Gìn giữ nghệ thuật giấy dó

(BTV) Nằm kề bên con sông Ngũ Huyện Khê, làng Dương Ổ, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh - một trong những cái nôi của nghề làm giấy dó truyền thống và giấy công nghiệp nổi tiếng khắp cả nước. Trước sự phát triển mạnh mẽ của thị trường giấy công nghiệp sản xuất giấy dó dần bị thu nhỏ hẹp hoặc chuyển đổi nghề khác. Thế nhưng, tại làng Dương Ổ vẫn còn có những gia đình, người thợ làm giấy dó truyền thống đang từng ngày cần mẫn với nghề truyền thống mà cha ông để lại.

 


Nguyên liệu dó được khai thác từ cây dó rừng.
         
Theo tài liệu và nghiên cứu lịch sử cho thấy, nghề làm giấy dó ở Đống Cao có thể đã xuất hiện từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên (SCN). Khi đó, Thái Luân - người sáng chế ra giấy ở nước Đông Hán (Trung Quốc) trong một lần cùng 13 người bạn vi hành tới phương Nam. Đến thành Đại La, mỗi vị đã dạy cho dân một nghề thủ công khác nhau. Vốn giỏi nghề làm giấy nên Thái Luân đã dạy cho dân làng Yên Thái (ven Hồ Tây) và Đống Cao (xứ Kinh Bắc) nghề làm giấy dó. Sau khi ông mất, dân làng 2 thôn: Yên Thái, Đống Cao tôn ông làm Tổ nghề. Ngày 16 tháng 8 âm lịch hàng năm, 2 làng đều tổ chức giỗ Tổ nghề để tưởng nhớ bậc tiền nhân có công truyền nghề thuở sơ khai.
         
Làng Dương Ổ, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh xưa kia nổi tiếng với nghề làm giấy dó truyền thống, cung cấp giấy khắp miền Bắc. Không ai ở làng biết chính xác nghề thủ công giấy dó ở Dương Ổ có từ bao giờ nhưng cuốn gia phả dòng họ Ngô còn lưu giữ thì nghề làm giấy dó ở Dương Ổ xuất hiện khoảng thế kỷ XV. Gia đình ông Ngô Văn Hiến - một trong số những hộ gia đình còn sót lại lưu truyền nghề làm giấy dó truyền thống. Ông là thế hệ thứ 3 trong gia đình giữ nghề làm giấy dó. 10 tuổi, ông bắt đầu phụ cha làm nghề giấy dó. Bước đầu, ông chỉ làm những công việc nhỏ nhặt như phơi giấy rồi dần dần rành rẽ từng khâu trong quá trình sản xuất giấy. Theo ông Hiến, lúc bấy giờ, cả làng làm giấy dó, vỏ dó phơi trắng từ ngõ đến bờ sông Ngũ Huyện Khê. Trong làng, không lúc nào ngớt âm thanh của tiếng chày giã giấy. Ông Hiến cho biết thêm, nghề làm giấy dó đã gắn bó với ông hơn 40 năm nay.

Con gái ông Hiến đang thực hiện công đoạn tách giấy dó.
         
Theo ông Hiến, một tờ giấy dó đúng tiêu chuẩn dai, bền phải trải qua gần 10 công đoạn. Tuân thủ đúng theo các công đoạn đó, giấy dó có thể lưu giữ cả trăm năm. Nguyên liệu làm giấy dó là cây dó mọc trên rừng được khai thác chuyển về, bóc lấy vỏ phơi khô cho vào bể ngâm nước 48 giờ đồng hồ, sau đó ngâm với nước vôi đặc rồi cho vào thùng phi đun liên tục trong 24 giờ, đem vớt ra rửa sạch, giã nhuyễn tạo bột, kết hợp với chất nhầy từ nhựa cây mò tạo hỗn hợp kết dính. Hỗn hợp này gọi là "huyền phù" mà người thợ sẽ pha với nước loãng hay đặc tùy theo loại giấy. Khi seo giấy hay còn gọi là tráng giấy, người thợ dùng "liềm seo" (khuôn có mành trúc, nứa ken dày) chao đi chao lại trong bể bột dó. Lớp bột dó trên liềm chính là tờ giấy dó sau khi kết thúc công đoạn ép, phơi, nén hay cán phẳng.
         
Sản phẩm chính của giấy dó là giấy vàng quỳ dùng làm bản thác văn bia, làm tranh Đông Hồ; giấy tăng sin dùng để quấn trong các quả pin chống ẩm, sản phẩm tầng cách âm, cách nhiệt, làm màng loa máy thu thanh; giấy dùng làm quạt, phục dựng các ấn bản sách cổ với các loại kích thước như giấy trúc, giấy khay... 
         
Hiện nay, tại gia đình ông Ngô Văn Hiến đang làm đa dạng các mẫu giấy dó nhưng chủ yếu là giấy khổ 30x40cm và 60x80cm. Khách hàng của gia đình ông không chỉ xuất bán cho những nghệ nhân ở làng tranh Đông Hồ (Thuận Thành), tranh Hàng Trống, Viện Hán Nôm, trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội....mà còn xuất sang Pháp để làm tranh cổ động. Trung bình, mỗi đơn hàng từ 1.000 đến 5.000 tờ và mức thu nhập trung bình từ việc bán giấy gia đình ông Hiến thu được từ 100 đến 200 nghìn đồng/người.
         
Công việc sản xuất giấy dó vất vả, tỉ mỉ là thế nhưng thu nhập đem lại cho những người thợ chẳng đáng là bao. Hiện nay, tại làng Dương Ổ chỉ còn 3, 4 hộ gia đình là còn duy trì nghề làm giấy dó truyền thống. Hầu hết các hộ đều chuyển sang làm giấy tái sinh. Nói như ông Hiến, cũng chỉ vì yêu nghề mà làm thôi. Gìn giữ nghề cha ông để lại, ông Hiến quyết tâm bám nghề.
         
Những người thợ làm giấy dó ở Dương Ổ như gia đình ông Hiến đều nhận thấy giấy dó ngày nay gặp khó khăn cho đầu ra. Phần vì thu nhập không cao, nguyên liệu chính là giấy dó ở trên rừng thì bà con dân bản họ không trồng nữa mà chuyển sang cây trồng khác. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ giấy dó là có. Bởi lẽ, giấy dó có tính dai, bền, hút ẩm tốt đã tạo nên sự độc đáo, giá trị, khác biệt của loại giấy này so với các loại giấy khác. Bài toán thị trường cho giấy dó hiện nay là do chưa được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng, đặc biệt là những người trẻ. Vì lẽ đó, tổ chức bảo tồn và duy trì nghề làm giấy dó lớn nhất phải kể đến là "Zó Project" (6/2013) được thành lập bởi chị Trần Hồng Nhung (Hà Nội). Với mong muốn khôi phục nghề làm giấy dó truyền thống, mở rộng thị trường trong nước cũng như ngoài nước, chị đã tìm về các làng nghề giấy dó, trong đó có làng Dương Ổ để thuyết phục các nghệ nhân phục hồi sự sống cho giấy dó. Đến nay, dự án "Zó Project" đã cho ra đời nhiều sản phẩm độc đáo làm từ giấy dó như: Đèn lồng, sổ, bưu thiếp... thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia, trong đó có nhiều bạn trẻ đến từ các nước Úc, Nga, Pháp... Đây là tín hiệu tốt với những người luôn đau đáu với nghề làm giấy dó như gia đình ông Ngô Văn Hiến.
Mai Quế
 

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại