(BTV) "Hồng hồng tuyết tuyết, mới ngày nào chưa biết cái chi chi, mười lăm năm thấm thoắt có xa gì! Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu...." - những âm vang, giai điệu của tiếng sênh phách rộn ràng, tiếng đàn đáy dìu dặt và những câu hát ả đào của những ca nương trong Câu lạc bộ (CLB) Ca trù thôn Thượng Thôn, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong như réo rắt vào lòng người nghe về một sức sống bền bỉ, trường tồn của loại hình Ca trù trong đời sống của con người. Những con người ấy đã, đang và sẽ gìn gìn, phát huy những giá trị riêng có của loại hình di sản văn hóa phi vật thể đối với đời đời các thế hệ con cháu trên chính mảnh đất - nơi sản sinh ra Ca trù.
Buổi sinh hoạt thường kỳ của CLB Ca trù thôn Thượng Thôn, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong.
Thôn Thượng Thôn, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong vốn là làng Ca trù gốc, có dòng họ Đào chuyên làm nghề Ca trù. Con cháu họ này dường như tự thấm nhuần những câu ca trù từ tấm bé. Con trai 15-16 tuổi đã biết gảy đàn, đánh trống; con gái chỉ 13-14 đã biết sênh phách, hát ngân thành thục. Lớn lên một chút thì được theo bố mẹ, ông bà đi khắp nơi hát ở cửa đình, ở các lễ mừng thọ, khao cử, hội hè... Ca trù xưa chỉ dành cho giới trí thức, quan lại nên người họ Đào ai cũng thanh nhã, nhẹ nhàng, coi hát vừa là nghề, vừa là thú chơi. Bỗng chốc chiến tranh loạn lạc, người làng Thượng Thôn tản cư khắp nơi, tập trung cho sản xuất chiến đấu, nghề Ca trù cũng dần bị quên lãng từ đó. Ngay cả ngôi nhà thờ tổ nghề Đào Thư Từ cũng bị san phẳng không còn một dấu vết nào. Nặng lòng, tâm huyết với Ca trù, nhiều con cháu họ Đào vẫn âm thầm gìn giữ vốn nghề của cha ông, tổ tiên để lại.
Đình làng là nơi sinh hoạt thường kỳ của CLB Ca trù Thượng Thôn. Âm thanh, giai điệu: "Hồng hồng tuyết tuyết, mới ngày nào chưa biết cái chi chi, mười lăm năm thấm thoắt có xa gì! Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu...." được cất lên từ nghệ nhân, ca nương một thời Mẫn Thị Chung khiến ai cũng đều ngưỡng mộ, nhất tâm nhất dạ mà nghe từ đầu cho đến hết bài. Những động tác, cử chỉ gõ phách, giọng hát trong, sáng cùng đôi mắt sáng ngời toát lên từ ca nương ấy khiến người nghe không khỏi không tập trung. Nghệ nhân Mẫn Thị Chung - một trong những nghệ nhân Ca trù cao tuổi nhất Thượng Thôn. Mới đây, cụ được phong tặng là Nghệ nhân Ca trù tại Lễ vinh danh nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh. Đã ngoài 90 tuổi nhưng ở cụ vẫn toát lên vẻ đằm thắm, duyên dáng của ca nương đất Thượng Thôn xưa. Tiếng đàn đáy dìu dặt cất lên, hòa cùng nhịp trống phách, từng câu hát, từng giai điệu được nghệ nhân Mẫn Thị Chung thả hồn vào một cách sâu lắng, có hồn.

Nghệ nhân Mẫn Thị Chung (thứ 4 từ phải sang) đang chỉ dẫn, tập hát cho các thành viên trong CLB, đặc biệt là lớp trẻ.
Nghệ nhân Mẫn Thị Chung chia sẻ: Lên 10 tuổi, cụ vừa trông em giúp bộ mẹ vừa học hát Ca trù truyền miệng từ các cụ cao tuổi trong làng. Cứ thế, Ca trù ngấm vào máu thịt lúc nào không hay. Dần dần trong những việc lệ làng, hội hè, đình đám, cụ được đi theo thế hệ đi trước tham gia hát. Đến nay, những làn điệu cơ bản của loại hình Ca trù như: Hát nói, hát phú, hát đổ bộ, hát dai, hát ru, xẩm huê tình được nghệ nhân Mẫn Thị Chung nhuần nhuyễn và truyền lại cho con cháu, thế hệ tương lai với bộ môn nghệ thuật đặc trưng này.
Với quyết tâm không để Ca trù mai một, thế hệ trẻ quên lãng, Câu lạc bộ Ca trù Thượng Thôn thành lập năm 2006. Các thành viên trong CLB đã bỏ tiền túi mua sắm trang thiết bị, nhạc cụ, tìm đến nhà các nghệ nhân cao tuổi ghi chép lại những điệu hát, lề lối cơ bản rồi mời trực tiếp các cụ ra truyền dạy cho các thành viên trong những buổi sinh hoạt thường kỳ. "Có công mài sắt có ngày nên kim", CLB Ca trù Thượng Thôn từ lúc thành lập đến nay luôn duy trì số lượng hơn 20 thành viên. Hiện tại là 25 thành viên với 9 ca nương, 5 kép đàn và 5 đến 7 cháu nhỏ. Người lớn tuổi nhất trong CLB là nghệ nhân Mẫn Thị Chung (91 tuổi), nhỏ tuổi nhất là thành viên nhí 8 tuổi. Nhiều thành viên nhí trong CLB đã biết sử dụng trống, phách khá thành thạo, em nào cũng thuộc dăm ba bài ca trù. Đó chính là tương lai, bến đỗ của Ca trù Thượng Thôn, gửi gắm biết bao niềm mong mỏi, kỳ vọng của thế hệ đi trước.
Vào tối thứ Bảy, chiều Chủ nhật hàng tuần, những thành viên CLB Ca trù Thượng Thôn lại cùng nhau tập hợp để luyện tập những điệu hát Ca trù. Nhìn những thành viên trong CLB tập luyện, lớp trước chỉ dạy lớp sau, uốn nắn từng nhịp phách, ngón đàn mới thấy hết được tình yêu, sự trân trọng nghệ thuật Ca trù của người dân nơi đây. Xã hội đã ghi nhận giá trị của Ca trù khi Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và ngay trên chính mảnh đất Thượng Thôn này, Ca trù đang dần hồi sinh, nảy mầm trong thế hệ trẻ hôm nay về sự trường tồn, lan tỏa của Ca trù trong đời sống sinh hoạt của con người. Với những lẽ đó, để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị loại hình di sản Ca trù đòi hỏi sự chung tay, góp sức chính quyền địa phương nói riêng và các ngành, các cấp nói chung.
Mai Quế