng trắng đồng loạt. Đối với mạ cần phun thuốc “tiễn mạ” trước khi nhổ cấy từ 2-3 ngày; đối với diện tích lúa gieo thẳng, phun khi cây lúa có từ 3-4 lá, sử dụng một trong số các loại thuốc trừ rầy lưng trắng như: Penalty 40WP, Chess 50WG, Chatot 600WG... .Thường xuyên theo dõi diễn biến của rầy lưng trắng trên đồng ruộng. Nếu phát hiện rầy lưng trắng mang virus lùn sọc đen phương Nam cần phun trừ ngay để hạn chế lây lan nguồn bệnh, tránh gây thiệt hại nặng cho sản xuất lúa. Các phòng chuyên môn bố trí cán bộ kỹ thuật phối hợp với các địa phương điều tra phát hiện bệnh lùn sọc đen phương Nam trên mạ, lúa gieo thẳng, lúa cấy; hướng dẫn nông dân tự kiểm tra, giám sát đồng ruộng, chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa xuân.
P.Hoa